Thể thao Hà Nội: Không dễ giữ vững ngôi đầu

Cho đến lúc này, việc giành ngôi Nhất toàn đoàn ở Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022 diễn ra vào cuối năm nay là mục tiêu đương nhiên với ngành Thể thao Hà Nội. Ở vài kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc gần đây (trước năm 2018 còn gọi là Đại hội TDTT toàn quốc) đó là mục tiêu khả thi. Nhưng đến lúc này, người trong cuộc cũng phải thừa nhận là sẽ rất gian nan để giành ngôi Nhất toàn đoàn.

Mục tiêu không thể khác

Từ lâu, thể thao các địa phương, ngành tại Việt Nam, trong đó có Hà Nội hay ngành Công an nhân dân vẫn luôn đề cao thành tích của Đại hội Thể thao toàn quốc. Thành tích ở Đại hội Thể thao toàn quốc cũng là thước đo quan trọng để đánh giá việc đầu tư cho thể thao, nhất là thể thao thành tích cao của địa phương, đơn vị. Từ đó, cũng tác động khá nhiều tới việc đầu tư từ ngân sách của địa phương, ngành cho thể thao mỗi địa phương, đơn vị trong chu kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc sau đó, thường diễn ra trong 4 năm. Về mặt nào đó, đây cũng là nơi khẳng định vị thế của thể thao từng địa phương, ngành.

đội bóng bàn nam hà nội vô đich giải báo nhân dân.jpg -0
Đội nam Hà Nội vô địch Giải bóng bàn quốc gia – Báo Nhân Dân năm 2022 cũng được xem là ứng cử viên vô địch tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022.

Chính vì vậy, luôn có cuộc chạy đua quyết liệt để cạnh tranh từng tấm huy chương tại Đại hội Thể thao toàn quốc. Các địa phương, ngành sẵn sàng đầu tư lớn để thực hiện mục tiêu tại Đại hội Thể thao toàn quốc.

 Thể thao Hà Nội luôn xem đấu trường này là nơi khẳng định vị thế hàng đầu cả nước, từ đó tính toán đến những mục tiêu xa hơn. Không ngẫu nhiên, thể thao Hà Nội từng đưa hàng loạt VĐV đi tập huấn dài hạn ở nước ngoài và lấy sân chơi Đại hội Thể thao toàn quốc để trình làng những lứa VĐV này. Cũng nhờ cách làm này mà từ kỳ Đại hội lần thứ IV năm 2002, thể thao Hà Nội đã lần đầu lên ngôi Nhất toàn đoàn. Và đến kỳ Đại hội lần thứ VIII năm 2018, Hà Nội vẫn giữ được ngôi vị đó. Thế nên, đến kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX, mục tiêu giành ngôi Nhất toàn đoàn là đương nhiên.

Hiểu rõ điều đó nên từ sau Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018, thể thao Hà Nội đã chuẩn bị lực lượng cho Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022 bên cạnh đầu tư cho những mục tiêu như SEA Games, ASIAD, Olympic… Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao Hà Nội Đào Quốc Thắng kể, việc chuẩn bị cho Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022 đã được chú trọng từ các năm trước kết hợp liên thông với việc đầu tư lực lượng cho các sân chơi khác như Olympic, ASIAD, SEA Games. Các đội tuyển, lực lượng VĐV đã cơ bản được định hình để hướng đến thành tích tốt nhất.

Dè dặt trước chỉ tiêu

Tuy nhiên, kỳ chuẩn bị của thể thao Hà Nội cho Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX lại được đánh giá là khó khăn gấp bội lần so với các lần trước.

Dịch COVID-19 khiến kế hoạch tập huấn, thi đấu quốc tế của nhiều đội thể thao Hà Nội bị phá sản. Cũng phải nhắc lại, tập huấn dài hạn và thi đấu nước ngoài liên tục luôn là điểm ưu việt của thể thao Hà Nội so với các địa phương, ngành. Nhiều thế hệ VĐV Hà Nội thành danh cũng nhờ tập huấn liên tục tại nước ngoài hoặc được tạo điều kiện tối đa thi đấu ở nước ngoài.

Rõ nhất là trường hợp tay vợt bóng bàn Nguyễn Anh Tú. Tay vợt này tiến bộ trông thấy nhờ được tập huấn và thi đấu liên tục tại Trung Quốc. Nhưng tình hình dịch COVID-19 tại Trung Quốc khiến Anh Tú và nhiều VĐV khác của Hà Nội không thể sang tập huấn ở Trung Quốc, vốn có mức chi phí phù hợp với thể thao Hà Nội. Trong khi ấy, việc tập huấn, tham dự các giải đấu quốc tế ở nước khác cũng hãn hữu do kinh phí địa phương có hạn trong khi khả năng xã hội hóa hạn chế. Cũng vì thế, trong hơn 2 năm qua, Nguyễn Anh Tú vẫn chưa có đột phá về chuyên môn.

