"Thày đi rồi, chiếc cầu thang gỗ lên chỗ thày thường ngồi uống trà, bây giờ lặng im. Không còn nghe tiếng đàn và tiếng bước chân của một người tôi vô cùng ngưỡng mộ", nhạc sĩ Trần Tiến viết.
Nhạc sĩ Hoàng Vân.
Tin nhạc sĩ Hoàng Vân qua đời đã khiến nhiều thế hệ học trò của ông vô cùng đau xót và tiếc nuối. Một trong số những người học trò đó có nhạc sĩ Trần Tiến. Hay tin người thầy yêu quý qua đời, tác giả "Vết chân tròn trên cát" đã có những chia sẻ đầy xúc động. Báo Lao Động xin trích đăng bài viết của nhạc sĩ Trần Tiến như một nén hương tưởng nhớ người thầy của mình.
"Phố Hàng Thùng như bao con phố Thăng Long xưa, có một ông già đi đứng không còn nhanh nhẹn nữa, nhưng khuôn mặt kiêu sa như bao nhân sĩ Bắc Hà xưa. Kiêu sa Hà Nội gốc.
Có nhiều nhạc sĩ tôi ngưỡng mộ, gặp mặt tôi thường gọi là thày. Dẫu chưa dạy tôi một chữ, một nốt nhạc. Nhưng mãi mãi với tôi là bậc thày: Đàm Linh, Đỗ Nhuận, Hoàng Vân, Phạm Duy… và nhiều bậc thày nữa.
Rồi sẽ đến ngày thày phải về thế giới người hiền, biết vậy mà vẫn khóc.
Lúc nào, tôi cũng nhớ mắt thày điềm đạm, kiệm lời. Hôm đến đưa thày xem bài hát mới sáng tác. Thày đưa bàn tay về hư không. Tôi không hiểu. Có người bạn đi cùng nhắc: Cây viết. Tôi luống cuống tìm. Làm sao có cây viết đặt vào bàn tay người đang ở hư không đây. May quá, thày bảo: Thôi không cần, cũng chẳng cần sửa gì nữa. Cậu có chất nhạc thanh niên, viết tiếp đi. Hết.
Thế thôi, một ngày nữa, đang phóng xe đến nhạc viện. Gặp thày giữa đường.
“Thày ạ", “Tiến đấy à, sao không viết ca khúc nữa em”, “Dạ, em đang bận viết giao hưởng”, “Chưa làm lính thì sao vội làm quan”, thày nhẹ nhàng mắng.
Lại một ngày nữa, bao năm sau..
“Thày ạ”. “Tiến đấy à, viết Dodecaphonic đi (nhạc 12 âm), sao cứ viết ca khúc hoài.
Lại muốn khóc. Đó là những bậc thày vĩ đại. Chỉ một hòn sỏi thày búng vào, đánh thức sự mê muội của đám trẻ chúng tôi. Thế thôi, đủ làm thày.
Ngày xưa, Thích ca mầu ni chỉ giơ cành huệ mà đại đệ tử Ca Diếp hiểu và cười. Thiền tông từ đó được truyền vào Trung Hoa và nước ta.
Em sẽ về quê hương năm nay để làm giỗ bố. Dự định đến thăm thày đang bệnh. Thày đột ngột đi, nhớ thày quá.
Thày kiêu giống bố em, chỉ thiếu chiếc ba-toong và bộ comples trắng. Có những người kiêu rất đẹp, đó là những người Hà Nội xưa học hành và làm việc rất hiệu quả, hơn người khác nhiều lần. Nhưng quan trọng, ngoài chuyện đó, cách sống của họ sang trọng từ trong dòng giống tử tế.
Ngày gặp thày, em không thích tính kiêu của thày, vì em là một kẻ mê muội Pavel Corsaghin đại diện cho lý tưởng thanh niên cần lao Xô Viết. Một ngày em hiểu ra. Âm nhạc đích thực không dành cho người sang hèn, không dành cho giai cấp, tôn giáo… Chỉ dành cho những trái tim. Chỉ đơn thuần là trái tim, còn cái gì ngoài đó, là việc của nghề khác. Nhạc thày sang trọng như con người thày. Việc kiêu sa của thày lại là đạo đức của thời hiện đại. Con người không còn biết tự kiêu thì hoặc là không có gì để kiêu, hoặc là giả vờ “ quần chúng hóa” vì một mưu đồ gì đó.
Thầy đi rồi, mang sự kiêu sa bay theo làn mây trắng. Nhưng những bản nhạc dù viết cho giới cần lao, cho giai cấp, nhưng không bao giờ mất đi nét thông minh và sang trọng. Em và Nguyễn Cường vẫn đi bộ đều quanh Hồ Gươm sáng sớm, sẽ không được nhìn thấy thày nữa. Thày đi nhé. Thày Hoàng Vân, người mà chúng em vô cùng ngưỡng mộ về tài năng và nét kiêu sa Hà thành".
Nhạc sĩ Hoàng Vân, tác giả "Hò kéo pháo", qua đời
Nhạc sĩ Hoàng Vân, tác giả nhiều ca khúc nổi tiếng, trong đó có Hò kéo pháo, vừa qua đời vào hồi 4 giờ 30 ... |