Mẹ của nữ thủ khoa Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho biết vị Giám đốc sở GD-ĐT Hà Giang cũng đã đến nhà nói chuyện, động viên Hà chờ đến khi tỉnh có chỉ tiêu tuyển dụng thì sẽ gọi đi làm.
Thời gian qua, dư luận xôn xao việc thủ khoa trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 - Bùi Thị Hà tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc nhưng chưa có việc làm nên về quê chăn lợn.
Trả lời PV VTC News, cô Nguyễn Thị Lượt - mẹ nữ thủ khoa chia sẻ, những ngày qua, Hà nhận được nhiều sự quan tâm từ mọi người. Trước sự quan tâm như vậy, Hà cảm thấy vui hơn và có chút động lực.
Mẹ của nữ thủ khoa này chia sẻ: "Hiện tại, Hà vẫn chưa đi dạy ở đâu. Con cũng bảo nếu được cơ quan nào nhận thì Hà sẽ đi dạy, chứ ở nhà mãi thế này thì Hà cũng buồn”.
Cô Lượt ngậm ngùi cho biết thêm, trước đó, ông Vũ Văn Sử (Giám đốc sở GD-ĐT Hà Giang) cũng đã đến nhà nói chuyện, động viên Hà chờ đến khi tỉnh có chỉ tiêu tuyển dụng thì Hà sẽ gọi đi làm. Nhưng mà không biết đợi đến bao giờ.
Thủ khoa Bùi Thị Hà.
Được biết, bản thân Hà cũng đang muốn đi dạy ở các trường công lập. Nhưng nếu đợi biên chế lâu quá, hết tháng này mà không được các trường công lập nhận, Hà sẽ xin làm ở các trường tư thục để theo đuổi đam mê dạy học của mình.
Khi nhắc tới việc cô con gái tốt nghiệp thủ khoa nhưng lại về quê chăn lợn, cô Lược chia sẻ: “Đó là thực tế cuộc sống mà Hà đang phải đối diện nên cũng không có gì phải buồn cả. Nhìn thẳng vào sự thật mà tiếp tục cuộc sống thôi”.
Ít ai biết rằng,Thu Hà là một trong 100 thủ khoa xuất sắc được vinh danh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) năm 2017.
Sinh ra trong một gia đình thuộc hộ cận nghèo của tỉnh Hà Giang, nên hoàn cảnh gia đình Hà rất khó khăn. Nhà Hà có ba anh chị em đều đi học đại học. Chị gái của Hà mới tốt nghiệp học viện Hành chính Quốc gia.
Cậu em trai đang là học viên năm 4 trường Sỹ quan Chính trị. Bố Hà làm phụ xây, còn mẹ làm nông nghiệp. Nhà vốn đã khó khăn vì thu nhập của bố mẹ không ổn định, lại lo cho các con ăn học nên thiếu thốn đủ điều.
Năm Hà học lớp 10, không may bố của em đột ngột qua đời trong một vụ tai nạn giao thông. Vì vậy kinh tế gia đình lại càng thêm túng quẫn. Mất mát này là quá lớn đối với gia đình em. Mẹ Hà phải bươn chải làm đủ mọi nghề để nuôi ba đứa con ăn học. Lúc này, khó khăn chồng chất, đè nặng lên đôi vai của người mẹ. Vì thương mẹ mà không ít lần Hà đã có ý định nghỉ học.
Vượt lên nỗi đau mất cha, Hà luôn cố gắng, nỗ lực hết mình để hoàn thành ước mơ trở thành cô giáo.
Năm 2012 Hà đã trúng tuyển vào khoa Văn, trường ĐH Sư Phạm Hà Nội 2.
Vì gia đình khó khăn, muốn giảm bớt gánh nặng cho mẹ, nên Hà vừa đi học vừa đi làm thêm mọi việc miễn là kiếm được tiền, từ rửa bát thuê đến lau dọn, bồi bàn... Rồi Hà chọn và gắn bó với công việc đi gia sư vừa để kiếm thêm thu nhập vừa để theo đuổi đam mê dạy học.
Chia sẻ với báo chí, Hà cũng tâm sự: “Em muốn được đi dạy lắm. Hiện giờ em chỉ có một khao khát cháy bỏng là được đi dạy, làm đúng với chuyên ngành và đam mê của mình. Em thực sự mong muốn được góp chút công sức và nhiệt huyết của mình để cống hiến cho quê hương đất nước”
Ông Vũ Văn Sử cho biết thêm: “Trường hợp của Hà là một trường hợp đặc biệt, học giỏi và gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Sau khi em ra trường, tôi đã đích thân tới tận nhà để động viên và chúc mừng em.Tuy nhiên, em vẫn phải chờ có đợt thi tuyển tới đây. Hiện việc thi tuyển công chức không đặc cách đối với thủ khoa, tất cả đều công bằng, nhưng tôi tin với khả năng của mình em sẽ thi đỗ và đóng góp cho ngành giáo dục tỉnh nhà”.
Theo số liệu Bộ GD-ĐT công bố tháng 1/2017, cả nước hiện thừa 26.700 giáo viên. Tại hội thảo khoa học quốc gia về đào tạo giáo viên (tháng 5/2016), bộ dự tính đến năm 2020, Việt Nam thừa trên 70.000 cử nhân sư phạm. Cũng theo bộ GD-ĐT, năm 2017 các trường đào tạo giáo viên bao gồm cả trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp vẫn tuyển mới hơn 55.600 chỉ tiêu. Việc xác định chỉ tiêu đào tạo dường như tách biệt với nhu cầu nhân lực. |
Nữ thủ khoa Sư phạm đi chăn lợn: Đừng chỉ “há miệng chờ sung”!
Dù có là thủ khoa đi chăng nữa nhưng cũng cần phải biết tạo cơ hội cho bản thân mình, đừng chờ ai ban phát ... |
Đầu vào 3 điểm/môn, đầu ra... chăn lợn là bình thường?!
Khi viết những dòng này, tôi cũng vừa đọc được thông tin có một trường phía Nam vừa mời thủ khoa chăn lợn Bùi Thị ... |
Thủ khoa Sư phạm đi chăn lợn: Phải sống bản lĩnh
Tôi nghĩ, một sinh viên giỏi không chỉ là lý thuyết mà cần phải giỏi trong tất cả các lĩnh vực, không ngại va chạm ... |
http://vtc.vn/thu-khoa-su-pham-ve-que-chan-lon-giam-doc-so-gd-dt-ha-giang-noi-cho-chi-tieu-d355758.html