Thế giới đi tìm vắc-xin ngừa ung thư

Ung thư được xem là “án tử” đối với nhiều người do tính chất nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao trong số người mắc bệnh. Cho đến nay, thuốc điều trị ung thư trên thế giới chỉ có thể giúp người bệnh kéo dài thời gian sống thêm vài năm, hoặc có thể sống lâu hơn nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Hàng triệu người vẫn phải đối mặt với tử thần hàng năm. Chính vì vậy, các viện nghiên cứu, giới chuyên gia y khoa trên thế giới đang ngày đêm nghiên cứu tìm cho ra vắc-xin để điều trị và ngăn ngừa ung thư tái phát.

Vắc-xin ung thư là một dạng liệu pháp miễn dịch. Không giống như vắc-xin bảo vệ khỏi các bệnh nhiễm trùng, vắc-xin  ung thư điều trị cho những người đã mắc bệnh. Chúng được thiết kế để giúp hệ thống miễn dịch của bệnh nhân nhận biết và sau đó tiêu diệt các tế bào ung thư và ngăn chúng quay trở lại.

Thế giới đi tìm vắc-xin ngừa ung thư -0
Bệnh nhân được tiêm thử nghiệm vắc-xin ung thư.

Các liều vắc-xin được chế tạo tùy chỉnh cho mỗi người, thường chỉ trong vài tuần. Để tạo ra chúng, một mẫu khối u của bệnh nhân sẽ được lấy ra trong quá trình phẫu thuật, sau đó là giải trình tự DNA và trong một số trường hợp sử dụng trí tuệ nhân tạo. Kết quả là tạo ra một loại thuốc chống ung thư được cá nhân hóa dành riêng cho khối u của bệnh nhân đó.

Vắc-xin ung thư hoạt động bằng cách gửi hướng dẫn hoặc bản thiết kế đến tế bào của bệnh nhân để tạo ra kháng nguyên hoặc protein có thể phân biệt tế bào ung thư với tế bào bình thường. Vắc-xin kích thích hệ thống miễn dịch hoạt động. Hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể có thể nhận biết và tấn công các phiên bản vô hại của bệnh. Một khi cơ thể bệnh nhân đã tạo ra những kháng thể này, nó có thể nhận biết bệnh nếu quay trở lại.

Các nhà khoa học đang nghiên cứu nhiều loại vắc-xin ung thư khác nhau và cách chúng có thể hoạt động đối với các dạng ung thư khác nhau. Hiện tại, các nhà khoa học trên thế giới cho biết cần nhiều nghiên cứu hơn để có được bức tranh đầy đủ về hiệu quả hoạt động của vắc-xin và loại ung thư nào chúng có thể điều trị. Các chuyên gia tin rằng chúng có thể có hiệu quả trong một loạt bệnh ung thư, bao gồm đại trực tràng, phổi, bàng quang, tuyến tụy và thận.

Các bác sĩ ở Anh cũng đã bắt đầu thử nghiệm vắc-xin ung thư theo công nghệ mRNA cá nhân hóa đầu tiên trên thế giới dành cho khối u ác tính. Các chuyên gia ca ngợi tiềm năng “thay đổi cuộc chơi” của loại vắc-xin này trong việc chữa khỏi bệnh ung thư da vĩnh viễn. Thử nghiệm giai đoạn 2 cho thấy vắc-xin làm giảm đáng kể nguy cơ ung thư tái phát ở bệnh nhân u ác tính.

Thế giới đi tìm vắc-xin ngừa ung thư -0
Bác sĩ Iain Foulkes của Trung tâm nghiên cứu ung thư Cancer Research UK.

Hệ thống dịch vụ y tế NHS của Anh đang tuyển mộ bệnh nhân tham gia một chương trình có tên gọi là Bệ phóng vắc-xin ung thư (CVLP) và hiện sẽ đẩy nhanh việc tuyển mộ người bệnh, với hàng nghìn bệnh nhân được cung cấp quyền truy cập vào các thử nghiệm vắc-xin ung thư mỗi năm. Bệnh nhân ung thư có thể nói chuyện với bác sĩ gia đình về việc liệu họ có đủ điều kiện tham gia thử nghiệm hay không.

