Thủ tướng chỉ đạo nghiêm túc rút kinh nghiệm, tiếp thu các ý kiến đóng góp để sửa đổi ngay các điểm chưa phù hợp của sách giáo khoa lớp 1 chương trình mới.
Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV sáng nay (20/10), Thủ tướng cho biết sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình mới có một số điểm chưa phù hợp. Thủ tướng đã chỉ đạo nghiêm túc rút kinh nghiệm, tiếp thu các ý kiến đóng góp để sửa đổi ngay.
Cũng liên quan tới vấn đề này, trình báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trước Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Trần Thanh Mẫn cho biết cử tri và nhân dân còn bức xúc vì giá sách giáo khoa tăng cao so với năm học trước, có dấu hiệu lợi ích nhóm, thiếu hướng dẫn và thông tin chưa rõ ràng việc sử dụng sách giáo khoa trong các nhà trường.
"Đặc biệt, việc phát hành và đưa vào sử dụng bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, bộ Cánh diều gây ra nhiều phản ứng trong nhân dân. Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo có biện pháp khắc phục. Tuy nhiên cần thường xuyên kiểm tra việc phát hành, sử dụng sách giáo khoa trong nhà trường", ông Mẫn cho biết.
Sách giáo khoa lớp 1. |
Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên sử dụng sách giáo khoa lớp 1 mới. Vừa qua, có nhiều ý kiến sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, trong đó có bộ sách Cánh Diều (là 1 trong 5 bộ sách được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt) có nhiều điểm không phù hợp.
Văn phòng Chính phủ ra thông báo số 362/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về sách giáo khoa ngày 12/10.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, Bộ GD&ĐT cần tăng cường chỉ đạo việc nghiên cứu các ý kiến góp ý, có quyết định kịp thời, phù hợp theo đúng thẩm quyền như quy định tại Điều 32 Luật Giáo dục (Luật số 43/2019/QH14) để bảo đảm chất lượng của sách giáo khoa mới đáp ứng yêu cầu đảm bảo mục tiêu giáo dục như quy định tại Điều 2 Luật số 43/2019/QH14.
Từ thực tiễn biên soạn, thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa lớp 1 mới vừa qua, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT cần rà soát ngay các quy định, tổ chức thuộc trách nhiệm của Bộ, của Bộ trưởng liên quan tới chương trình, sách giáo khoa; có giải pháp cụ thể, hiệu quả để huy động, phát huy đội ngũ giáo viên, các nhà khoa học, chuyên gia tham gia đóng góp ý kiến đối với sách giáo khoa mới và xây dựng kho học liệu điện tử theo chương trình mới.