- Tổng thống Pháp muốn dự thượng đỉnh BRICS, Nga nói 'không phù hợp'
- Tổng thống Pháp kêu gọi châu Âu giảm phụ thuộc vào hệ thống phòng không Mỹ
Chuyến công du kéo dài năm ngày của Tổng thống Emmanuel Macron tới Nam Thái Bình Dương diễn ra trong bối cảnh các lực lượng Pháp cùng 12 quốc gia khác, dẫn đầu bởi Mỹ và Australia, đang triển khai cuộc tập trận quân sự chung quy mô Talisman Sabre, ngoài khơi bang Queensland, Đông Bắc Australia.
Theo giới chuyên gia, chuyến thăm các quần đảo đang và từng là lãnh thổ thuộc Pháp gồm New Caledonia, Vanuatu và Papua New Guinea, truyền đi một thông điệp rõ ràng rằng nước này muốn bảo vệ lợi ích của chính mình và thể hiện sức mạnh bên cạnh các nền dân chủ khác, vốn lo ngại sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực này.
Từ ngày 24-28/7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có chuyến thăm tới quần đảo New Caledonia (thuộc Pháp) và các điểm dừng chân sau đó lần lượt là Vanuatu và Papua New Guinea. Trước chuyến thăm, Điện Elyseé ra thông cáo cho hay: "Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Pháp công du các quốc gia độc lập ở khu vực Nam Thái Bình Dương, chứ không chỉ các lãnh thổ hải ngoại của Pháp".
Các chuyên gia của The Guardian miêu tả, chuyến công du này của ông Macron mang tính lịch sử, nhằm củng cố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà ông đề ra và tái khẳng định vai trò của Pháp trong khu vực. Được biết, ở Thái Bình Dương, Pháp quản lý chủ quyền đối với ba vùng lãnh thổ gồm New Caledonia, Polynesia, Wallis-et-Futuna. Ở Ấn Độ Dương, Pháp có chủ quyền đối với đảo Réunion.
Theo chương trình nghị sự, ông Macron thăm và làm việc ở New Caledonia trong ba ngày đầu tiên. Tại đây, ông Macron được cho là sẽ tập trung vào tương lai của New Caledonia sau các cuộc trưng cầu dân ý về độc lập thất bại. Những năm qua, quan hệ giữa chính quyền trung ương Pháp với lãnh thổ hải ngoại New Calendonia luôn ở trong tình trạng căng thẳng. Quần đảo này đã liên tiếp 3 lần tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập và nhiều khả năng một cuộc trưng cầu dân ý với mong muốn tách khỏi nước Pháp tiếp theo sẽ được tổ chức vào năm 2024.
Dự kiến Tổng thống Macron sẽ có bài phát biểu tại Thủ đô Noumea, nêu bật tầm quan trọng của New Caledonia đối với nước Pháp và tổ chức các cuộc thảo luận với các đảng chính trị về tương lai của quần đảo. Tổng thống Pháp sẽ ưu tiên giải quyết các khó khăn về kinh tế sau đại dịch COVID-19, thúc đẩy vấn đề sinh thái và nhất là quy chế chính trị cho lãnh thổ hải ngoại này. Giáo sư luật Mathias Chauchat thuộc Đại học New Caledonia đánh giá, chuyến thăm của ông chủ Điện Elyseé được thiết kế để “tái khẳng định chủ quyền của Pháp”.
Vào ngày 27/7, Tổng thống Macron dự kiến tới Vanuatu. Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Pháp tới đảo quốc này kể từ những năm 1960, thời điểm thuộc sự đồng trị của cả Anh và Pháp. Quần đảo có tên gọi trước đây là New Hebrides và đổi tên thành Vanuatu sau khi giành được độc lập vào năm 1980. Sự hiện diện của ông Macron tại Thủ đô Port Moresby vào ngày 28/7 cũng đánh dấu lần đầu tiên một Tổng thống Pháp đến thăm Papua New Guinea. Phủ Tổng thống Pháp cho hay, mục đích của chuyến thăm là khẳng định sự “tái can dự” của Pháp ở Thái Bình Dương cũng như “cung cấp một giải pháp thay thế”, nhằm cạnh tranh ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Hồi năm ngoái, Tổng thống Macron đã khởi động lại cách tiếp cận Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Paris sau hậu quả của tranh cãi gay gắt liên quan thỏa thuận tàu ngầm với Australia bị hủy bỏ. Mục đích là đưa Pháp trở thành một cường quốc cân bằng trong một khu vực vốn bị chi phối bởi cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc.
Bà Denise Fisher, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu châu Âu thuộc Đại học Quốc gia Australia (ANU) khẳng định, các chuyến thăm của ông Macron tới Papua New Guinea và Vanuatu nằm trong nỗ lực làm nổi bật rằng, các nước này là “những người hàng xóm trực tiếp” trong khu vực. “Ông ấy muốn chứng tỏ rằng Pháp thuộc Thái Bình Dương, chứ không chỉ ở Thái Bình Dương”, bà nói.
Dự kiến, Pháp sẽ ký một số thoả thuận hợp tác và an ninh với Vanuatu cũng như hướng tới mối quan hệ đối tác về đầu tư và quốc phòng với Papua New Guinea, bên cạnh ưu tiên trong vấn đề chống biến khí hậu. Trong phiên bản cập nhật của Chiến lược Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương tháng 2/2022, Pháp đã cam kết tăng cường quan hệ với các đảo tại khu vực dựa trên các đòn bẩy kinh tế, văn hoá và môi trường để đảm bảo lợi ích do 60% vùng đặc quyền kinh tế của Pháp là ở Thái Bình Dương. Được biết, Pháp nắm giữ vùng đặc quyền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ, với hơn 11 triệu km2.
Trong một diễn biến khác, Pháp cùng 12 quốc gia khác, dẫn đầu bởi Mỹ và Australia, đã bắt đầu cuộc tập trận quân sự chung quy mô Talisman Sabre, bang Queensland, Đông Bắc Australia. Được tổ chức hai năm một lần, cuộc tập trận quân sự chung nêu trên bắt đầu vào năm 2005 và sự kiện lần này sẽ là cuộc tập trận lớn nhất từ trước đến nay với sự tham gia của 30.000 binh sĩ. Kéo dài đến hết 4/8, các binh sĩ sẽ tham gia huấn luyện thực địa, đổ bộ, diễn tập tác chiến mặt đất, trên không và trên biển. Cuộc tập trận nhằm phô trương sức mạnh và sự đoàn kết vào thời điểm Trung Quốc nổi lên như một cường quốc ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trung tướng Greg Bilton, Tư lệnh Tác chiến Liên quân Australia nêu rõ: "Cuộc tập trận nhằm xây dựng khả năng tương tác, lòng tin và khả năng cùng nhau ứng phó với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào có thể tồn tại trong khu vực của chúng ta trong tương lai".