- Ký ức kinh hoàng của những thanh niên làng Kloong bị lừa bán sang Campuchia
- Ngăn chặn nhiều vụ xuất cảnh trái phép sang Campuchia tìm việc
Đối tượng nhắm đến của bọn tội phạm quốc tế là thanh thiếu niên chán học, nhanh chóng muốn kiếm tiền.
Tháng 12/2021, Yun đã bị đưa lậu ra khỏi Trung Quốc. Vài ngày trước, một người đàn ông đã liên hệ với cậu bé 14 tuổi này thông qua một ứng dụng video với một lời mời làm việc hấp dẫn. Yun, mới bỏ học, nhận thấy mức lương được hứa hẹn là rất hấp dẫn.
Một số bạn bè của Yun cũng đi cùng cậu. Đến khi chúng nhận ra mình bị lừa thì đã quá muộn. Những người đàn ông chưa từng gặp đã đưa lũ trẻ đi bằng ô tô, sau đó là đi bộ xuyên núi, rồi ẩn náu trong một chiếc thuyền. Rồi các bảng hiệu cửa hàng bắt đầu hiển thị tiếng nước ngoài.
Rơi vào tay băng đảng
Tại điểm đến, sáu người, tất cả đều vị thành niên, bị bán vào một khu phức hợp ở thành phố Sihanoukville của Campuchia. Ở đó, bọn trẻ bị giam giữ và buộc phải thực hiện công việc lừa đảo qua internet.
Sihanoukville đang phất lên nhờ vốn đầu tư từ Trung Quốc
Yun kể: “Chúng tôi kết bạn với họ trên WeChat (ứng dụng nhắn tin phổ biến ở Trung Quốc)”. Sau đó, bọn trẻ thuyết phục các nạn nhân tham gia một kế hoạch đầu tư lừa đảo.
“Câu chuyện của Yun và những người bạn rất phổ biến. Sihanoukville, thành phố biển đang phất lên nhờ các khoản đầu tư từ Trung Quốc, đã trở thành một trong những điểm nóng toàn cầu về các hoạt động lừa đảo trực tuyến”, tạp chí Đệ lục thanh (Trung Quốc) viết. Theo tờ tạp chí, các băng đảng cần nhiều nhân lực hơn con số những người tình nguyện làm việc. Để có đủ người, chúng dụ những người tìm việc bằng những lời hứa hão huyền và sau đó giam cầm họ.
Trong nhiều năm, cứu cánh cho những nạn nhân như Yun là một nhóm doanh nhân Trung Quốc ở địa phương, những người tình nguyện dành thời gian, nguồn lực và mối quan hệ của họ để cứu giúp những đồng hương bị rơi vào vòng tay của các băng đảng. Nhưng một vụ án nổi tiếng gần đây liên quan đến một người đàn ông Trung Quốc tuyên bố từng bị sử dụng làm "nô lệ máu" đã khiến mạng lưới này bị đặt dưới sự giám sát của chính phủ và đặt ra câu hỏi lớn về việc các nạn nhân trong tương lai sẽ xoay sở như thế nào để có thể trở về nhà.
Khu nhà nơi Yun và những người bạn ở gần giống một văn phòng. Có rất nhiều máy tính và điện thoại, các nhà quản lý thường hô khẩu hiệu động viên, và những người mới đến được đào tạo.
Để tránh sự theo dõi của các nhà chức trách Trung Quốc, những kẻ lừa đảo liên lạc với người làm thông qua ứng dụng nhắn tin Telegram được mã hóa. Ming, một cô bé 15 tuổi bị đưa lậu ra khỏi Trung Quốc cùng với Yun, nói phóng viên Đệ lục thanh rằng những kẻ bắt giữ đe dọa họ bằng cách gửi những đoạn video đẫm máu đến các nhóm làm việc trên Telegram để cho thấy hậu quả của việc không hợp tác với chúng. Ming nói: “Thật là đáng sợ”.
