‘Thiếu điện thì có người mất chức’: Bộ Công Thương có giải pháp gì?

Nhằm giải bài toán thiếu điện, Bộ Công Thương cho biết đang khẩn trương tổ chức lập quy hoạch điện VIII với các nghiên cứu căn cơ.

Theo tính toán, từ 2021, mỗi năm Việt Nam sẽ thiếu hàng tỷ kWh điện. Nguyên nhân dẫn đến nguy cơ thiếu điện là do nhiều dự án nguồn điện lớn bị chậm tiến độ so với quy hoạch.

Giải bài toán thiếu điện thế nào?

Trong báo cáo do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ký, gửi tới các đại biểu Quốc hội mới đây, Bộ Công Thương cho biết đang khẩn trương tổ chức lập quy hoạch điện VIII với các nghiên cứu căn cơ, đảm bảo phát triển cân đối giữa các vùng, miền, cân đối giữa nguồn và phụ tải.

 Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 khi hoạt động sẽ giúp mỗi năm có thêm 7 tỷ kWh bổ sung vào nguồn cung điện đang dự báo thiếu hụt trầm trọng sau năm 2020.

Theo Bộ Công Thương, quy hoạch điện VIII phù hợp với các nội dung liên quan trong quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dung đất, quy hoạch vùng song vẫn có tính mở chỉ xác định danh mục những nguồn điện lớn, quan trọng cấp quốc gia, danh mục lưới điện truyền tải quan trọng ở cấp điện áp ≥ 220kV giai đoạn 2021 - 2030, định hướng phát triển nguồn điện theo miền, theo vùng và theo cơ cấu công suất giai đoạn 2031 - 2050, định hướng phát triển lưới điện truyền tải ở cấp điện áp ≥ 220kV giai đoạn 2031 - 2050.

Bộ này cũng đang tích cực hoàn thiện các văn bản pháp lý cho công tác vận hành hệ thống điện truyền tải, phân phối, công tác điều độ các nhà máy điện trong bối cảnh tỷ trọng các nhà máy điện năng lượng tái tạo đang ngày càng tăng cao.

Xây dựng các cơ chế phù hợp để đẩy nhanh tiến độ các công trình nguồn và lưới điện để đảm bảo cơ bản nhu cầu sử dụng điện trong năm 2020 và các năm tiếp theo. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị cung cấp than, khí ổn định cho phát điện.

Về điều hành giá điện, Bộ Công Thương sẽ tăng cường kiểm tra giám sát chi phí sản xuất kinh doanh điện hàng năm của EVN, nghiên cứu, sửa đổi quyết định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ giá bán lẻ bình quân, khắc phục những điểm vướng mắc tồn tại trong điều hành giá điện theo cơ chế thị trường.

Trên cơ sở khảo sát thực tế mức độ sử dụng điện của khách hàng mua điện, thu nhập của người dân, cơ cấu tiêu dùng, cơ cấu các loại nguồn điện trong thời gian tới, ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, các nhà nghiên cứu và người dân, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ ngành nghiên cứu đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định sửa đổi quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện phù hợp với chi phí và đặc điểm dây chuyền sản xuất cung ứng điện, thực tế sử dụng điện của các khách hàng sử dụng điện.

“Bộ Công Thương cũng sẽ tham mưu Thủ tướng cho phép thí điểm để các nhà máy điện gió và mặt trời bán điện trực tiếp cho khách hàng mua điện để tiến tới hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh”, báo cáo Bộ Công Thương nêu.

Huy động vốn đầu tư cho truyền tải

Theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, ngoài việc xây dựng quy hoạch điện VIII với quan điểm đổi mới hơn, tới đây sẽ tập trung điều chỉnh quy hoạch điện VII, tiếp tục khuyến khích đầu tư điện mặt trời, điện gió và bổ sung các dự án điện khí.

Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ các dự án đã xong thủ tục đầu tư để sớm thực hiện đầu tư như các dự án cụm nhiệt điện Vân Phong 1, cụm Nghi Sơn, cụm Nhơn Trạch, cụm Quảng Trạch, các dự án chuỗi điện khí Cá Voi Xanh và lô B…

Đồng thời tìm giải pháp để tháo gỡ những khó khăn cho các dự án trọng điểm của ngành điện chậm tiến độ như nhiệt điện Thái Bình 2, Sông Hậu 1, Long Phú 1...

Đặc biệt ngành điện cần tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án truyền tải điện, trong đó có đường dây 500kV mạch 3 và đường truyền tải giải tỏa công suất cho các nhà máy điện mặt trời, điện gió.

Trong đó có thể huy động các nguồn vốn xã hội để đầu tư vào hệ thống truyền tải.

Từ 2021 thiếu điện nặng

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực về tình hình thực hiện các dự án trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (quy hoạch điện VII) điều chỉnh đến quý III/2019 cho thấy, các năm 2019-2020 hệ thống điện có thể đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, do hệ thống điện gần như không có dự phòng nguồn điện nên trong năm 2020 có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện trong các tình huống cực đoan như nhu cầu dùng điện cao hơn dự báo; lưu lượng nước về các hồ thủy điện kém; nhiên liệu than, khí cho phát điện thiếu hụt so với dự kiến.

Giai đoạn 2021-2025, sản lượng điện sản xuất cần bổ sung bình quân 26,5 tỷ kWh/năm. Tuy nhiên, do nhiều dự án nguồn điện lớn và các chuỗi dự án khí bị chậm tiến độ so với quy hoạch, nên báo cáo cho rằng hệ thống sẽ bị thiếu điện trong cả giai đoạn 2021-2025.

Kịch bản này vẫn xảy ra ngay cả khi đã phải huy động tối đa các nguồn điện, kể cả các nguồn điện chạy dầu (mức giá 5.000-6.000 đồng/số tùy giá dầu thời điểm phát điện).

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không được để thiếu điện, ảnh hưởng đời sống người dân
Việt Nam nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng vài năm tới
Bộ Công Thương: "Năm 2021 - 2025, cả nước nguy cơ thiếu điện"
/ vtc.vn