- Thủ tướng: Xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng như cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức...
- Lập Ban Chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, không hợp thức hóa cái sai nhưng cần tìm giải pháp để xử lý các dự án tồn đọng và "chấp nhận mất mát, coi đây là học phí".
Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về nhiều nội dung, trong đó có đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội…
230 tỷ USD tồn đọng trong các dự án "rùa bò"
Phát biểu về vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết vừa qua Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội về các dự án tồn đọng kéo dài nhiều năm, thậm chí nhiều nhiệm kỳ, liên quan đến các chính sách không phù hợp.

Thủ tướng phát biểu tại thảo luận tổ sáng 23/5.
Ví dụ một loạt dự án điện gió, điện mặt trời phải giải quyết, xử lý. Nguyên nhân do chính sách trước đây đưa ra chưa phù hợp dẫn tới tiêu cực, lượng lớn dự án được ồ ạt xây dựng không đúng quy hoạch, thủ tục. Chính phủ đã phải ban hành nghị quyết để xử lý, với tinh thần hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ.
Thủ tướng nhấn mạnh, theo thống kê từ các địa phương, cả nước có khoảng 2.200 dự án đang tồn đọng. Nếu tháo gỡ được có thể giải phóng khoảng hơn 230 tỷ USD, tương đương 50% GDP. Để có thể giải phóng nguồn lực ở các dự án tồn đọng, Chính phủ đang xây dựng các cơ chế chính sách trình cấp có thẩm quyền để xử lý.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định quan điểm là không hợp thức hoá cái sai nhưng cần tìm giải pháp để xử lý. Như xử lý về mặt thể chế, xử lý về mặt tổ chức, tháo gỡ pháp lý, tháo gỡ cách thức thực hiện.
Đáng chú ý, Thủ tướng cho rằng, cần phải chấp nhận đây là “căn bệnh”, mà đã có bệnh thì phải chữa, song chữa thì phải đúng.
“Chữa bệnh mà phải mổ xẻ thì phải đau đớn hoặc chữa lâm sàng uống thuốc vẫn phải mất tiền. Do đó khắc phục hậu quả không thể nào đòi hỏi thu về 100%. Cần phải chấp nhận mất mát, chấp nhận đau đớn, chấp nhận những cái phải cắt bỏ”, Thủ tướng nêu quan điểm.
Và khi cắt bỏ những đau đớn này sẽ cho chúng ta những bài học mới, cho chúng ta kinh nghiệm mới để tránh lặp lại trong tương lai. “Giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng là việc không thể không làm. Phải chấp nhận sự mất mát nào đó, coi đó là học phí. Từ đó đưa ra cơ chế chính sách, quyết tâm giải quyết và giải quyết dứt điểm”, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.
Không thể lẽo đẽo mãi
Liên quan đến các giải pháp cho mục tiêu tăng trưởng, người đứng đầu Chính phủ cho biết, trong bối cảnh thế giới hiện nay là rất khó khăn, các định chế tài chính dự báo tăng trưởng năm nay thấp hơn năm ngoái. Nhưng Việt Nam đi ngược lại xu thế thế giới, khi nâng mục tiêu tăng trưởng từ 8% năm 2025 và tăng trưởng 2 con số trong các năm tiếp theo.

Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại tổ sáng 23/5.
“Vậy làm sao đi ngược lại nhưng nâng cao hơn?” Thủ tướng đặt câu hỏi và chia sẻ 3 đột phá chiến lược Việt Nam đang triển khai tích cực đó là: tháo gỡ điểm nghẽn thể chế; đẩy mạnh đột phá chiến lược về hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực.
Trong đó, Thủ tướng dành nhiều thời gian chia sẻ về đẩy mạnh đột phá chiến lược về hạ tầng. Theo Thủ tướng, đây chính là điểm nghẽn vì thực tế chi phí logistics cao khoảng 17-18% so với trung bình thế giới 10-11% khiến sức cạnh tranh của hàng hóa bị giảm.
Do đó, cần phải tiếp tục thúc đẩy hạ tầng chiến lược về giao thông ở cả 5 phương thức.
Với đường bộ, mục tiêu đặt ra là phải hoàn thành ít nhất 3.000 km cao tốc trong năm 2025. Tiếp đó là triển khai hệ thống đường sắt - đây là hệ thống dung hòa giữa hàng không và hàng hải bởi hàng không có giá đắt còn hàng hải mất thời gian hơn.
Đường sắt khối lượng vận tải lớn, giá thành rẻ, có thể đi suốt ngày đêm, do đó phải nâng cấp hệ thống đường sắt, tập trung xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và đường sắt liên kết với Trung Quốc là Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng, mở ra kết nối giao thông với Trung Quốc, kết nối sang Trung Á và châu Âu, nhờ đó mới đa dạng hóa thị trường và sản phẩm.
Về đường thủy nội địa, trong đó Đồng Bằng Sông Cửu Long có lợi thế rất lớn. Theo Thủ tướng, năm nay và năm tới sẽ tập trung vào loại hình vận tải này để giảm chi phí hàng hoá, tăng sức cạnh tranh.
Đối với hàng không, Thủ tướng cho biết đây là phương thức đang phổ biến. Muốn phát triển hàng không thì phải có sân bay, phát triển đội bay, các hãng hàng không.
“Không thể dừng ở 2-3 hãng hàng không, mà phải phát triển nhiều để tạo cạnh tranh có lợi cho người dân”, Thủ tướng nêu ý kiến,
Về hàng hải, Thủ tướng nhấn mạnh phải xây dựng các cảng lớn để các tàu lớn nhất có thể ra vào. Nước ta có 3.000km bờ biển nên cần phải phát triển hệ thống cảng, vận tải hàng hải. Một số cảng đang được tập trung phát triển như cảng Lạch Huyện, Cái Mép Thị Vải, cảng Cần Giờ, cảng Hòn Khoai… đẩy mạnh giao thông hàng hải.
Nhấn mạnh hội nhập là xu thế thời đại, Thủ tướng cho biết: “Chúng ta không thể làm gì một mình được, phải hội nhập, không thể lẽo đẽo theo sau các nước mãi. Phải tiến cùng, bắt kịp và vượt lên, tham gia dẫn dắt cuộc chơi. Muốn vậy phải chủ động tích cực, nâng cao năng lực cạnh tranh, thương hiệu của đất nước”.
https://vtcnews.vn/thu-tuong-chap-nhan-mat-hoc-phi-de-xu-ly-hang-nghin-du-an-ton-dong-ar944750.html