- Cận cảnh vị trí xây hầm vượt sông nối Đồng Nai với TP.HCM
- Thủ tướng: Phân quyền triệt để cho Hà Nội và TP.HCM làm đường sắt đô thị
Tại buổi công bố Quy hoạch TP.HCM, Thủ tướng cho biết đã giao Tập đoàn Vingroup nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông ngầm từ trung tâm TP.HCM đến Cần Giờ.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị công bố Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chiều 4/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định việc công bố Quy hoạch có ý nghĩa rất quan trọng, định hướng để các nhà đầu tư, đối tác có cơ sở nghiên cứu, thúc đẩy và mở rộng đầu tư.
Thủ tướng đánh giá quy hoạch TP.HCM được chuẩn bị công phu, bài bản, khoa học, bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và thực tiễn của địa phương, vùng, khu vực, thế giới. Đặc biệt bám sát nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân.
Giao Vingroup làm tàu điện ngầm từ trung tâm đến Cần Giờ
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Công bố Quy hoạch TP.HCM có ý nghĩa rất quan trọng, định hướng để các nhà đầu tư, đối tác có cơ sở nghiên cứu, thúc đẩy và mở rộng đầu tư. (Ảnh: TTBC)
Quy hoạch TP.HCM đã thể hiện tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn, với cách tiếp cận, phương pháp luận phù hợp và quyết tâm lớn để giải quyết các vấn đề của thành phố.
Đặc biệt, quy hoạch cũng đã tìm ra và phát triển tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để khai thác hiệu quả, thu hút nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững. Đồng thời cũng phát hiện những tồn tại, thách thức với một thành phố đất hẹp người đông, còn nhiều vấn đề về ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường… để đưa ra giải pháp khắc phục.
"Trăn trở, lo toan và trách nhiệm của chúng ta được gói ghém trong quy hoạch, để chúng ta tự hào, tự tin và vững bước đi lên", Thủ tướng nói.
Thủ tướng yêu cầu TP.HCM phải đảm bảo tính tuân thủ và đồng bộ trong tổ chức thực hiện quy hoạch. Trong quá trình thực hiện phải linh hoạt để bổ sung điều chỉnh kịp thời. Đặc biệt cùng cả nước đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số những năm tới.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định quy hoạch đã xác định rõ các quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển cũng như chính sách ưu đãi và nguồn lực thực hiện quy hoạch trong thời gian tới. Điều quan trọng là tổ chức thực hiện để biến tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của TP.HCM thành của cải vật chất, mà mọi người dân cùng tham gia thực hiện và thụ hưởng thành quả để có đời sống ấm no, hạnh phúc.
Theo quy hoạch vừa được phê duyệt, tầm nhìn đến năm 2050, TP.HCM là đô thị toàn cầu hấp dẫn và bền vững; trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á. (Ảnh: Lương Ý)
Theo Thủ tướng, việc thực hiện Quy hoạch TP.HCM là nhiệm vụ không chỉ của TP.HCM mà là nhiệm vụ chung của cả Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong vùng. Thủ tướng cho biết đã giao Tập đoàn Vingroup nghiên cứu, xây dựng hệ thống giao thông ngầm từ trung tâm thành phố đến Cần Giờ. Theo Thủ tướng, phải giao nhiều việc cho các doanh nghiệp lớn, bởi nguồn lực bắt nguồn từ người dân, doanh nghiệp là rất lớn.
"Cần phải phát triển không gian đô thị, đặc biệt không gian ngầm. Vừa qua chúng ta khánh thành đường sắt đô thị - metro số 1 và người dân rất háo hức, cần tiếp tục phát triển không gian này. Tôi cũng có giao cho anh Vượng - Vingroup (Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng - PV) nghiên cứu xây dựng hệ thống tàu điện ngầm từ trung tâm TP đến huyện Cần Giờ. Anh cũng đồng tình và rất say sưa", Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.
TP.HCM phải mạnh dạn thí điểm cơ chế, chính sách mới
Để xây dựng đô thị TP.HCM hiện đại, thông minh, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị, hội nhập khu vực và quốc tế, phát huy vai trò động lực của khu vực và cả nước, Thủ tướng lưu ý cần mở ra không gian đổi mới sáng tạo, TP phải mạnh dạn thí điểm các cơ chế, chính sách mới, phải vượt qua giới hạn của chính mình và chấp nhận rủi ro nhưng phải có chính sách đảm bảo cho đội ngũ yên tâm đổi mới sáng tạo vì sự phát triển chung.
Lưu ý các dự án mang tính chất động lực như Trung tâm Tài chính quốc tế, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, đường kết nối giao thông giữa sân bay Long Thành với sân bay Tân Sơn Nhất cùng mạng lưới đường sắt đô thị… phải làm khẩn trương, vừa làm vừa hoàn chỉnh, không cầu toàn, không nóng vội.
Tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM được đưa vào khai thác là động lực để TP đẩy mạnh phát triển không gian đô thị, đặc biệt không gian ngầm. (Ảnh: Lương Ý)
Đặc biệt, TP.HCM phải phổ biến sâu rộng quy hoạch với người dân, doanh nghiệp; công khai, minh bạch, để mọi người dân, nhà đầu tư hiểu, từ đó ủng hộ, làm theo, giám sát việc thực hiện và thụ hưởng thành quả.
Thủ tướng gợi ý TP.HCM xây dựng Cung triển lãm Quy hoạch để khẳng định tầm nhìn, khát vọng, nâng cao tự hào của người dân. Đây cũng sẽ là một sản phẩm du lịch đặc sắc; là nơi để người dân nắm bắt và giám sát thực hiện quy hoạch.
Thủ tướng đồng thời đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng TP.HCM "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", đã cam kết là phải thực hiện, cùng tham gia làm tốt công tác an sinh xã hội của thành phố.
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Quyết định phê duyệt quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một trong những niềm vui lớn, “món quà lì xì có giá trị nhất từ trước đến nay” mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ tặng cho TP.HCM nhân dịp đầu năm mới.
Thời gian tới, TP.HCM sẽ khẩn trương phối hợp các bộ ngành Trung ương để hoàn thiện, trình Thủ tướng phê duyệt kế hoạch triển khai quy hoạch. TP.HCM cam kết quản lý, thực hiện quy hoạch đảm bảo chặt chẽ, khoa học, linh hoạt, phù hợp tổng thể, đáp ứng được nhu cầu phát triển thành phố, tháo gỡ điểm nghẽn, tạo động lực để TP bứt phá trong thời gian tới.