Thị trường vận tải hàng không, đường sắt giảm mạnh do dịch COVID-19

Tại cuộc họp đánh giá thiệt hại do dịch COVID-19 của Bộ Giao thông Vận tải sáng 27.2, Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thị trường vận tải hàng không bị giảm mạnh. Cùng đó, nhiều ý kiến cho rằng, dịch COVID-19 đã khiến ngành giao thông vận tải thiệt hại nặng và kiến nghị giảm bớt những khó khăn về giá dịch vụ, lãi suất hay miễn giảm thuế...

Thị trường vận tải hàng không giảm mạnh do dịch COVID-19. Ảnh: Đ.T

Ngành giao thông lao đao vì COVID-19

Theo đánh giá của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), ước tính doanh thu ngành hàng không toàn cầu giảm từ 4-5 tỉ USD do phải giảm khoảng 40% tổng công suất hành khách trong quý I/2020 (tương đương với khoảng 20 triệu hành khách). Cùng đó, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, dịch COVID-19 khiến các hãng hàng không trong nước bị thiệt hại năng do giảm doanh thu khoảng 25.000 tỉ đồng, thay vì dự kiến thiệt hại khoảng 10.000 tỉ đồng như cách đây nửa tháng.

Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, trong trường hợp khả quan nhất, dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 4.2020, thì tổng thị trường sẽ đạt 67 triệu khách (giảm 15,4% so với năm 2019). Trong đó các hãng Việt Nam vận chuyển được 12,7 triệu khách quốc tế (giảm 28,3%) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển chỉ đạt 48 triệu khách (giảm 9,2% so với cùng kỳ). Trường hợp xấu hơn, dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 6.2020, có tính đến hủy toàn bộ các chuyến bay đi, đến Hàn Quốc, tổng thị trường chỉ đạt 62,1 triệu khách (giảm 22,6% so với 2019). Trong đó, các hãng Việt Nam vận chuyển được 10,4 triệu khách quốc tế (giảm 41,2%) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển chỉ đạt 45,7 triệu khách (giảm 17% so với cùng kỳ).

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, ngoài việc mất 100% lượng khách từ Trung Quốc trong giai đoạn tạm ngừng khai thác đường bay Việt Nam-Trung Quốc, khiến hãng phải hủy toàn bộ các đường bay thường lệ và thuê chuyến đi Trung Quốc, Macau, Hong Kong, giảm tần suất bay. Cùng đó, các đường bay đi/đến quốc tế như Châu Âu, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á... cũng như trên mạng bay nội địa do tâm lý lo ngại dịch bệnh (hiện đang có ngày càng nhiều đoàn khách đã thực hiện hủy chuyến) đang bị sụt giảm mạnh. Cũng theo đại diện Vietnam Airlines, việc cắt giảm khai thác làm giảm doanh thu, giảm lợi nhuận đối với hoạt động vận tải của hãng và 17 doanh nghiệp thành viên đồng thời gây ra những biến động lớn khác như về khai thác tàu bay, phi công, tiếp viên, tài chính, dòng tiền và các hoạt động với các bên cung ứng.

Cùng đó, đại diện Cục Đường sắt, Tổng cục Đường Bộ và Cục Hàng hải Việt Nam cũng cho rằng dịch COVID-19 đã khiến các doanh nghiệp điêu đứng vì khối lượng vận tải sụt giảm. Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - Nguyễn Văn Huyện cho biết, số lượng xe xuất bến và sản lượng hành khách vận chuyển giảm mạnh so cùng kỳ. Một số tỉnh bị ảnh hưởng lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hoà... Đặc biệt, Khánh Hoà sản lượng vận chuyển khách vận tải du lịch giảm 70%... Cùng đó, ngành đường sắt có đặc thù đường độc đạo không thể mở thêm tuyến mới, hành khách ở trong các toa, khép kín nên người dân sợ lây nhiễm. Đường sắt giữa Việt Nam với Trung Quốc không lớn nhưng đường sắt nội địa ảnh hưởng nghiêm trọng vì hoạt động du lịch ảnh hưởng, đi lại của người dân giảm.

