Tăng lương phải gắn với kiểm soát hiệu quả lạm phát

Ngày 26/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024.

Nghiên cứu cách thức trả lương, tăng mức giảm trừ gia cảnh

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho biết, ông đã dành nhiều thời gian xem xét xem quá trình tăng lương cơ sở tác động như thế nào đến lạm phát. Và 20 năm qua, chúng ta đã 14 lần tăng lương cơ sở, trong đó, đa số khi tăng lương thì lạm phát giảm. "Chẳng hạn, năm 2005, tăng 20,7% lương thì lạm phát giảm từ 9,5% xuống 5,4%; năm 2006, tăng 28,57% lương thì lạm phát giảm từ 7,5% xuống 6,3%; năm 2012, tăng lương cơ sở 26,5% thì lạm phát giảm từ 18,6% xuống 9,2%; năm 2016, tăng lương cơ sở 5,2% thì lạm phát giảm từ 6,6% xuống 2,7%; năm 2023, tăng lương cơ sở 20,8%, lạm phát chỉ còn 3,25%", ông thống kê.

Có hai lần tăng lương cơ sở làm tăng lạm phát, đó là năm 2008, khi tăng lương 2% thì lạm phát tăng từ 6,3% lên 23%; năm 2011, lương tăng 13,7% thì lạm phát tăng từ 9,2% lên 18,6%. Tuy nhiên, hai năm này, việc lạm phát không chỉ do tăng lương cơ sở mà do cả lạm phát thế giới, giá dầu thế giới tăng và tỷ giá trong nước tăng.

Tăng lương phải gắn với kiểm soát hiệu quả lạm phát -0
Ngày 26/6, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, các khoản trợ cấp từ ngày 1/7/2024.

Khẳng định, chúng ta đã có bài học kinh nghiệm để hạn chế bớt ảnh hưởng của việc tăng lương cơ sở đến lạm phát, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, giữ ổn định tỷ giá; điều chỉnh các giá hàng hoá dịch vụ nhà nước, như giá điện, học phí, giá dịch vụ khám chữa bệnh... giãn ra, không cùng một lúc và cách xa ngày 1/7/2024. Chuẩn bị nguồn hàng đảm bảo cung ứng, không để thiếu hàng, thúc đẩy sản xuất. "Quan trọng nhất là phải kiểm soát lạm phát tâm lý, lạm phát tin đồn, lạm phát domino, "té nước theo mưa"; tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử phạt nghiêm minh những vấn đề liên quan pháp luật về giá", đại biểu TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Đề cập về cách thức trả lương, ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho rằng, Nghị quyết 27 của Trung ương có nêu, chúng ta đã cải cách tiền lương 4 lần, mà lần gần nhất là năm 2003. "Nếu chúng ta so sánh nền kinh tế, GDP năm 2003 chỉ khoảng 45 tỷ USD thì hiện nay hơn 450 tỷ USD, nghĩa là tăng khoảng 10 lần. Như vậy, việc cải cách tiền lương cần thiết", ông đánh giá.

Tuy nhiên, theo ông, vấn đề là cải cách như thế nào? Báo cáo Chính phủ nêu, chúng ta chỉ tích trữ 913.000 tỷ đồng để cải cách tiền lương. Đây là nỗ lực rất lớn trong bối cảnh nền kinh tế như thế này, nhưng nếu chúng ta có cách nào đó quy tiền lương của khu vực công như các doanh nghiệp nhà nước, theo tỷ lệ GDP, lập công thức, sau đó cứ GDP tăng tới chừng nào thì chúng ta tăng lương. Rõ ràng, việc cán bộ công chức quản lý nền kinh tế 45 tỷ USD và 450 tỷ USD là rất khác nhau. Nếu tiền lương chuyển sang cách để chống lạm phát và đảm bảo đời sống thì có thể làm theo công thức như vậy.

"Vì khi làm khu vực công, ngoài tự hào vị trí xã hội thì người ta phải yên tâm thu nhập thì mới cống hiến và đó cũng là cách chống tham nhũng ngay từ đầu, khi đó lương đủ lớn, đủ để trang trải, nuôi gia đình, xứng đáng với đóng góp, GDP tăng trưởng thì người ta sẽ không muốn tham nhũng, thấy e ngại khi dính vào tham nhũng vì sẽ có thể mất đi thu nhập rất lớn", đại biểu phân tích và khẳng định, để cải cách một cách toàn diện phải đưa ra công thức tính và căn cứ GDP hằng năm. Về lâu dài phải làm như thế mới căn cơ, và cũng đỡ vất vả câu chuyện phải đi tích trữ nguồn ngân sách để tăng lương...

Cơ bản thống nhất với nội dung cải cách tiền lương, ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) đề nghị, bên cạnh đó phải quan tâm việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Trước khi tăng lương, giá cả đã tăng trước một đoạn, cần có giải pháp bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng; chống việc lợi dụng tăng lương để tăng giá. "Khi lương tăng, mức giảm trừ gia cảnh cũng cần nghiên cứu, vì mức sống tăng lên, đắt đỏ hơn, mức giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng 30-50%", ông góp ý.

Bùng nổ quảng cáo thuốc, "thổi phồng" tác dụng, lừa dối người tiêu dùng

Chiều cùng ngày, thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, hiện nay chúng ta vẫn đang áp dụng cơ chế quản lý tiền kiểm đối với quảng cáo thuốc và các thực phẩm chức năng. "Trên thực tế, hoạt động quảng cáo thuốc và thực phẩm chức năng tồn tại nhiều bất cập; nhiều quảng cáo phóng đại, gây nhầm lẫn, thậm chí lừa dối người tiêu dùng tràn lan trên các kênh thông tin khác nhau, đặc biệt là mạng xã hội, gây bức xúc trong cử tri và nhân dân", bà nêu.

