Thời gian qua, thịt lợn nhập khẩu đang được người dân tiêu thụ mạnh bởi giá rẻ, chất lượng không kém gì thịt lợn trong nước. Mặc dù mức giá nhập chỉ khoảng 60.000 đồng/kg, rẻ hơn rất nhiều so với thị trường trong nước, nhưng sắp tới người dân cũng khó mua được thịt lợn.
Theo thống kê của Bộ Nôn nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT), 5 tháng đầu năm 2020, tổng lượng thịt lợn nhập khẩu ước khoảng 70.000 tấn, tăng 300% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhập khẩu chủ yếu từ Nga, Canada, Đức, Ba Lan, Brazil, Mỹ, Tây Ban Nha,... giá thịt lợn trung bình nhập khẩu từ các quốc gia này về tới cảng Việt Nam vào khoảng 2,55 USD/kg, tương đương 60.000 đồng/kg tùy loại sản phẩm.
Với mức giá này, thịt lợn nhập khẩu rẻ hơn rất nhiều so với giá thịt lợn nội địa cùng loại ở Việt Nam. Song, theo Bộ NN-PTNT, hoạt động nhập khẩu mặt hàng này đang gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, tổng đàn lợn của cả thế giới vào tháng 01/2020 đạt khoảng 678 triệu con, giảm khoảng gần 12% so với năm 2019. Do đó, lượng thịt lợn cũng không dồi dào, việc tìm được các nguồn cung cấp với giá hợp lý gặp khó khăn.
Bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở nhiều quốc gia, ảnh hưởng lớn đến nguồn cung cấp thịt lợn cho các thị trường trên thế giới.
Thời gian qua có ít doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhập khẩu hoặc có tham gia nhưng chỉ nhập được với số lượng ít thịt lợn vì vấn đề thị trường cung cầu, lợi nhuận kinh tế.
Trung Quốc bị thiệt hại nặng nề do bệnh dịch tả lợn châu Phi nên cần rất nhiều thịt lợn; giá thịt lợn ở nước này hiện rất cao nên các doanh nghiệp Trung Quốc sẵn sàng mua thịt lợn nhập khẩu với giá cao hơn (20 - 30%) so với các doanh nghiệp Việt Nam và họ thường mua với số lượng rất lớn. Ngoài ra, các nước đã ký hợp đồng xuất bán thịt lợn cho các doanh nghiệp Trung Quốc ngay từ đầu năm 2019 (chỉ tính riêng quý 1/2020, Trung Quốc đã nhập khoảng 1 triệu tấn thịt lợn từ các quốc gia khác).
Cũng theo Bộ NN&PTNT, thông thường, thời gian mua hàng từ Châu Âu, Châu Mỹ và chuyển về Việt Nam cần từ 35-45 ngày tàu đi trên biển. Trong khi đó, thuế nhập khẩu thịt lợn đông lạnh khá cao. Các doanh nghiệp cần có thêm vốn để nhập, vì để nhập 200 - 300 tấn/tháng, các doanh nghiệp phải đặt cọc vài chục tỷ đồng cho mỗi lần mua.
Sắp tới, để hạ nhiệt thị trường trong nước, Bộ NN-PTNT đã cho phép nhập khẩu lợn sống từ các nước về Việt Nam.
Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) và Tổng cục Phát triển chăn nuôi Thái Lan đã tổ chức họp trực tuyến vào ngày 8/6 để thảo luận, thống nhất các thủ tục, điều kiện nhằm sớm cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan về Việt Nam.
Hai bên đã thảo luận, cơ bản thống nhất các nội dung, điều khoản chi tiết về điều kiện vệ sinh thú y, thủ tục kiểm dịch, giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu lợn sống. Dự kiến trong tháng 6/2020 sẽ có chuyến lợn sống đầu tiên được nhập khẩu về Việt Nam.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), giá lợn hơi từ Thái Lan nhập khẩu về đến Việt Nam có thể ở mức 70.000 đồng/kg, thấp hơn so với giá lợn hơi trong nước. Một lãnh đạo doanh nghiệp đang làm thủ tục nhập khẩu lợn sống cũng cho biết, giá lợn hơi tại Thái Lan hiện đang có giá tương đương 55.000 đồng/kg, nếu nhập khẩu về Việt Nam giá bán sẽ thấp hơn thịt lợn trong nước.
PV (t/h)
Giá lợn hơi tiếp tục rơi dưới ngưỡng 100.000 đồng/kg |
Lợn sống ùn ùn nhập lậu vào Việt Nam, kéo giá lợn hơi giảm nhẹ |
Giá thịt lợn sẽ giảm? |