Thu nhập bình quân 2.400 USD/người: Lời thật đáng suy ngẫm

Nếu không thay đổi được tư duy về thể chế, tư duy về chính sách Việt Nam nỗi buồn trên còn kéo dài trong nhiều năm nữa.

PGS.TS Nguyễn Văn Nam - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại cho rằng, chia sẻ của TS Nguyễn Đình Cung là lời nói thật rất đáng suy ngẫm.

thu nhap binh quan 2400 usdnguoi loi that dang suy ngam

Thu nhập người dân Việt Nam quá thấp. Ảnh: Getty image

Ông cho biết, suốt mấy chục năm qua trong nỗ lực cải cách, đổi mới Việt Nam đã đạt được không ít thành tựu đáng ghi nhận, tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn rất nhiều hạn chế cần phải thay đổi.

"Chúng ta đang đặt quyết tâm đổi mới nhưng chưa đổi mới về mặt tư duy, những báo cáo vẫn còn mang nặng tính thành tích. Năm nào cũng thấy báo cáo hoàn thành xuất sắc mục tiêu: kinh tế tăng trưởng vượt bậc, thu nhập đầu người tăng... Nhờ những báo cáo như vậy mà sau 30 năm đổi mới, Việt Nam mới từ một đất nước nghèo trở thành một đất nước bớt nghèo hơn, thu nhập bình quân đầu người đã có sự cải thiện, được nâng lên ở mức 2.400 USD/người.

Trong khi nhìn sang các nước bạn như Thái Lan, Singgapore... đặc biệt là Hàn Quốc, họ chỉ cần tới 2/3 quãng thời gian Việt Nam đã trải qua để vươn lên từ một nước nghèo thành một quốc gia giàu có, phát triển.

Năm 2014, Hàn Quốc đã đạt GDP bình quân đầu người là 32.400 USD, gấp 14 lần Việt Nam.

Nếu so sánh giữa những gì Việt Nam đã đạt được với các quốc gia trong khu vực sẽ thấy những nỗ lực của Việt Nam còn rất hạn chế, thành quả đạt được chỉ là một bước tiến rất ngắn so với những gì các nước bạn đạt được", PGS Nguyễn Văn Nam chia sẻ.

Chỉ rõ những nguyên nhân, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại nói thẳng, có lỗi từ trong cơ chế, thể chế chính sách điều hành cho tới quá trình thực thi.

"Về mặt kinh tế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài đã bộc lộ những sai lầm đáng tiếc. Cơ chế thu hút đầu tư không nên đặt trọng tâm là ưu đãi, là mở toang cửa cho doanh nghiệp nước ngoài vào mà cần chú trọng tới việc xây dựng chính sách đầu tư thông thoáng, thuận lợi. Đặt mục tiêu thu hút bằng mọi giá không khác nào đang "cắt thịt của người nghèo dâng cho người giàu". Tôi đã làm việc trực tiếp với nhiều nước như Thụy Điển, Canada... không nước nào có chính sách thu hút FDI như Việt Nam, họ rất coi trọng vấn đề tạo ra một môi trường kinh doanh đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư. Trong đó, môi trường kinh doanh phải đáp ứng được 3 yếu tố: Một là, lành mạnh; thứ hai là thuận lợi; thứ ba là thông thoáng, không có hạch sách, nhũng nhiễu, "tiền đi dưới gầm bàn".

Tuy nhiên, chúng ta lại đang xem việc thu hút đầu tư như một thành tích, là một chỉ tiêu tăng trưởng, vì thế mới có tình trạng đua nhau ưu đãi, ưu đãi kịch trần để cạnh tranh thu hút đầu tư, để có báo cáo năm sau tăng trưởng sẽ cao hơn năm trước. Nhưng khi nhìn vào bản chất chất tăng trưởng lại chủ yếu phụ thuộc vào FDI, lao động vẫn đi làm thuê.

Khu vực DNNN, được coi là khu vực trọng điểm của nền kinh tế dù được đầu tư nhiều tiền của, nguồn lực, được hưởng mọi cơ chế ưu tiên, ưu đãi,... nhưng kết quả thu về lại không hề tương xứng, thậm chí còn tạo cơ hội cho lợi ích nhóm thực hiện các hành vi trục lợi.

Rõ ràng nhìn lại mới thấy sự phát triển mất cân đối, nền tảng nền kinh tế phát triển không bền vững, doanh nghiệp trong nước bị chèn ép, phát triển èo uột, không có tích lũy, thành quả lao động chưa có được dấu nổi bật. Đặc biệt năm nào nhà nước cũng phải cấp phát gạo cứu đói, hỗ trợ cho đời sống người dân từ khu vực miền núi đến cả khu vực đồng bằng.... Điều này buộc chúng ta phải suy nghĩ.

Trong khi đó, cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm không phù hợp, không khuyến khích được người tài cống hiến, bộ máy cồng kềnh, chi phí tiền lương quá cao nhưng năng suất lao động không hiệu quả. Việt Nam dù được ghi nhận là một đất nước có tính ổn định chính trị cao, nhưng trong công tác quản lý lại đang bộc lộ nhiều tiêu cực, bất ổn. Trong khi, cơ quan, bộ ngành nào cũng báo cáo kết quả tự kiểm tra, thanh tra đều không phát hiện tham nhũng thì cơ quan điều tra lại đang phải xử hàng loạt những vụ tham ô, tham nhũng, gây thất thoát lãng phí hàng nhiều tỉ đồng.

Tại các khu công nghiệp, công nhân phải lao động vất vả nhưng thu nhập quá thấp, hạ tầng xã hội thiếu thốn, con cái phải gửi vào các "ổ quỷ" bị hành hạ, đánh đập rất thương tâm", PGS Nguyễn Văn Nam nói.

Nhìn lại tất cả những "trục trặc" nêu trên, vị chuyên gia cho rằng nỗi buồn của TS Cung là tất yếu.

PGS Nguyễn Văn Nam cho rằng, muốn cải thiện được thực trạng trên thì cần phải có một quyết sách đủ mạnh, đủ sức thay đổi toàn diện cả về tư duy lẫn cách thức thực hiện. Ông cảnh báo, nếu không thay đổi được tư duy về thể chế, tư duy về chính sách Việt Nam nỗi buồn trên còn kéo dài trong nhiều năm nữa.

thu nhap binh quan 2400 usdnguoi loi that dang suy ngam Thu nhập bình quân 2.400 USD/người: Buồn là đúng

Nỗi buồn trên không chỉ chứa đựng cảm xúc đơn thuần, nó còn là tâm trạng phản ánh thực trạng của nền kinh tế VN.

/ Theo báo Đất Việt