Vắc-xin đã cách mạng hóa y học, bảo vệ hàng triệu người khỏi bệnh sởi, quai bị, bệnh bại liệt và vi rút Corona. Chúng cũng đã quét sạch bệnh đậu mùa, một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất trong lịch sử loài người. Giờ đây, các chuyên gia tin rằng chúng có thể trở thành một trong số các công cụ cần thiết để chống lại bệnh ung thư một cách tốt đẹp. Chúng sẽ không sớm thay thế phẫu thuật, hóa trị hoặc xạ trị nhưng có thể đóng vai trò quan trọng trong liệu pháp miễn dịch, vũ khí thứ tư chống lại ung thư.

Có rất nhiều thách thức và việc thực hiện các mũi tiêm vắc-xin cá nhân hóa cho từng bệnh nhân cần có thời gian, nhưng hy vọng rằng quá trình này có thể tăng tốc trong tương lai. Các bác sĩ và nhà khoa học đã nghiên cứu vắc-xin ung thư trong nhiều thập kỷ nhưng giờ đây họ đã đạt đến mức nhận thấy lợi ích thực sự cho bệnh nhân.

Chương trình CVLP của NHS là một bước đột phá hứa hẹn sẽ giúp hàng nghìn bệnh nhân ở Anh tiếp cận các thử nghiệm vắc-xin ung thư. Đây là chương trình đầu tiên thuộc loại này trên toàn thế giới, nhằm mục đích tuyển mộ hàng nghìn bệnh nhân ung thư, đưa họ vào các thử nghiệm đột phá về vắc-xin ung thư cá nhân hóa trong một chương trình mang tính cách mạng đầu tiên trên thế giới để cứu sống các bệnh nhân ung thư. Các mũi tiêm “thay đổi cuộc chơi” nhằm mục đích cung cấp phương pháp chữa trị vĩnh viễn, được chế tạo riêng cho từng bệnh nhân chỉ trong vài tuần. Chúng được điều chỉnh phù hợp với khối u của từng cá nhân và hoạt động bằng cách ra lệnh cho cơ thể họ săn lùng và tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào và ngăn ngừa bệnh quay trở lại.

Theo chương trình mới, những bệnh nhân đáp ứng các tiêu chí đủ điều kiện và đồng ý xét nghiệm máu cũng như mẫu mô ung thư được phân tích sẽ được tiếp cận ngay với các thử nghiệm lâm sàng đối với loại vắc-xin mới mà các chuyên gia cho rằng đại diện cho một bình minh mới của phương pháp điều trị ung thư.

Bệnh nhân đầu tiên của NHS tham gia chương trình CVLP là Elliot Pfebve, một giảng viên 55 tuổi không có triệu chứng và được chẩn đoán mắc bệnh ung thư đại trực tràng sau khi khám sức khỏe định kỳ. Đầu tiên, ông Pfebve phải phẫu thuật cắt bỏ khối u, sau đó là hóa trị. Vắc-xin cá nhân hóa của ông được tạo ra bằng cách phân tích khối u để xác định các đột biến đặc trưng cho bệnh ung thư của chính ông. Sau đó, ông nhận được mũi tiêm vắc-xin thông qua việc tiêm truyền tại quỹ tín thác NHS của Bệnh viện Đại học Birmingham, một trong số các địa điểm tham gia thử nghiệm vắc-xin ngừa ung thư đại trực tràng BioNTech, được thiết kế với công nghệ mRNA.

Thế giới đi tìm vắc-xin ngừa ung thư -0
Người đứng đầu NHS, bà Amanda Pritchard.

Amanda Pritchard, người đứng đầu NHS England, ca ngợi sự phát triển này là “thời điểm mang tính bước ngoặt” đối với bệnh nhân. Nghiên cứu vắc-xin ung thư đang ở giai đoạn đầu, nhưng các thử nghiệm đã cho thấy chúng có thể có hiệu quả trong việc tiêu diệt mọi tế bào khối u còn sót lại sau phẫu thuật và giảm đáng kể nguy cơ ung thư quay trở lại.

NHS đã ghi danh hàng chục bệnh nhân vào chương trình CVLP cùng với hàng nghìn bệnh nhân khác sẽ được ghi danh tại 30 địa điểm NHS trên khắp nước Anh. Các quan chức cho biết, các thử nghiệm đầu tiên dự kiến sẽ tập trung vào ung thư đại trực tràng, da, phổi, bàng quang, tuyến tụy và thận, nhưng các dạng bệnh khác cũng có thể được bổ sung trong tương lai.

Bà Pritchard cho biết: “Khi nhiều thử nghiệm loại này được triển khai và thực hiện tại các bệnh viện trên cả nước Anh, dịch vụ giới thiệu quốc gia của chúng tôi sẽ đảm bảo ngày càng nhiều bệnh nhân đủ điều kiện có cơ hội tiếp cận chúng”.

