Thu từ 3 khu vực kinh tế: DNNN, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), doanh nghiệp ngoài quốc doanh có thể đều không đạt dự toán.
Ngày 1/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đăng đàn trả lời câu hỏi tại sao thu ngân sách Trung ương khó khăn, trong khi đã tăng sản lượng khai thác dầu thô đã tăng thêm 1 triệu tấn.
Theo ông Dũng, dầu thô là khoản thu đã từng chiếm tỷ trọng gần 1/5 (20%) tổng thu NSNN trong giai đoạn 2006-2010. Nhưng thời gian qua đã giảm nhiều do giới hạn sản lượng và giá dầu có xu hướng ở mức ổn định thấp. Đến năm 2017, dự toán thu dầu thô chỉ chiếm 3,2%, trên cơ sở sản lượng 12,28 triệu tấn và giá 50 USD/thùng.
“Đánh giá thu dầu thô năm 2017 tăng khoảng 5,2 nghìn tỷ đồng so với dự toán do cả sản lượng tăng thêm 1 triệu tấn (thêm khoảng 3,3 nghìn tỷ đồng) và giá bán tăng, nhưng cũng số thu chỉ chiếm 3,5% đánh giá thu NSNN năm 2017, bằng khoảng 1/2 số thu từ thuế thu nhập cá nhân”, báo Dân Việt dẫn lời ông Dũng cho biết.
Việc cơ cấu lại khu vực DNNN và ngân hàng còn chậm; một số tập đoàn, tổng công ty trong các lĩnh vực sản xuất ô tô, khai khoáng, thủy điện, khí thiên nhiên... có đóng góp thu lớn cho NSNN vẫn khó khăn.
Cũng theo Bộ trưởng Dũng, dự toán thu năm 2017 được xây dựng trên cơ sở tăng trưởng kinh tế 6,7% và lạm phát 4%. Trong điều kiện tăng trưởng kinh tế và lạm phát ước đạt kế hoạch, thì đánh giá thu ngân sách vượt dự toán 2,3% là tích cực.
Dù vậy, Bộ trưởng lưu ý, thu từ các khu vực kinh tế quan trọng lại không đạt dự toán (khu vực DNNN chỉ đạt 92,3%; từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 95,1% và thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 97,2% dự toán).
Trước đó, vào hôm 23/10, khi Quốc hội nghe các báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của Quốc hội về kết quả thực hiện NSNN năm 2017, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc khu vực DNNN có số thu giảm mạnh nhất (-7,7%) so với dự toán, cho thấy khả năng cạnh tranh, phát triển và chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực này còn hạn chế.
Nhiều ý kiến trong ủy ban cũng cho rằng, thu từ bán vốn của Nhà nước mới chỉ đạt 16,7% nhưng Chính phủ vẫn ước thực hiện cả năm đạt dự toán là rất khó khăn. Điều này thể hiện việc phối hợp triển khai kế hoạch thoái vốn nhà nước giữa các bộ, ngành hiệu quả chưa cao, cần được phân tích rõ các nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Số thu nội địa giảm một mặt đã phản ánh khả năng phục hồi của nền kinh tế còn chậm, chưa bền vững và thiếu tính ổn định, mặt khác, do số thu giao cho một số địa phương cao hơn so với thực tế, như: thu từ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Quảng Nam, Vĩnh Phúc…
Bên cạnh đó, việc xử lý nợ đọng thuế, tuy đã được triển khai quyết liệt, nhưng số thuế nợ đọng vẫn còn lớn (khoảng 74.000 tỷ đồng đến hết 30/9).
http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/thu-tu-doanh-nghiep-nha-nuoc-giam-manh-3346275/