Hay như gần 3 năm nay, đội bi sắt Hà Nội cũng không thức hiện được chuyến tập huấn nước ngoài nào. Thế nên, trình độ của VĐV hầu như chững lại.

Cũng còn lý do khác liên quan đến thủ tục hành chính khiến không ít cuộc tập huấn, thi đấu nước ngoài không thể diễn ra như dự kiến. Trong đó, kiếm thủ Vũ Thành An từng chịu ảnh hưởng vì việc này nên không giành suất tham dự môn đấu kiếm tại Olympic Tokyo 2020.

Thậm chí, ngay cả việc tập luyện, tập huấn trong nước của nhiều môn cũng không thể diễn ra bởi dịch COVID-19, ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của VĐV. Đến nay, dịch COVID-19 đã hầu như không ảnh hưởng đến việc di chuyển đến các địa phương khác để tập huấn nhằm cải thiện, nâng cao thể trạng, tâm lý cho VĐV. Thế nhưng, hiện tại, nhiều bộ môn của thể thao Hà Nội lại đang sốt ruột “ngóng” kinh phí bổ sung để phục vụ cho việc này khi nguồn kinh phí được cấp từ đầu năm đã được sử dụng hết.

Đó là điều hiếm khi xảy ra với thể thao Hà Nội trong khi việc tập huấn ở giai đoạn này cực kỳ quan trọng. Nếu đến sát Đại hội mới có kinh phí bổ sung thì cũng không còn tác dụng. Như người trong nghề nói thì đến lúc đó “có tiền cũng chịu” trong việc nâng cao thành tích cho VĐV.

Tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018, thể thao Hà Nội giành ngôi Nhất toàn đoàn với 176 HCV, 149 HCB, 139 HCĐ. Đến Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022, thể thao Hà Nội cũng chỉ đặt mục tiêu giành 135-140 HCV và đương nhiên giành ngôi Nhất toàn đoàn dù biết là không dễ.

Những khó khăn vừa kể ra ở trên trong khi sự cạnh tranh từ các đơn vị khác tăng lên đáng kể là những nguyên nhân đáng kể khiến những nhà quản lý thể thao Hà Nội chỉ dám đặt ra chỉ tiêu trên.

Và điều này càng được nhiều đội tuyển của Hà Nội thể hiện rõ với sự dè dặt trong chỉ tiêu huy chương. Như điền kinh từng giành 9 HCV ở kỳ Đại hội năm 2018 nhưng lúc này cũng chỉ tính tới việc giành khoảng 6 HCV. Môn bóng bàn cũng chỉ tính đến HCV ở các nội dung nam trong khi nội dung nữ lại bỏ ngỏ, kể cả khi đã kết hợp lực lượng của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội với câu lạc bộ Hà Nội T&T. Môn bi sắt cũng chỉ đặt ra mục tiêu giành 1-2 HCV thay vì 3 HCV…

Thực tế, trong quá trình chuẩn bị cho Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX, lãnh đạo thành phố đã lưu ý các bộ phận chuyên môn tạo điều kiện cho các VĐV trọng điểm của Hà Nội ở các môn như: Bắn cung, bắn súng, đua thuyền, kiếm quốc tế, thể dục, taekwondo... được tham gia các đợt tập huấn quốc tế tại Hàn Quốc; VĐV bắn súng, bi sắt, kick boxing, muay... tập huấn tại Thái Lan… Tất nhiên, đó mới chỉ là một phần trong quá trình chuẩn bị. Còn hàng loạt đầu việc khác mà chỉ người trong cuộc mới cảm nhận hết khó khăn cũng cần sớm rốt ráo giải quyết để các đội có sự chuẩn bị tốt nhất trước khi bước vào thi đấu ở Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022.

Vấn đề là bên cạnh nỗ lực vượt khó và sự chủ động của từng bộ môn trong ngành Thể thao Hà Nội thì các bên liên quan khác phải thực sự cùng xắn tay vì mục tiêu chung của thể thao Hà Nội. Nếu không, hành trình giành ngôi đầu ở Đại hội Thể thao toàn quốc tới sẽ thực sự trắc trở.  

Hy vọng ở tương lai

Trong quá trình chuẩn bị cho Đại hội Thể thao toàn quốc, mới đây, thể thao Hà Nội nhận tin vui khi UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 230/KH-UBND về xây dựng cơ chế thu hút nhân tài thể dục, thể thao Thủ đô giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Thành phố phấn đấu đến năm 2025, sẽ hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách thu hút tài năng, năng khiếu thể thao đặc thù trình HĐND thành phố phê duyệt. Dù sao đây vẫn là câu chuyện ở tương lai nhưng mở ra cơ hội tháo gỡ phần nào khó khăn về đầu tư, xây dựng lực lượng cho thể thao Hà Nội.

Minh Khuê

https://cand.com.vn/the-thao/-the-thao-ha-noi-khong-de-giu-vung-ngoi-dau-i666719/

Minh Hà / Công an nhân dân