Lừa đảo người lạ khiến Yun lo lắng. Cậu không hoàn toàn hiểu những gì mình đang làm và không phải là người sẵn sàng tham gia, nhưng cậu cũng ngại phản đối vì sợ bị trừng phạt. Mới 14 tuổi, bé nhất trong số nhân viên nhưng cậu đã bị đánh hai lần vì không mồi chài được ai. Ban đêm, bên trong căn phòng ký túc xá, cậu vừa trùm chăn vừa khóc. “Nếu họ nhìn thấy, họ chắc chắn sẽ nghi ngờ tôi muốn bỏ trốn,” Yun nói.
Chiêu trò “mổ lợn”
Ở Sihanoukville, các băng nhóm người Trung Quốc chiếm ưu thế, nhưng các hoạt động nhằm vào các nước khác đang gia tăng. Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành trấn áp các băng nhóm người Trung Quốc hoạt động lừa đảo tại Campuchia. Năm 2019, phía Trung Quốc thành lập một văn phòng thực thi chung với các đối tác Campuchia tại Phnom Penh. Năm ngoái, hơn 610 công dân Trung Quốc bị nghi ngờ lừa đảo qua mạng đã bị đưa về nước. Nhưng các mạng lưới này vẫn phát triển mạnh mẽ và đang mở rộng hoạt động của chúng sang các quốc gia khác, bao gồm Myanmar và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất.
Một trò lừa đảo gọi là “chiêu trò mổ lợn” thường được sử dụng. Những kẻ lừa đảo đóng giả là những người có vẻ bề ngoài hấp dẫn và thành công để phát triển một mối quan hệ lãng mạn qua mạng với “con mồi” trước khi "giết thịt": buộc con mồi phải trả tiền cho các chiêu trò lừa đảo liên quan đến tiền ảo, cổ phiếu và các loại tài sản khác.
Những kẻ lừa đảo qua mạng thường nhắm đến những người thất tình hoặc đang muốn có bạn tình. Đầu tiên phổ biến ở Trung Quốc, trò lừa đảo này dần trở nên phổ biến ở nhiều nước, theo Tổ chức Chống Lừa đảo Toàn cầu (GASO). Ủy ban Thương mại Mỹ nói, kể từ khi bắt đầu đại dịch, lừa đảo trực tuyến bùng nổ. Năm 2021, các nạn nhân khai báo bị lừa 547 triệu USD, tăng gần 80% so với năm 2020.
Ở Sihanoukville, nhóm thiếu niên nhanh chóng quyết định rằng họ không muốn tiếp tục những gì bị buộc phải làm. Với hy vọng thoát nạn, các cô cậu đã tìm cách liên lạc với gia đình. Ming dùng thay đổi hai tài khoản WeChat để tránh bị bọn bắt giữ cô phát hiện. Tuy nhiên, người nhà Ming không biết làm cách nào để đưa con trở về. Họ không biết cụ thể con họ ở đâu, phải đi đâu để tìm chúng, nhất là ở một nước xa lạ.
Sau khoảng một tuần, cuối cùng Ming cũng có thể tìm được một người giúp đỡ. Theo gợi ý của một người bạn cũng bị giam giữ ở Sihanoukville, cô bé đã liên hệ với Chen Baorong, một doanh nhân ở Phnom Penh và là người tổ chức Đội từ thiện Trung Quốc-Campuchia, một nhóm tình nguyện viên tìm cách giải cứu nạn nhân buôn người.
Chen trấn an nhóm thiếu niên và nói với chúng rằng hãy để cha mẹ chúng báo cảnh sát ở Trung Quốc. Thông qua các mối quan hệ, Chen đã liên lạc được với kẻ bắt giữ các thiếu niên. Ban đầu hắn ta yêu cầu trả tiền chuộc, nhưng sau đó đồng ý thả bọn trẻ. Lũ trẻ đã phải xóa mọi thứ liên quan đến công ty khỏi điện thoại.