Đề nghị giãn thời gian trả nợ

Để hỗ trợ giúp đỡ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - ông Đinh Việt Thắng - đã đề xuất Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ cho phép Bộ Giao thông Vận tải ban hành chính sách hỗ trợ giá dịch vụ hàng không cho các hãng như áp dụng chính sách giảm 50% giờ cất hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi đến đối với các chuyến bay nội địa. Thời gian dự kiến từ ngày 1.3 đến 31.5.2020 và có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch bệnh. Theo ông Thắng, việc áp dụng chính sách hỗ trợ giảm giá dịch vụ hàng không cho các chuyến bay nội địa và miễn giảm thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay sẽ giúp các hãng hàng không giảm bớt một phần gánh nặng chi phí, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cùng đó, nhằm tháo gỡ cho các đơn vị kinh doanh bến xe và các đơn vị vận tải bằng xe ôtô được ổn định sản xuất kinh doanh trong thời kỳ dịch bệnh, Tổng cục Đường bộ đề nghị Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ để hỗ trợ chính sách cho các đơn vị vận tải, bến xe như giảm lãi suất vay, giãn thời gian trả nợ tại các ngân hàng; cho phép lùi thời gian đóng các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp... để giảm bớt những khó khăn cho doanh nghiệp.

Trước những kiến nghị nêu trên, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải - Nguyễn Văn Thể cho rằng, những vấn đề về giảm giá dịch vụ hàng không, miễn thuế nhập khẩu nhiên liệu ảnh hưởng rất lớn đến thu ngân sách hoặc kiến nghị chậm nộp thuế, khoanh, giãn thuế cần xem xét kỹ lưỡng để Bộ báo cáo Chính phủ, Quốc hội quyết định.

Trước mắt các đơn vị cần có giải pháp cách ly, kiểm soát không lây bệnh nhưng hàng hóa phải được lưu thông để bảo đảm sản xuất. Đồng thời khẳng định ngành giao thông vận tải không được phép chủ quan trong bất cứ thời điểm nào, cuộc chiến chống dịch phải triển khai thường xuyên liên tục, kịp thời.

Để khắc phục thiệt hại, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã gợi ý có thể mở thêm các tuyến quốc tế mới, “48 quốc gia có dịch thì đa số rơi vào nước lạnh, vùng nóng lây nhiễm hạn chế hơn, nên tăng cường các đường bay đến các vùng nóng như Ấn Độ. Riêng Ấn Độ có 1,3 tỷ dân, tại sao có 56 đường bay đi Trung Quốc mà Ấn không mở đường bay tới 40-50 thành phố, mở được sẽ tạo thêm thị trường mới”, ông Thể cho hay.

Cùng đó, tư lệnh ngành Giao thông cho rằng, cần tăng khai thác nội địa tới các sân bay nhỏ. 

Đặng Tiến

Bắc Kinh vận hành tuyến xe buýt đặc biệt giúp hạn chế lây lan COVID-19

Thành phố Bắc Kinh vừa đưa vào vận hành các tuyến xe buýt được điều chỉnh đặc biệt để phục vụ hành khách riêng cho ...

Người Trung Quốc đối phó với Covid-19: Từ cầu cứu dịch vụ online đến tự chữa bệnh tại gia

Gần hai tháng qua, người Trung Quốc lo lắng mỗi lần phải ra ngoài. Dù gặp vấn đề sức khỏe khác, họ cũng không muốn ...

Giới khoa học lo ngại về 2 ca nhiễm COVID-19 ít thấy

Hai ca nhiễm COVID-19 đáng lo ngại ở Mỹ và Nhật Bản có thể báo hiệu bệnh dịch này có thể còn diễn biến khó ...

/ laodong.vn