Sáng nay, giá vàng tiếp tục giảm nhẹ do sự kết hợp của áp lực bán tháo và sức mạnh của bạc xanh...
Tính đến 8h sáng nay (19/8) theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới giảm 1 USD (-0,06%) so với mở cửa xuống 1.757,7 USD/oz, giao dịch đang dao động trong khoảng 1.754,7 - 1.773,1 USD/oz.
Trong khi đó, giá vàng hợp đồng tương lai tháng 12/2022 giảm 2,6 USD (-0,15%), hiện giao dịch quanh mức 1.768,6 USD/oz.
Chốt phiên hôm qua (giờ Mỹ), giá vàng giao ngay giảm 0,11%, trong khi giá vàng tương lai giảm 0,2%.
Tình từ đầu tuần, giá vàng đã sụt giảm đáng kể, khoảng 2,6%, do sự kết hợp của áp lực bán tháo và sức mạnh của bạc xanh.
Do lợi suất trái phiếu cao hơn, bạc xanh đã tăng khoảng 1,8% trong tuần, thúc đẩy các nhà đầu tư tích cực bán vàng khi kim loại quý này vốn không sinh lãi đã trở nên kém hấp dẫn hơn.
Tâm lý thị trường đã được định hình bởi các hành động gần đây và triển vọng chính sách sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), khi họ để ngỏ khả năng sẽ tăng lãi suất cao hơn.
Trong bốn cuộc họp của Fed gần đây nhất, lãi suất chính sách đã được điều chỉnh tăng liên tiếp. Bắt đầu từ tháng Ba với lãi suất tăng thêm 25 điểm cơ bản, cộng 50 điểm vào tháng Năm, 75 điểm vào tháng Sáu và thêm 75 điểm vào tháng Bảy.
Với bốn lần tăng liên tiếp, có vẻ như Fed đang tăng lãi suất rất gấp gáp để chống lại lạm phát đang ở mức 8,5%. Nhưng, nếu nhìn lại trước đây, từ năm 2004 đến 2006, Fed đã tăng lãi suất 17 lần, đưa lãi suất từ 1% lên đến 5,23% để kiềm chế lạm phát và hạ nhiệt một nền kinh tế đã quá nóng.
Nhiều chuyên gia phân tích và nhà kinh tế cũng cho rằng để giảm lạm phát một cách hiệu quả từ mức hiện tại 8,5% xuống mục tiêu xấp xỉ 2% thì lãi suất 2,5% như hiện nay sẽ không tác động nhiều. Các chuyên gia cho rằng Fed đã nhẹ tay trong việc tăng lãi suất, tin rằng lãi suất tối thiểu cần phải ở mức 4,5% để có hy vọng rằng lạm phát sẽ giảm xuống còn 2-3%.
Nói cách khác, khi bạn đặt câu hỏi liệu lãi suất có tiếp tục tăng cao hơn hay không, đơn giản là hãy nhìn lại lịch sử hai lần Fed giải quyết lạm phát bằng cách tăng lãi suất, sẽ dễ dàng nhận ra rằng lãi suất ở mức 2,5% hiện tại là cực kỳ thấp khi so sánh với các thời điểm lạm phát cao khác và các đợt tăng lãi suất khác của Fed.
Cuối cùng, nếu Fed tiếp tục duy trì quan điểm tăng lãi suất để hạ lạm phát xuống mức mục tiêu, thì vàng sẽ gặp áp lực trong dài hạn, bởi lạm phát có thể sẽ tiếp tục neo ở mức cao lâu hơn dự kiến.
“Giả định Fed sẽ kiểm soát lạm phát mà không khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái, nhu cầu trú ẩn an toàn sẽ giảm dần, điều này làm vàng suy yếu trong trung và dài hạn”, Carsten Menke, chuyên gia nghiên cứu tại Julius Baer nói.
Lạc quan hơn, một số chuyên gia cho rằng trong ngắn hạn, khi việc tăng lãi suất của Fed dường như là điều chắc chắn, thì nếu bạc xanh và lợi suất trái phiếu không duy trì được sức mạnh sẽ có thể thúc đẩy đà tăng của vàng.
Ở thông tin khác, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust hôm qua tiếp tục giảm 3,18 tấn vàng nắm giữ xuống còn 985,83 tấn. Tính từ đầu tuần, quỹ này đã giảm 10,14 tấn vàng.
Tại thị trường trong nước, sáng nay, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết tại TP.HCM ở mức 66,20 - 67,20 triệu đồng/lượng, không đổi so với cuối phiên trước đó.
Tại Hà Nội, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 66,20 - 67,22 triệu đồng/lượng, không đổi so với cuối phiên trước đó.
Trong khi đó, giá vàng DOJI tại TP.HCM được niêm yết tại 66,45 - 67,15 triệu đồng/lượng, không đổi so với cuối phiên trước.
Tại Hà Nội, giá vàng DOJI được niêm yết tại 66,15 - 67,15 triệu đồng/lượng, không đổi so với cuối phiên trước.