Thủ tướng: Trong tháng 9, phải ban hành các nghị định về tổ chức bộ máy của các Bộ

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao các Bộ ngành liên quan sớm đề xuất thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô và ban hành các nghị định về tổ chức bộ máy của các bộ…

thu-tuong1-2027
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận phiên thảo luận

Ngày 6-9, phát biểu kết luận về nội dung thảo luận tình hình kinh tế-xã hội tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2022, Thủ tướng nêu rõ 12 kết quả nổi bật trong 8 tháng vừa qua.

Cụ thể gồm: làm tốt công tác kiểm soát dịch bệnh; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thúc đẩy tăng trưởng; 5 cân đối lớn được bảo đảm tốt; nền kinh tế tiếp tục phục hồi; vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục xu hướng tăng; phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh…

Thủ tướng nhấn mạnh, nhiều tổ chức, chuyên gia uy tín quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế, nâng hạng tín nhiệm và dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam. Chỉ số phục hồi Covid-19 của Nikkei xếp Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới. Mới nhất, Moody's ngày 6-9 đã nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam.

Dù vậy, vẫn còn rất nhiều thách thức, khó khăn như: sức ép lạm phát rất cao; giải ngân đầu tư công chậm được cải thiện; hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số lĩnh vực còn khó khăn; đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn; diễn biến dịch bệnh còn rất phức tạp,

Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu phải xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi, do đó tuyệt đối không chủ quan, lơ là.

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu làm tốt công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là tiêm vaccine bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả, khắc phục bằng được tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.

Cùng đó, giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; phối hợp hài hòa, hợp lý, đồng bộ, chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Xây dựng các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát, các cân đối lớn.

Đẩy mạnh chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Cương quyết cắt giảm các thủ tục rườm rà, các dự án dàn trải, điều chuyển vốn từ những dự án chậm, kém hiệu quả sang các dự án bảo đảm tiến độ.

Thủ tướng yêu cầu bảo đảm chất lượng, tiến độ các đề án, nội dung trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hội nghị Trung ương 6, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV; Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số, chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo.

Đáng chú ý, Thủ tướng lưu ý Việt Nam là một trong những nước có tiềm năng lớn về năng lượng gió, năng lượng mặt trời. Do đó, các bộ, ngành liên quan phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, đối thoại thẳng thắn và tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác phát triển trong quá trình chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, thúc đẩy tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam; đề xuất thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô.

Đặc biệt, cần tập trung rà soát, hoàn thiện pháp luật, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Thủ tướng đề nghị trong tháng 9 phải ban hành các nghị định về tổ chức bộ máy của các bộ, các ngành. Đồng thời, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng bộ máy hành chính trong sạch, vững mạnh.

Tiến Hưng / ANTĐ