Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đề xuất phương án thi tốt nghiệp THPT và chia kỳ thi làm 2 đợt.
Theo đó, bộ GD&ĐT quyết định, thí sinh tại TP.Đà Nẵng và 6 thành phố, thị xã, huyện của tỉnh Quảng Nam (bao gồm thành phố Hội An, thị xã Điện Bàn, huyện Đại Lộc, huyện Quế Sơn, huyện Duy Xuyên và huyện Thăng Bình) đang thực hiện cách ly xã hội, sẽ thi đợt thứ hai.
Các thí sinh thuộc diện F1, F2 trong cả nước (nếu có) sẽ dự thi cùng thời gian với học sinh của TP.Đà Nẵng và 6 thành phố, thị xã, huyện của tỉnh Quảng Nam (chưa có thời gian cụ thể).
Các địa phương còn lại tổ chức kỳ thi theo kế hoạch đã đề ra (từ ngày 8-10/8), với các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của bộ Y tế và bộ GD&ĐT.
Thí sinh dự thi sau ngày 10/8, nếu có nguyện vọng sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển sinh đại học, bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học xem xét.
Các trường sẽ bố trí tỷ lệ chỉ tiêu và phương thức tuyển sinh phù hợp. Phương án này bảo đảm quyền lợi cho thí sinh, trên tinh thần tự chủ đại học.
Bên cạnh đó, bộ GD&ĐT đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo xây dựng phương án cụ thể triển khai tổ chức kỳ thi, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho thí sinh và cán bộ, giáo viên làm công tác tổ chức thi.
Đồng thời, địa phương rà soát, chuẩn bị chu đáo, đầy đủ các điều kiện về nhân lực và cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức kỳ thi tại địa phương, bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động rà soát, phân loại những thí sinh thuộc diện F1, F2 (nếu có), gửi danh sách về bộ GD&ĐT trước ngày 12/8.
Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 ổn định giúp công tác xét tuyển của các trường dễ dàng hơn và thuận lợi cho thí sinh. Khi Bộ GD&ĐT tổ chức thi thành 2 đợt, trường đã có phương án điều chỉnh thích ứng.
Tuy nhiên, theo PGS Kiên, trường sẽ không thay đổi chỉ tiêu tuyển sinh. Thay vào đó trường sẽ căn cứ vào số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển từng địa phương hằng năm, số liệu đăng ký dự thi năm nay của thí sinh để tính toán dự phòng chỉ tiêu cho những thí sinh vùng dịch thi đợt sau.
Đại học FPT cho biết, Hội đồng tuyển sinh nhà trường họp và đi tới thống nhất dành chỉ tiêu cho các thí sinh thi THPT đợt sau. Số lượng chỉ tiêu cụ thể sẽ được tính theo chỉ tiêu 2020 của trường và dựa trên phân bố thí sinh nhập học các năm trước từ các khu vực chưa thi đợt 1.
Đại học Ngoại thương Hà Nội đang xây dựng một số kịch bản cho mùa tuyển sinh năm nay, trên tinh thần vẫn bám sát theo kế hoạch tổ chức kỳ thi THPT của Bộ GD&ĐT.
Trường đang thống kê số lượng sinh viên có hộ khẩu Đà Nẵng, Quảng Nam đang học tập tại trường và các thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển để dự đoán tỷ lệ dự phòng cho đợt tuyển sau. Tỷ lệ học sinh từ những tỉnh thành này đăng ký dự thi vào trường ít nên tuyển sinh không quá phức tạp.
Đại diện Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, theo số liệu thống kê nhanh, tỷ lệ thí sinh ở vùng Đà Nẵng, Quảng Nam đăng ký xét tuyển vào trường rất ít, vì vậy về cơ bản phương án tuyển sinh, chỉ tiêu sẽ không có nhiều biến động.
Nhà trường sẽ tính toán kỹ lưỡng để đưa ra phương án nhằm đảm bảo quyền lợi cao nhất cho các thí sinh có nguyện vọng xét tuyển. Trường sẵn sàng dự phòng chỉ tiêu cho các thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 phải thi đợt sau.
Chia sẻ về đề xuất thi tốt nghiệp THPT thành 2 đợt, TS Hoàng Ngọc Vinh (nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT):
Việc tổ chức hai đợt thi tốt nghiệp THPT trong bối cảnh hiện nay tôi cho là chấp nhận được chứ không chỉ có hoãn hay hủy kỳ thi như nhiều ý kiến đề xuất. Đà Nẵng và Quảng Nam là hai vùng dịch đã được khoanh vùng sẽ thi sau. Đề thi đã được chuẩn hóa, phần lớn thi trắc nghiệm nên có thể đảm bảo tính công bằng, không lo về sự chênh lệch khó - dễ về đề thi giữa hai đợt.
Kỳ thi này không chỉ để xét tốt nghiệp mà còn để xét đại học. Trong bối cảnh việc chấm điểm, đánh giá ở bậc phổ thông chúng ta chưa kiểm soát được, không ít thầy cô thương học trò nên cho điểm chưa phản ánh đúng năng lực học sinh. Do đó, nếu hủy kỳ thi, các trường đại học xét học bạ sẽ là sự mất công bằng rất lớn trong xã hội.
Trong trường hợp bất khả kháng, đến ngày thi đợt 2 nhưng tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp, chúng ta phải chấp nhận thực tế xét tốt nghiệp cho học sinh Đà Nẵng, Quảng Nam và đó cũng chỉ là số ít so với việc hủy hoàn toàn kỳ thi.
Dĩ nhiên thi, tính an toàn và công bằng phải được đặt lên hàng đầu. Bộ cần có các giải pháp để đảm bảo điều này, chẳng hạn như thực hiện khoảng cách tối thiểu giữa các thí sinh, điều thêm người tham gia coi thi, thanh tra, tăng cường khử khuẩn khu vực thi, thí sinh, vệ sinh ăn uống... Bộ cũng có các kịch bản phòng ngừa, xử lý tình huống trong trường hợp có những phát sinh liên quan đến dịch trong khi kỳ thi đang diễn ra.
PV (th)