Thi tốt nghiệp THPT 2025: Học sinh “né” môn thi mới

Năm 2025 là năm đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức theo chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới ban hành năm 2018. Học sinh sẽ thi 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số 9 môn tính điểm còn lại của chương trình lớp 12.

Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều trường THPT đã tổ chức khảo sát nhu cầu học sinh đăng ký môn thi lựa chọn tốt nghiệp. Tuy nhiên, kết quả ban đầu cho thấy, hai môn học mới, lần đầu tiên được thi tốt nghiệp THPT là Tin học, Công nghệ rất ít học sinh lựa chọn.

Môn Công nghệ: Cả trường không ai chọn

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, từ năm 2025, học sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT với 4 môn, trong đó hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn. Hai môn còn lại học sinh tự chọn trong số các môn: Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ và Tin học. Kết quả khảo sát bước đầu về việc chọn môn thi ở nhiều trường THPT tại nhiều tỉnh thành trên cả nước cho thấy, đối với môn tự chọn trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, thí sinh có xu hướng lựa chọn bài thi với các môn thuộc tổ hợp Khoa học xã hội (như Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật) để thi tốt nghiệp THPT chiếm tỉ lệ cao hơn so với bài thi với các môn thuộc tổ hợp Khoa học tự nhiên (như Vật lý, Hóa học, Sinh học).

CE338522_2FB6_46BB_98D6_6495A89-1735003989040.jpeg
Học sinh chưa mặn mà với các môn thi mới trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Ảnh minh họa

Tuy vậy, điều bất ngờ hơn cả là việc có rất ít học sinh lựa chọn các môn như Tin học, Công nghệ, môn lựa chọn đầu tiên được đưa vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT kể từ năm 2025. Theo khảo sát ban đầu tại Trường THPT Thạch Bàn (Hà Nội), toàn trường chỉ có 2 em chọn môn Tin học và không có học sinh nào chọn môn Công nghệ; tại Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), môn Tin học cũng chỉ có 5 học sinh lựa chọn và môn Công nghệ không có học sinh nào; tại Trường THPT Cao Bá Quát (Hà Nội), trong số gần 700 học sinh lớp 12, cũng không có em nào lựa chọn môn Công nghệ và Tin học. Không chỉ ở Hà Nội, tại nhiều trường THPT ở Nam Định, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nghệ An, tình trạng học sinh ít chọn môn Công nghệ và Tin học cũng phổ biến ở rất nhiều trường.

Theo lý giải của các trường THPT, đây là 2 môn lần đầu tiên trở thành môn thi tốt nghiệp THPT nên cả học sinh và giáo viên đều bỡ ngỡ. Có thể vì chưa có tiền lệ về cách ra đề thi để tham khảo, học hỏi, đúc rút kinh nghiệm từ những kỳ thi trước nên học sinh không dám “mạo hiểm”. Quan trọng hơn, hiện các trường đại học đều chưa công bố về việc sử dụng các tổ hợp xét tuyển có 2 môn này khiến các trường THPT gặp khó khăn trong định hướng học tập, sắp xếp ôn luyện cho học sinh. Điều này khiến học sinh có xu hướng “né” các môn thi mới bằng cách lựa chọn các môn thi thuộc các khối thi truyền thống để đảm bảo an toàn, thuận tiện cho việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển ĐH.

Cần khẩn trương rà soát, đánh giá lại chương trình

TS. Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng, so với chương trình GDPT 2006, chương trình GDPT 2018 có số môn học nhiều hơn, trong đó có một số môn học mới. Nội dung các môn học nâng cao hơn, khối lượng nhiều hơn, có thêm một số kiến thức được lấy từ chương trình bậc ĐH đưa xuống. Một số môn học lựa chọn không chỉ mới mà còn không phải là những môn học cơ bản quen thuộc để hướng nghiệp cho học sinh, cũng không phải để trang bị cho học sinh các kỹ năng học tập hoặc kỹ năng nghề cơ bản (Tin học, Công nghệ, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Mỹ thuật, Âm nhạc). Những môn học này chủ yếu học “chay”, ít được thực hành, thực tập.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, sau 5 năm triển khai Chương trình GDPT 2018 phát hiện thấy có biểu hiện học sinh gặp quá tải trong học tập cả về khối lượng và độ khó. Nhiều tổ hợp môn học lựa chọn do trường THPT lập ra có thể không phù hợp với năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp của học sinh. Hệ lụy ngay trước mắt là giáo viên các môn khoa học tự nhiên ở cấp THPT đặc biệt là giáo viên môn Sinh học và Hóa học không có giờ dạy phải thực hiện các nhiệm vụ khác. Ví dụ như, chuyển sang làm nhiệm vụ hướng dẫn các hoạt động giáo dục và dạy nội dung giáo dục địa phương…

Trước thực trạng trên, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam kiến nghị Bộ GD&ĐT cần khẩn trương đánh giá toàn bộ chương trình GDPT mới ở cả 3 cấp học, đặc biệt là ở phân khúc THPT, trên mọi bình diện từ mục tiêu, nội dung, mức độ định hướng nghề nghiệp, độ mềm dẻo, khả năng liên thông (ngang và dọc), khả năng phân luồng sau THCS… Nếu phát hiện thấy những bất cập nghiêm trọng cần đưa ra các quyết định điều chỉnh ngay.

Bộ GD&ĐT cũng cần có các giải pháp quyết liệt chỉ đạo các sở GD&ĐT thực hiện hướng nghiệp sâu ngay từ cuối cấp học THCS và đầu cấp học THPT vì hiện nay học sinh còn chưa được tư vấn về nghề nghiệp sớm từ cấp THCS, dẫn đến việc lựa chọn các môn học lựa chọn để học ở cấp THPT còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Đồng thời, linh hoạt cho chuyển đổi môn học lựa chọn đảm bảo cân bằng tương đối giữa các môn học Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội để đảm bảo nguồn nhân lực đầu vào cho các ngành khoa học cơ bản và Khoa học Tự nhiên.

Cùng với đó, yêu cầu các Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường THPT rà soát lại danh sách các tổ hợp môn học lựa chọn để học sinh có nhiều cơ hội được đăng ký vào nhiều tổ hợp xét tuyển ĐH; cho học sinh được chuyển đổi môn học lựa chọn theo nhu cầu phục vụ xét tuyển các ngành học ở bậc ĐH phù hợp với năng lực và sở trường của học sinh được hình thành trong quá trình học ở bậc THPT.

 https://cand.com.vn/giao-duc/thi-tot-nghiep-thpt-2025-hoc-sinh-ne-mon-thi-moi-i754316/

Huyền Thanh / CAND