Bất kỳ phương án trả đũa nào của Trung Quốc cũng tồn tại những mặt hạn chế và có thể tự gây tổn thương cho chính họ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp bên lề hội nghị G20 ở Hamburg, Đức hồi tháng 7/2017. Ảnh: AFP. |
Chỉ 4 ngày sau khi lên án mạnh mẽ và dọa trả đũa quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa, Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 6/8 tuyên bố nước này đã ngừng mua nông sản Mỹ và không ngoại trừ khả năng áp thuế đối với mặt hàng này.
Giới quan sát nhận định đây là một quyết định đáp trả quyết liệt của Bắc Kinh nhằm đối phó với tác động lan rộng từ cuộc chiến thương mại đang leo thang với Washington. Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ đối mặt với nhiều hạn chế và cần cân nhắc kỹ lưỡng các biện pháp trả đũa.
"Về cơ bản, Trung Quốc có rất ít phương án tốt để phản đòn", Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế cấp cao từ tổ chức tư vấn kinh tế Capital Economics, nói. "Xét về phương diện trả đũa trực tiếp nhằm vào Mỹ, rất khó để Trung Quốc làm như vậy mà không tự gây tổn thương".
Trước đây, khi Washington áp đặt các biện pháp áp thuế nhằm vào hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh cũng đã tung các đòn thuế để đáp trả nhằm vào hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Khi Mỹ nâng thuế từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc hồi đầu tháng 5, Trung Quốc đáp lại bằng quyết định tăng thuế nhằm vào 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ ở mức tương ứng.
Việc Trung Quốc ra lệnh ngừng mua nông sản có thể ảnh hưởng lớn đến những người trồng ngô, đậu nành ở Mỹ, nhưng các chuyên gia chỉ ra rằng Trung Quốc mua hàng hóa của Mỹ ít hơn nhiều so với hàng hóa mà họ bán sang nước này. Trung Quốc chỉ có tổng cộng 120 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ để đánh thuế, trong khi đó, Washington có thể đánh thuế 540 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
"Trung Quốc có thể trả đũa bằng cách kết hợp giữa các biện pháp thuế và phi thuế quan vì họ chỉ còn rất ít hàng hóa Mỹ để đánh thuế", Darren Tay, nhà phân tích rủi ro các quốc gia châu Á tại công ty Fitch Solutions, nhận xét.
Hầu hết hàng hóa xuất khẩu của Mỹ mà Trung Quốc chưa đánh thuế đều là những sản phẩm công nghệ cao vốn khó để tìm kiếm nguồn cung thay thế, theo Evans-Pritchard. "Trung Quốc sẽ phần nào tự gây tổn thương nếu áp thuế đối với các sản phẩm công nghệ cao này", Evans-Pritchard nhấn mạnh.
Một trong những ưu thế của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ là Bắc Kinh gần như độc quyền kiểm soát một nhóm khoáng chất đất hiếm mà ngành công nghệ toàn cầu không thể tồn tại nếu thiếu chúng.
Trung Quốc kiểm soát hơn 90% sản lượng đất hiếm toàn cầu, bao gồm 17 khoáng chất với các đặc tính dẫn điện và từ tính cần thiết cho hầu hết các thiết bị điện tử. Trung Quốc cũng chiếm 80% tổng kim ngạch nhập khẩu khoáng chất đất hiếm của Mỹ trong giai đoạn 2014-2017. Gần đây, Bắc Kinh củng cố ngành công nghiệp đất hiếm và phát đi các thông điệp với ẩn ý đe dọa hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ cũng như các đối tác thương mại của Mỹ.
Đất hiếm được chuyển lên tàu ở Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc để xuất khẩu. Ảnh: AFP. |
"Động thái trên có thể tạo ra tác động lớn trong ngắn hạn nhưng cũng sẽ gây nhiều thiệt hại ngoài dự kiến cho các đối tác thương mại khác của Trung Quốc, đặc biệt là Nhật Bản, một khách hàng mua đất hiếm quan trọng", Evans-Pritchard bình luận.
Một biện pháp trả đũa khác của Trung Quốc là công cụ tiền tệ. Hôm 5/8, lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ, giá nhân dân tệ (CNY) xuống dưới mốc 7 CNY đổi một USD, sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) thiết lập tỷ giá tham chiếu là 6,9225 nhân dân tệ (CNY) đổi một USD.
Đồng nhân dân tệ suy yếu giúp hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc trở nên rẻ hơn, giúp giảm các tác động từ các đòn thuế của Mỹ. "Tôi nghĩ công cụ tốt nhất và mạnh mẽ nhất mà họ (Trung Quốc) đang có là tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ. Điều này cho phép họ trực tiếp bù đắp rất nhiều tác động từ các đòn thuế của Mỹ", Evans-Pritchard nhận xét.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có lý do để tránh giảm giá đồng nhân dân tệ quá sâu. Mức giảm giá lớn của nhân dân tệ có thể châm ngòi cho một cuộc tháo chạy dòng vốn khỏi Trung Quốc và điều này sẽ gây tổn thương cho sự ổn định kinh tế trong nước.
"Bắc Kinh sẽ muốn tránh lặp lại một tình huống vào năm 2015 khi động thái giảm giá đồng nhân dân tệ đã kích hoạt cuộc khủng hoảng niềm tin đối với đồng tiền này", Darren Tay, nhà phân tích từ công ty Fitch Solutions, nói, đề cập đến đợt giảm giá của nhân dân tệ cách đây 4 năm, khiến Trung Quốc bị cáo buộc khơi mào "chiến tranh tiền tệ".
Một phương án nữa để trả đũa và tạo sức ép lên chính quyền Tổng thống Trump là gây khó khăn cho các công ty Mỹ hoạt động ở Trung Quốc. Một số công ty lớn của Mỹ như Apple, Tesla, Ford hay Starbucks có nguồn doanh thu nhiều tỷ USD từ thị trường Trung Quốc. Không ít công ty đang bị tác động bởi các đòn thuế và tình trạng tăng trưởng trì trệ ở Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc có thể gây khó khăn hơn cho những công ty Mỹ bằng cách hạn chế các hoạt động kinh doanh của họ hoặc gia tăng thủ tục quản lý hành chính, pháp lý.
Tuy nhiên, làm như vậy cũng tiềm ẩn nguy cơ gây tổn thương cho nền kinh tế vốn đang tăng trưởng chững lại của Trung Quốc nếu các công ty nước ngoài quyết định di dời chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc. Trên thực tế, một số công ty Mỹ đã rời khỏi Trung Quốc khi chiến tranh thương mại tăng nhiệt.
"Trung Quốc ít phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài so với trước đây nhưng nước này không muốn chứng kiến các công ty đa quốc gia đồng loạt di dời hoạt động sản xuất khỏi nước mình. Nếu bạn làm khó các công ty Mỹ đang hoạt động ở Trung Quốc thì rủi ro có thể xảy ra là bạn đang tự bắn vào chân mình", Evans-Pritchard nói.
Hồng Vân (Theo CNN)