Có được một thị trường lớn nhập khẩu hàng hóa Việt Nam, đó là hạnh phúc. Phụ thuộc hay không là do cách làm ăn của chính doanh nghiệp Việt.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), rất có thể trong quý II/2018, Trung Quốc sẽ trở thành nhà nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam.
Trong 4 tháng đầu năm, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam, đồng thời nằm trong số thị trường nhập khẩu tôm mạnh ở mức hai con số của Việt Nam. Điều này làm dấy nên nỗi lo ngại về nguy cơ thêm phụ thuộc thị trường Trung Quốc của ngành thủy sản.
Trước đó, Trung Quốc là thị trường nhiều năm liên tiếp đứng vị trí thứ nhất về nhập khẩu nông sản của Việt Nam. Trong 8 mặt hàng nông sản ghi danh vào câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD, ngoại trừ hạt tiêu, 7 mặt hàng xuất khẩu chủ lực còn lại đều phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc.
Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) khẳng định, có được một thị trường lớn nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam là hạnh phúc và may mắn.
Trong lịch sử, khi nước Mỹ phát triển kinh tế, Canada và Mexico có lợi vì xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Ở châu Á, Nhật Bản phát triển là thị trường nhập khẩu lớn của Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc. Sau này, Trung Quốc là thị trường lớn để các nước xuất khẩu hàng hóa sang.
Phụ thuộc hay không phụ thuộc là do cung cách làm ăn của doanh nghiệp Việt
"Đó là một cơ hội lớn, rất may mắn và hiếm có. Còn vấn đề phụ thuộc hay không phụ thuộc là do cung cách làm ăn của các nhà kinh doanh Việt Nam chứ không phải ở thị trường đã mở ra cho Việt Nam", PGS.TS Nguyễn Văn Nam nhấn mạnh.
Phân tích cụ thể, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại cho rằng, nếu doanh nghiệp Việt vẫn cứ giữ kiểu làm ăn cò con, ăn xổi ở thì, có gì cứ mang lên biên giới, người ta nhìn mặt hàng thích thì mua, không thích thì thôi, mua đắt thì bán ào thật nhiều, đến khi thừa thì bán đổ bán tháo... thì phụ thuộc là đúng. Đó là lỗi của chính phía Việt Nam, không phải tại nước có nhu cầu.
Trường hợp ngược lại, nếu phía doanh nghiệp Việt nâng tầm của mình lên là nhà kinh doanh, xuất nhập khẩu đàng hoàng, bình đẳng, làm gì cũng có hợp đồng từ dài hạn đến ngắn hạn và là hợp đồng chính ngạch, có sự chủ động thì không thể phụ thuộc được. Khi có hợp đồng rồi, doanh nghiệp mới về sản xuất, gom hàng xuất khẩu, hàng phải theo tiêu chuẩn khách hàng đặt ra.
Dẫn trường hợp con cá tra làm ví dụ, theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nhiều ý kiến cho rằng cá tra Việt Nam là do các doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh với nhau, giảm giá, trong khi cá tra Trung Quốc xuất khẩu có giá gấp đôi giá cá tra Việt Nam.
Cụ thể, giá nhập khẩu cá tra, basa trung bình của Mỹ từ Trung Quốc lên tới 6,77 USD/kg trong khi giá nhập khẩu từ Việt Nam chỉ khoảng 3,42 USD/kg.
Đáng nói là trong những năm gần đây xuất khẩu cá tra vào Mỹ gặp nhiều khó khăn về thuế vào hàng rào kỹ thuật, hiện Mỹ chỉ còn chiếm thị phần xuất khẩu cá tra của Việt Nam có 17,7%.
Trong khi đó, Trung Quốc nhập khẩu cá tra Việt Nam tăng mạnh và trở thành khách hàng lớn nhất của cá tra Việt Nam. Việc Trung Quốc xuất khẩu cá tra, đặc biệt sản phẩm phi lê đông lạnh sang Mỹ với giá cao gấp đôi Việt Nam khiến có dư luận cho rằng nước này nhập sản phẩm từ Việt Nam để bán lại cho Mỹ.
Đáng lưu ý, Trung Quốc từng áp dụng cách thức này với nhiều mặt hàng của Việt Nam, trong đó có lúa gạo.
"Lối làm ăn của doanh nghiệp Việt là làm cò con, vài ba doanh nghiệp chỉ được vài nghìn tấn cũng cạnh tranh nhau, giảm giá để bán trước, doanh nghiệp này giảm thì doanh nghiệp kia cũng giảm, cuối cùng tự doanh nghiệp giảm giá chính sản phẩm của mình chứ không phải do đối tác mua giá thấp. Mỹ chấp nhận mua giá cao, còn doanh nghiệp Việt bán giá thấp nên bị kiện bán phá giá. Vậy là doanh nghiệp Việt thiệt đơn thiệt kép", ông Nam chỉ rõ.
Cũng theo vị chuyên gia, một thị trường lớn như Trung Quốc được cả thế giới mong chờ, ngay cả các nước phát triển mạnh như Mỹ, EU, Nhật Bản... Còn với Việt Nam, một nước nghèo ở bên cạnh, có được thị trường Trung Quốc là một hạnh phúc.
"Điều buồn cười là doanh nghiệp ta cứ ngồi chờ thương lái Trung Quốc sang đặt hàng, thấy giá cao thì đua nhau làm, làm nhiều thì ùn ứ, phải bán đổ bán tháo, lúc ấy lại đổ cho Trung Quốc lừa mình.
Đó là tại chính chúng ta đã không thâm nhập, không nghiên cứu thị trường Trung Quốc, không bắt tay liên kết với các nhà nhập khẩu của thị trường Trung Quốc, ký hợp đồng đàng hoàng.
Nhà buôn Trung Quốc bây giờ buôn bán với cả thế giới, trong đó có cả các nước phát triển. Họ làm ăn chuẩn mực, chuyên nghiệp.
Tất nhiên cũng có nhà buôn ma lanh, như ở Việt Nam, nhưng không thể vì thế mà đổ lỗi cho Trung Quốc. Tại sao doanh nghiệp ta không tiếp cận thị trường, tiếp cận các công ty, tập đoàn lớn, chuyên nghiệp của Trung Quốc để làm ăn đàng hoàng?", PGS.TS Nguyễn Văn Nam đặt câu hỏi.
Vì thế, một lần nữa, vị chuyên gia nhấn mạnh, nếu doanh nghiệp Việt vẫn còn giữ cách làm như từ xưa đến nay thì sẽ trở thành kẻ phụ thuộc. Còn nếu làm ăn đàng hoàng, chuyên nghiệp, có thương hiệu, bao bì đóng gói, mã hàng đâu ra đấy... thì không thể phụ thuộc.
Xin đập 3 tòa tái định cư xây thương mại: Lợi kép
Cơ quan chức năng TP. Hà Nội chưa đưa ra quyết định cuối cùng sau nửa năm Handico 3 xin phá bỏ 3 tòa nhà ... |
Thương mại Trung - Triều có thể được hưởng lợi từ cuộc gặp Trump - Kim
Nếu Trump - Kim đạt được thỏa thuận khiến lệnh trừng phạt được dỡ bỏ thì Trung Quốc có thể tăng cường thương mại với ... |
Đổ nợ sau khi mua nhà ở xã hội
Ở TP HCM, tranh mua được suất nhà ở xã hội đã khó, mua được rồi thì nhiều người lại rơi vào cảnh nợ tứ ... |