Rồi chúng được gửi đến khách sạn Changcheng ở Phnom Penh mà Li Jie, thành viên của đội từ thiện, sở hữu. Một phần do hạn chế đi lại liên quan đến đại dịch, phải mất vài tháng nhóm thiếu niên mới có thể về nhà. Chen đã giúp chúng có được giấy phép chính thức tại Đại sứ quán Trung Quốc trong trường hợp không có hộ chiếu và thị thực. Và đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đã giúp thu xếp hành trình trở về của lũ trẻ. (Trung Quốc và Campuchia không có chung biên giới.)
Nhóm trẻ nói trên là những người may mắn. Một nạn nhân khác, 17 tuổi, người đã thử trở thành thợ xăm ở Trung Quốc trước khi bị dụ đến một khu nhà ở Sihanoukville, nói rằng những kẻ bắt giữ cậu đã gọi điện video cho mẹ cậu và đánh cậu cho bà thấy. Họ yêu cầu khoản tiền chuộc hơn 500.000 nhân dân tệ (khoảng 75.000 USD) để thả cậu và bạn gái ra. Những kẻ bắt giữ đánh và buộc cậu uống ketamine. Mặc dù gia đình đã trả tiền, nhưng cuối cùng cậu trai lại bị bán cho một công ty khác, trước khi được Chen giải cứu.
Câu chuyện "nô lệ máu"
Chen nói đã giúp hơn 300 nạn nhân thoát khỏi “chế độ nô lệ mạng” kể từ năm 2020. Nhưng hồi tháng 2, chính anh bị cảnh sát Campuchia tạm giữ và buộc tội kích động phân biệt đối xử, khai báo gian dối.
Các cáo buộc bắt nguồn từ việc Chen giải cứu một người đàn ông Trung Quốc mang tên Li Yayuanlun. Li ban đầu khai rằng anh ta đã bị bán đến Sihanoukville và buộc phải làm việc cho những kẻ lừa đảo, và họ đã bán máu của anh ta. Zhu Minxue, giám đốc bệnh viện Bethune Campuchia China First ở Phnom Penh và là bác sĩ điều trị cho Li, nói với Đệ lục thanh hồi tháng 2 rằng Li bị “thiếu máu” khi nhập viện.
Một bức tượng phong cách Trung Hoa ở Sihanoukville
Chen hiện đang bị giam ở Sihanoukville, chờ một phiên tòa có thể khiến anh phải ngồi tù tới ba năm. Hai tình nguyện viên và một bác sĩ điều trị cho Li - không phải Zhu - cũng bị buộc tội. Bản thân Li, người vẫn đang bị bệnh nặng, được cho là đã bị trục xuất về Trung Quốc vào cuối tháng 6, cùng thời điểm Đại sứ quán Trung Quốc một lần nữa tuyên bố sẽ tăng cường nỗ lực chống cờ bạc trực tuyến và lừa đảo.
Khi phóng viên Đệ lục thanh hỏi Chen về trường hợp của Li hồi tháng 2, Chen nói đã gửi Li đến một bệnh viện địa phương ởTrung Quốc, chỉ định các tình nguyện viên chăm sóc anh ta và tổ chức quyên góp máu. “Anh ấy là đồng hương của chúng tôi, và chúng tôi muốn cố gắng hết sức để giúp anh ấy,” Chen nói vào thời điểm đó.
Trong cuộc điện đàm, Chen cũng nói rằng nhiều tổ chức lừa đảo ở Campuchia được điều hành bởi những kẻ đào tẩu khỏi Trung Quốc sau nhiều đợt truy quét tội phạm. Chính phủ Campuchia đã công bố lệnh cấm cờ bạc trực tuyến vào năm 2019 nhưng việc này không ngăn được những kẻ lừa đảo.
Để chống lại chúng, Chen thường xuyên gửi bằng chứng và lời khai nhân chứng cho cảnh sát Trung Quốc và văn phòng chung ở Phnom Penh, nhưng các mạng lưới tội phạm vẫn nở rộ. Chen nói đã nhận được những lời đe dọa về hành động của mình, bởi vì, anh đang “đập bát cơm của họ”.
https://vtc.vn/thu-doan-cua-cac-bang-dang-lua-nguoi-ham-viec-nhe-luong-cao-o-campuchia-ar688090.html