Theo sát giá cả để kiềm chế lạm phát

Cùng với tăng lương, biên động giá năng lượng và việc thực hiện lộ trình giá thị trường, tính đúng tính đủ chi phí trong giá các hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá sẽ là những áp lực lên lạm phát những tháng cuối năm.

Lạm phát đang trong ngưỡng mục tiêu

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê mới công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2024 tăng 0,17% so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng 6/2024 tăng 1,4% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,34%. CPI bình quân quý 2/2024 tăng 4,39% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,75%.

TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính nhận định, nếu nhìn vào tốc độ tăng CPI trong 6 tháng đầu năm 2024, có thể thấy bức tranh áp lực lạm phát đang ở mức vừa phải, vì chưa tính giá dịch vụ y tế, giáo dục đã điều chỉnh từ quý III/2023.

"Chỉ số lạm phát so với cùng kỳ và lạm phát trung bình ở mức cao như hiện nay chủ yếu do tác động từ điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục trong quý III/2023. Bởi vậy, trong quý III/2024, khi hiệu ứng từ các cuộc điều chỉnh giá này giảm dần, lạm phát so với cùng kỳ sẽ giảm mạnh và lạm phát trung bình cũng sẽ giảm theo, nếu không có các cuộc điều chỉnh giá quy mô lớn đối với các mặt hàng được Nhà nước quản lý", ông Nguyễn Đức Độ phân tích.

Theo sát giá cả để kiềm chế lạm phát -0
Người dân nên có phương thức chi tiêu cá nhân hợp lý, tiết kiệm và bền vững.

Dù lạm phát đang được kiểm soát trong ngưỡng mục tiêu, song theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, lạm phát cơ bản có xu hướng tăng cao suốt từ đầu năm 2021 đến đầu năm 2023 và từ giữa năm 2022 đến nay. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề khó khăn, sức ép như cùng lúc phải chịu tác động kép giữa thay đổi chính sách điều hành của các nước trên thế giới, biến động giá cả hàng hóa cơ bản toàn cầu, và việc thực hiện lộ trình điều chỉnh giá nhiều mặt hàng thiết yếu (điện, nước…), giá dịch vụ công, nhất là điều chỉnh tăng lương từ ngày 1/7.

Những áp lực này cũng được bà Vũ Hương Trà, Phó trưởng phòng Chính sách tổng hợp, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đưa ra. Theo bà Trà, dự báo áp lực lạm phát trong nửa cuối năm rõ nét và mạnh hơn so với nửa đầu năm do thực hiện lộ trình giá thị trường, tính đúng tính đủ chi phí trong giá các hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá; giá mặt hàng năng lượng biến động khó lường; chính sách cải cách tiền lương từ 1/7. Việc quản lý, điều hành giá tiếp tục chịu áp lực lớn do ảnh hưởng từ tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo…

Bám sát diễn biến thị trường giá cả

Dự báo lạm phát trong năm 2024, TS Nguyễn Đức Độ cho biết, trên thực tế áp lực lạm phát trong năm nay không quá lớn. Hiện có 3 kịch bản lạm phát. Theo đó, trong kịch bản cao, giá dầu tăng nhẹ, tỷ giá ổn định, CPI tăng trung bình 0,23%/tháng trong 6 tháng cuối năm 2024 (tương đương mức tăng trong 6 tháng đầu năm 2024). Lúc đó, lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12/2024 sẽ ở mức 2,8% và lạm phát trung bình cả năm 2024 sẽ ở mức 3,6%.

Trong kịch bản trung bình, giá dầu và tỷ giá đều ổn định, CPI tăng trung bình 0,1%/tháng trong 6 tháng cuối năm 2024 (như trong quý II/2024). Lúc đó, lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12/2024 sẽ giảm về mức 2% và lạm phát trung bình cả năm ở sẽ mức 3,4%.

Trong kịch bản thấp, kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái cuối năm 2024, giá dầu và tỷ giá giảm, CPI tăng trung bình 0%/tháng, thậm chí có thể giảm trong 6 tháng cuối năm 2024. Lúc đó, lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12/2024 sẽ giảm về mức 1,4% và lạm phát trung bình cả năm 2024 sẽ ở mức 3,2%.

Để ổn định giá cả thị trường từ nay tới cuối năm, đặc biệt trước việc tăng tiền lương, đại diện Cục Quản lý giá cho biết cần giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường, các mặt hàng vẫn có biến động tăng giá để tham mưu chính sách, kịch bản điều hành giá phù hợp, linh hoạt, kịp thời, nhất là với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá; điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; các bộ, ngành, địa phương chủ động chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng nhà nước định giá, đánh giá kỹ tác động để thực hiện điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định mức độ điều chỉnh phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường.

Phân tích kỹ hơn, nhóm nghiên cứu của TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Đại học Kinh tế quốc dân) đề xuất, cần có các giải pháp đồng bộ cả về tuyên truyền nhận thức, kinh tế, tài chính, hành chính - pháp lý cùng với các chủ thể có liên quan như nhà nước, doanh nghiệp, dân cư, các đối tượng hữu quan khác.

Nhà nước cần có nguồn hoặc cơ chế dự trữ hàng hóa đáng kể để cung ứng ra thị trường vào thời điểm cần thiết, hình thành cơ chế giá trần phù hợp với những mặt hàng thiết yếu, tăng cường hiệu năng quản lý thị trường khi có hiện tượng đầu cơ tăng giá hoặc tăng giá không đủ cơ sở và căn cứ phù hợp, coi trọng tuyên truyền để ổn định tâm lý công chúng trước tình hình tăng lương, khuyến khích cạnh tranh theo giá, tăng cường nhập khẩu để ổn định giá và tăng lãi suất huy động, phát hành trái phiếu dự án hoặc trái phiếu doanh nghiệp có nhà nước bảo lãnh để thu hút phần nào lượng tiền nhàn rỗi trong lưu thông. Đối với doanh nghiệp, cần tái cơ cấu, áp dụng mô hình kinh doanh mới, quản trị tinh gọn để tiết kiệm chi phí, khai thác mọi sự hỗ trợ để tiết kiệm chi phí.

Đối với công chúng, cần ổn định tâm lý, không chạy theo tâm lý đám đông, không tự gây ra làn sóng đổ xô mua hàng hóa khi chưa có nhu cầu thực sự, giảm thiểu tâm lý tích trữ và có phương thức chi tiêu cá nhân hợp lý, tiết kiệm và bền vững.

 https://cand.com.vn/Thi-truong/theo-sat-gia-ca-de-kiem-che-lam-phat-i736365/

Hà An / VTC News