Thị trường bất động sản sẽ còn khó khăn đến cuối năm 2019

Trong bối cảnh nguồn cung giảm mạnh kỷ lục, nhiều chuyên gia nhận định thị trường bất động sản sẽ còn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là các vướng mắc về mặt hành lang pháp lý.

Doanh nghiệp khó trụ lại thị trường

Theo báo cáo từ JLL Việt Nam, thị trường nhà ở tại TP HCM và Hà Nội quý II/2019 nguồn cung sụt giảm mạnh, giá nhà tiếp đà leo thang.

Sự khan hiếm hàng hóa thúc đẩy giá nhà tăng, nâng mặt bằng giá trung bình thị trường lên mức mới cao hơn trước đây. Mức giá sơ cấp trung bình toàn thị trường đạt 2.009 USD mỗi m2, tăng 21,6% theo năm. Trong khi đó, phân khúc cao cấp tăng 52,9% theo năm, ở mức 4.569 USD mỗi m2 trong quý II/2019 nhờ sự tham gia của một số dự án hạng sang ở khu vực trung tâm.

thi truong bat dong san se con kho khan den cuoi nam 2019
Thị trường bất động sản sẽ còn khó khăn đến cuối năm 2019

Thống kê từ Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng cho thấy năm 2019 có tổng nguồn cung bất động sản giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Trước tình hình đó, nhiều chuyên gia nhận định rằng toàn thị trường bất động sản (BĐS) đang đứng trước nhiều thách thức lớn.

Theo ông Trần Đức Vinh - Tổng Giám đốc Trần Anh Group, sự sụt giảm nguồn cung ở nhiều phân khúc của thị trường BĐS đã tác động lớn đến nguồn thu ngân sách, làm ảnh hưởng đến nền kinh tế của đất nước và tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp, nặng nề nhất là các doanh nghiệp bất động sản còn yếu, thiếu và hạn chế về tiềm lực tài chính.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HOREA) cũng lo ngại tình hình như hiện nay thì từ giờ đến cuối năm sẽ có rất nhiều doanh nghiệp không thể trụ lại thị trường.

Cung giảm do đâu?

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho rằng, sự sụt giảm nguồn cung phần nhiều do ảnh hưởng từ sai phạm của các doanh nghiệp nhỏ lẻ.

Do một số chủ đầu tư chỉ nghĩ làm sao để kiếm tiền nhanh mà quên mất việc phát triển giá trị cho một sản phẩm, quên mất trách nhiệm với khách hàng. Từ đó, thị trường dần xuất hiện tình trạng phân lô, bán nền tràn lan, thiếu sự hoàn chỉnh về mặt pháp lý và không phục vụ được nhu cầu ở của khách hàng, không tạo được giá trị gia tăng bền vững.

Còn theo ông Trần Đức Vinh, sự sụt giảm nguồn cung BĐS thường do tác động của nhiều yếu tố như khan hiếm quỹ đất, doanh nghiệp chờ thời mới bung hàng. Tuy nhiên, năm 2019 là do ảnh hưởng bởi chính sách thắt chặt hành lang pháp lý xây dựng, cấp phép dự án mới.

Theo ông Vinh, để khắc phục điều này thì cần đến sự hợp tác tối đa từ doanh nghiệp đối với các chính sách của nhà nước.

“Để thị trường được khai thông, vấn đề cốt lõi nhất là sự đồng nhất về khung pháp lý BĐS, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp BĐS trong việc thực hiện các thủ tục xây dựng dự án.

Tuy nhiên, để cơ chế pháp lý đi vào ổn định thì các doanh nghiệp BĐS cũng cần thực hiện tốt trách nhiệm trong việc phát triển, hình thành những dự án mới để có được sự tương tác hài hòa giữa doanh nghiệp và nhà nước, cũng như tạo niềm tin cho khách hàng, tránh việc phát triển những dự án có quy mô nhỏ lẻ làm manh mún thị trường”, ông Vinh nhận phân tích.

Chung quan điểm đó, ông Nguyễn Hoàng – Giám đốc Giám đốc Bộ phận R&D DKRA Việt Nam cũng tin rằng nếu như các doanh nghiệp chấn chỉnh lại các hoạt động và hạn chế tối đa sai phạm thì chính quyền sẽ có cơ chê phù hợp để sớm khai thông thị trường.

Các chủ đầu tư cần linh hoạt thích ứng với sự thay đổi của thị trường bằng cách có chiến lược dài hạn từ chuẩn bị quỹ đất, chú trọng chất lượng dự án để tăng tính cạnh tranh hơn, đa dạng cơ cấu nguồn vốn.

Đặc biệt, thị trường cần phải minh bạch và rõ ràng hơn, bắt đầu từ tất cả các thành phần tham gia vào thị trường bao gồm cơ quan chức năng nhà nước, chủ đầu tư, đơn vị phân phối, đơn vị hỗ trợ tài chính (ngân hàng) và khách hàng.

Rà soát sai phạm

Hiện nay chính quyền đang chú trọng rà soát toàn bộ các dự án sai phạm để sớm cấp phép cho những dự án đủ điều kiện phát triển và mở bán vào cuối năm 2019. Nhiều doanh nghiệp cũng đang khắc phục dần những sai phạm trước đây để thị trường dần ổn định trở lại.

Theo ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc Bộ phận R&D DKRA Việt Nam, hiện nay chính quyền đang cố gắng tháo gỡ những vướng mắc để tạo điều kiện phát triển các dự án mới. Do đó, cuối năm 2019 và đầu 2020 thị trường bất động sản có những biến chuyển tích cực.

“Có thể cuối năm 2019 và sang năm 2020 thị trường sẽ có những hoạt động sôi động mới, phát triển tốt hơn. Mới đây, trong lần làm việc giữa UBND TP.HCM cùng với cơ quan chức năng, chính quyền đã có chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc phê duyệt cấp phép cho các dự án. Cá nhân tôi cũng hy vọng nửa cuối năm 2019 sẽ có những dấu hiệu tích cực hơn, qua đó nguồn cung sẽ dồi dào hơn để đáp ứng nhu cầu của thị trường”, ông Hoàng chia sẻ.

Còn theo ông Trần Đức Vinh, mặc dù nguồn cung sụt giảm mạnh nhưng tính thanh khoản được đánh giá khá tốt, nhu cầu về các loại BĐS nhà ở trong phân khúc hạng C vẫn còn rất cao, đặc biệt là tại các đô thị lớn và các khu hành chính - kinh tế mới.

“Thị trường BĐS những tháng cuối năm 2019 sẽ tiếp tục phát triển ổn định, nhất là các đô thị vệ tinh của TP.HCM, nơi còn quỹ đất lớn và giá còn mềm như: Long An, Bình Dương, Đồng Nai... Bức tranh bất động sản cuối năm 2019 vẫn có những gam màu sáng và đang được kỳ vọng sẽ tạo ra những dấu hiệu tích cực”, ông Vinh lạc quan.

Khánh Hòa

thi truong bat dong san se con kho khan den cuoi nam 2019 3 lý do thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển năm 2019

Nhận định đều cho thấy năm 2019, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục giữ đà phát triển ổn định của năm 2018 với ...

thi truong bat dong san se con kho khan den cuoi nam 2019 Những gam màu sáng tối của thị trường Bất động sản TP.HCM

Trong giai đoạn 2017-2018, thị trường bất động sản TP.HCM đã có nhiều thay đổi đáng kể, bao gồm cả 2 mặt tích cực và ...

/ vietnamnet.vn