Đại biểu băn khoăn, thực hiện chế độ tiền kiểm vẫn đang còn vướng, khó quản lý như vậy, liệu chuyển sang chế độ hậu kiểm, chúng ta có thể thực hiện quản lý tốt được hay không? Bên cạnh đó, theo đại biểu, hoạt động quảng cáo thuốc có tính chất rất khác với các nội dung đã từng đặt ra vấn đề hậu kiểm. "Dù quảng cáo thuốc có vi phạm, người tiếp cận quảng cáo cũng khó có thể phát hiện ra để phản hồi đến các cơ quan có thẩm quyền kịp thời xử lý, nên việc thực hiện chế độ hậu kiểm sẽ rất khó khăn", đại biểu phân tích và đề nghị vẫn tiếp tục duy trì chế độ hậu kiểm như hiện nay; đồng thời, cần tăng cường công tác hậu kiểm để quản lý chặt chẽ hơn hoạt động quảng cáo thuốc và các thực phẩm chức năng trong thời gian tới.

ĐBQH Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) phản ánh tình trạng "bùng nổ" việc bán thuốc, quảng cáo thuốc trên các nền tảng mạng xã hội, với việc quảng cáo không đúng sự thật về công dụng, "thổi phồng" tác dụng của thuốc, bán thuốc giả, đánh đồng giữa thuốc chữa bệnh và thực phẩm chức năng… làm nguy hại đến sức khỏe của người dân, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng và một mức độ nào đó đã ảnh hưởng đến uy tín của ngành Y tế. Để giải quyết vấn đề này, theo đại biểu, cần nghiên cứu, xây dựng các quy phạm chặt chẽ hơn trong kinh doanh dược.

"Chúng ta quản lý nhà thuốc truyền thống còn chưa nổi mà giờ lại tính tới bán thuốc online thì sẽ có thể tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, đặc biệt là nguy cơ thuốc giả, thuốc kém chất lượng, rất khó phát hiện và xử lý" - ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh) thẳng thắn nêu. Theo bà, các nội dung của dự thảo luật về bán thuốc qua sàn giao dịch điện tử còn rất đơn giản và rời rạc, chưa đủ tính khả thi. Đại biểu đề nghị, tuyệt đối không đưa thuốc kê đơn vào danh mục có thể phân phối qua thương mại điện tử. Còn đối với thuốc không kê đơn, việc áp dụng thương mại điện tử phải được cân nhắc ở giai đoạn khi nền pháp lý của chúng ta đã được hoàn thiện chặt chẽ và phải được tổ chức trong một khuôn khổ an toàn và trật tự hơn. "Chứ như hiện nay, chưa phải là giai đoạn chín muồi, bởi công tác chuẩn bị chưa đầy đủ", ĐBQH TP Hồ Chí Minh nhận định.

Đồng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Công Hoàng (Thái Nguyên) đề nghị, cần cân nhắc và có quy định hết sức ngặt nghèo, cẩn trọng vì hiện nay việc rao bán thuốc rất phức tạp, nhiều người bị mất tiền oan, rồi việc người bán để thuốc ở đâu, có đảm bảo quy chuẩn hay không cũng là vấn đề cần xem xét. Về kinh doanh thuốc, ông cho rằng, việc quản lý giá thuốc trong giai đoạn hiện nay còn lỏng lẻo và có nhiều giá, người dân đi mua thuốc có thể bị đội giá lên rất nhiều. Do đó, cần áp dụng chuyển đổi số vào quản lý giá thuốc đối với các nhà thuốc trong và ngoài bệnh viện...

Thí điểm cơ chế đặc thù, Nghệ An có 5 Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Đà Nẵng có Khu thương mại tự do

Với 93,21% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, sáng 26/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Nghị quyết gồm 8 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 và được thực hiện trong 5 năm. Nghị quyết quy định 4 nhóm cơ chế, chính sách lớn về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; về quản lý đầu tư; về quản lý đô thị, tài nguyên rừng; tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương. Trong đó, quy định UBND tỉnh Nghệ An có không quá 5 Phó Chủ tịch. HĐND TP Vinh được thành lập 3 Ban, gồm: Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội. HĐND TP Vinh có không quá 2 Phó Chủ tịch và không quá 8 đại biểu hoạt động chuyên trách; UBND TP Vinh có không quá 4 Phó Chủ tịch.

Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng, với 93% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Nghị quyết gồm 4 chương, 18 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Về thí điểm thành lập Khu thương mại tự do (Điều 13), Nghị quyết quy định thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với Cảng biển Liên Chiểu. Khu thương mại tự do là khu chức năng, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao...

 

Bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Thanh Hải giữ chức Trưởng ban Công tác đại biểu

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký Nghị quyết số 1075 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH khóa XV giữ chức vụ Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH. Trước đó, chiều 25/6, Quốc hội đã tín nhiệm bầu đồng chí Nguyễn Thanh Hải làm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải (SN 1970), quê ở Hà Nội; Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, XIII; Đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV, XV; Trình độ chuyên môn: PGS.TS Vật lý. Đồng chí từng giữ chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội; Ủy viên UBTVQH khóa XIII, XIV; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XIII; Trưởng ban Dân nguyện thuộc UBTVQH khóa XIV; Phó Chủ tịch Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam; Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Canada. Từ tháng 6/2020 đến nay, đồng chí là Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên; Đại biểu HĐND khóa XIV, Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh Thái Nguyên; Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Quân khu I; Phó Chủ tịch Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XV.         

https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/tang-luong-phai-gan-voi-kiem-soat-hieu-qua-lam-phat-i735607/

Quỳnh Vinh / CAND