Thông tin chi tiết về kế hoạch này đã được tiết lộ vào đêm trước hội nghị ung thư lớn nhất thế giới, cuộc họp thường niên của Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO) tại Chicago, quy tụ hàng chục nghìn bác sĩ ung thư, nhà nghiên cứu sức khỏe và nhà khoa học trên khắp thế giới vào đầu tháng 6/2024. Tại hội nghị đó, Công ty công nghệ sinh học BioNTech của Đức, một trong những công ty hợp tác với NHS trong các thử nghiệm, đã trình bày dữ liệu sơ bộ mới tại hội nghị ASCO về cách đo DNA khối u lưu hành có thể giúp tăng cường phát hiện sớm ung thư đại trực tràng.

Bác sĩ Iain Foulkes, Giám đốc điều hành nghiên cứu và đổi mới tại Trung tâm nghiên cứu Cancer Research UK, cho biết thật “cực kỳ thú vị” khi bệnh nhân được tiếp cận các mũi tiêm được cá nhân hóa trong một sự phát triển mang tính chất “thay đổi cuộc chơi” trong cuộc chiến chống bệnh ung thư. Ông nói: “Những thử nghiệm lâm sàng như thế này rất quan trọng trong việc giúp nhiều người sống lâu hơn, cuộc sống tốt hơn, thoát khỏi nỗi sợ hãi về bệnh ung thư”.

Bệnh nhân Pfebve cho biết: “Thông qua tiềm năng của thử nghiệm này, nếu thành công, nó có thể giúp ích cho hàng nghìn, nếu không muốn nói là hàng triệu người, để họ có thể có hy vọng. Tôi hy vọng điều này sẽ giúp ích được cho người khác”. Bệnh nhân Pfebve nói thêm: “Tham gia thử nghiệm này là một quyết định thực sự quan trọng trong cuộc đời tôi, đối với cả tôi và gia đình tôi. Thật tuyệt vời khi có thể tham gia vào một hoạt động có thể dẫn đến một phương pháp điều trị ung thư mới”.

Thế giới đi tìm vắc-xin ngừa ung thư -0
Vắc-xin ngừa ung thư được sản xuất theo công nghệ tương tự như các loại vắc-xin ngừa Covid-19.

Tiến sĩ Victoria Kunene, điều tra viên chính của cuộc thử nghiệm, cho biết còn quá sớm để nói liệu bệnh nhân Pfebve có được chữa khỏi hoàn toàn hay không, nhưng cho biết tình hình là “cực kỳ hy vọng”. “Dựa trên dữ liệu hạn chế mà chúng tôi hiện có về phản ứng trong cơ thể với vắc-xin, điều này có thể chứng tỏ là một sự phát triển tích cực và đáng kể đối với bệnh nhân, nhưng vẫn cần thêm dữ liệu và chúng tôi tiếp tục tuyển mộ những bệnh nhân phù hợp vào thử nghiệm để xác định thêm điều này.”

Bà Pritchard cho biết thêm: “Chứng kiến bệnh nhân Elliot nhận được phương pháp điều trị đầu tiên như một phần của chương trình CVLP là một thời điểm mang tính bước ngoặt đối với bệnh nhân và dịch vụ y tế khi chúng tôi tìm cách phát triển những cách tốt hơn và hiệu quả hơn để ngăn chặn căn bệnh này”.

Giáo sư Peter Johnson, Giám đốc lâm sàng quốc gia về ung thư của NHS England, cho biết: “Chúng tôi biết rằng ngay cả sau khi phẫu thuật thành công, ung thư đôi khi có thể quay trở lại do một số tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể, nhưng việc sử dụng vắc-xin để nhắm vào những tế bào còn lại đó có thể là triển vọng hứa hẹn rất lớn”.

Các quan chức NHS cho biết vắc-xin đang được thử nghiệm trong các thử nghiệm nhằm giúp đỡ các bệnh nhân mắc các dạng ung thư khác nhau và nếu được phát triển, nghiên cứu và phê duyệt thành công, chúng có thể trở thành một phần của dịch vụ chăm sóc tiêu chuẩn.

https://antg.cand.com.vn/Khoa-hoc-Ky-thuat-hinh-su/the-gioi-di-tim-vac-xin-ngua-ung-thu-i735608/

Nguyên Khang / cand.com.vn