Thu nợ từ quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước: Không để thất thoát nguồn thu

Trước số nợ còn phải thu của quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội tính đến thời điểm ngày 30-5-2024 là 884,6 tỷ đồng, thành phố đã đồng ý với báo cáo của các sở, ngành về phương án chi tiết thu hồi; trong đó, có nhiều biện pháp triệt để, cương quyết nhằm không để thất thoát nguồn thu.

thu-no.jpg
Cơ sở nhà đất tại 437 phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng) do Công ty TNHH một thành viên Điện ảnh Hà Nội (hiện đã làm thủ tục phá sản) thuê đang có khoản nợ lớn ở khối hành chính sự nghiệp. Ảnh: Dương Hiệp

Phân rõ nợ và xác định khả năng trả

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, trong số nợ 884,6 tỷ đồng có 95,2 tỷ đồng còn phải thu của các hợp đồng bán nhà tái định cư trả chậm. Đây là các khoản sẽ thu khi các hộ dân thuộc diện chính sách được trả dần tiền mua nhà tái định cư, thực hiện nộp tiền theo tiến độ trả dần, quy định tại Quyết định số 14/2012/QĐ-UBND ngày 4-7-2012 của UBND thành phố. Do vậy, số nợ này không xác định là khoản nợ phải thu ngay. Công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội sẽ thu theo tiến độ trả dần của các hộ dân.

“Với tổng số nợ của các quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước thực tế là 789,4 tỷ đồng được chia làm 3 loại nợ chính: Nợ luân chuyển có khả năng thu hồi, nợ khó thu và nợ xấu khó đòi, khả năng thu hồi thấp. Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng đã báo cáo thành phố và được thành phố chấp thuận các giải pháp tổ chức triển khai", ông Võ Nguyên Phong nêu.

Với nợ luân chuyển có khả năng thu hồi được, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các tổ chức, cá nhân sử dụng nhà không kinh doanh hoặc kinh doanh không hiệu quả nên nợ quý sau trả tiền quý trước hoặc có văn bản đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà. Số nợ này có khả năng thu hồi và đang được các đơn vị đôn đốc thu tiền.

Còn với nợ khó thu nguyên nhân do hợp đồng thuê nhà hết hạn và chưa tiếp tục ký lại, hằng năm Công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội lấy giá nhà thuê và hợp đồng cũ để tính tiền. Theo Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong, đây là phát sinh nợ đọng của đơn vị thuê và đều được Sở lập hồ sơ để thành phố ban hành quyết định thu hồi. Liên quan đến dạng nợ này, vừa qua, các đơn vị thu hồi hàng chục nghìn mét vuông tại các tầng 1 chung cư tái định cư và nhà ở thương mại trên địa bàn thành phố.

Có biện pháp cứng rắn với nợ xấu khó đòi

Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội Nguyễn Tiến Dũng cho biết, hiện có khoản nợ lớn tập trung ở khối hành chính sự nghiệp, trong đó có các đơn vị của thành phố. Ví dụ, Công ty TNHH một thành viên Điện ảnh Hà Nội có số nợ gần 80 tỷ từ năm 2022, lũy kế đến nay là hơn 100 tỷ đồng, cần có cơ chế chính sách để giải quyết.

Tất cả trường hợp nợ luân chuyển, nợ đọng, công ty đang phối hợp với các đơn vị để xử lý, bảo đảm sẽ thu đầy đủ. Còn các khoản nợ khó đòi, số lượng lớn, cần tập trung vào xử lý bằng cơ chế, chính sách thì Nghị định số 180/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác có hiệu lực từ ngày 15-10-2024 là cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý với nhóm nợ này.

Căn cứ theo nội dung hướng dẫn từ Nghị định 180/2024/NĐ-CP, Sở Xây dựng cho biết, thời gian tới sẽ lập hồ sơ đấu giá quyền thuê với quỹ nhà chuyên dùng không phải để ở. Trước đây, với phần diện tích này cơ chế cho thuê và đấu giá đều chưa được ban hành nên quy định mới ra đời gần như đã tháo gỡ triệt để những nội dung còn vướng mắc.

Ngoài ra, còn có diện tích một số người dân tự vào ở do Công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội tự bố trí, công ty đã tập trung thu hồi căn hộ, thu hồi tiền. Trong tổng số 140 căn đang phát sinh vướng mắc, hồ sơ của 100 căn đã được chuyển sang Công an thành phố điều tra, làm rõ, 40 căn còn lại do chính chủ đang ở nên đang được vận động để thu hồi tiền.

Về khoản nợ của các đơn vị sự nghiệp hành chính, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu khẳng định, Sở sẽ tham mưu thành phố bố trí ngân sách trả nợ. Với đơn vị trung ương, Sở cũng kiến nghị UBND thành phố có văn bản báo cáo các bộ ngành để giải quyết dứt điểm. Liên quan đến Công ty TNHH một thành viên Điện ảnh Hà Nội (hiện đã làm thủ tục phá sản) với khoản nợ hơn 100 tỷ đồng, hiện còn một số tài sản liên quan đến rạp hát trên địa bàn thành phố. Sở Tài chính đang cùng Tổng công ty Du lịch đề xuất thành phố xử lý theo hướng khoanh nợ để giải quyết.

“Để triển khai thu hồi nợ đọng, nợ xấu, căn cứ vào Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố giai đoạn 2023-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030 đã được HĐND thành phố thông qua, thành phố đã ban hành kế hoạch khắc phục. Các giải pháp được thành phố chỉ đạo hết sức quyết liệt. Sở Xây dựng, Tài chính và Công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để thu hồi các khoản nợ này cho thành phố”, ông Võ Nguyên Phong khẳng định.

https://hanoimoi.vn/thu-no-tu-quy-nha-thuoc-so-huu-nha-nuoc-khong-de-that-thoat-nguon-thu-689781.html

Bảo Hân / HNM.com.vn