- Ông Trump muốn EU mua nhiều dầu khí hơn, nếu không sẽ áp thuế
- Ông Donald Trump sẽ làm 'hiệp sĩ áo trắng' giải cứu TikTok?
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã kéo dài từ năm 2014 và trở thành một trong những khủng hoảng lớn nhất thế kỷ XXI, gây ra tổn thất nặng nề về nhân đạo và kinh tế. Trong bối cảnh này, ông Donald Trump, cựu Tổng thống Mỹ, đã đưa ra một kế hoạch hòa bình mà ông cho là sẽ mang lại kết thúc cho cuộc xung đột, tuy nhiên, câu hỏi lớn vẫn là liệu kế hoạch này có khả thi trong thực tế?
Một kế hoạch hòa bình đầy tham vọng
Kế hoạch của ông Donald Trump bao gồm một loạt các yếu tố chính, từ việc khôi phục đối thoại trực tiếp giữa Nga và Ukraine, cho đến việc sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế có điều kiện để đẩy mạnh đàm phán, tạo ra một khu vực phi quân sự (DMZ), và nhấn mạnh vào công tác tái thiết kinh tế sau chiến tranh. Một trong những điểm nổi bật trong kế hoạch là ý tưởng khôi phục đàm phán trực tiếp giữa hai bên.
Ông Donald Trump tin rằng, giống như cách ông đã làm với Hiệp định Abraham tại Trung Đông, sự trung gian của Mỹ có thể phá vỡ thế bế tắc. Tuy nhiên, sự mất lòng tin sâu sắc giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky gây ra trở ngại lớn, khiến mọi nỗ lực hòa giải trở nên hết sức khó khăn. Để đạt được tiến triển, cần có các biện pháp xây dựng lòng tin như ngừng bắn tạm thời, trao đổi tù nhân và hỗ trợ nhân đạo. Mặc dù vậy, sự ngờ vực sâu sắc giữa hai bên khiến kết quả đàm phán vẫn là dấu hỏi lớn.
Một phần quan trọng khác trong kế hoạch của ông Donald Trump là sử dụng trừng phạt kinh tế như một công cụ mặc cả để gây sức ép lên Nga. Ông đề xuất rằng nếu Nga thực hiện các bước đi như rút quân khỏi các khu vực tranh chấp và tuân thủ các thỏa thuận ngừng bắn, thì một số biện pháp trừng phạt có thể được nới lỏng. Tuy nhiên, nếu Nga tiếp tục vi phạm, các biện pháp trừng phạt sẽ được thắt chặt hơn nữa. Đây là một phần quan trọng của chiến lược, vì trong thực tế, các biện pháp trừng phạt đã gây tổn thất lớn cho nền kinh tế Nga, đặc biệt là với việc giảm 2,2% GDP vào năm 2022.
Tổng thống đắc cử Mỹ cũng đưa ra ý tưởng thiết lập DMZ tại các khu vực tranh chấp như Donbass, miền Đông Ukraine, lấy mô hình từ DMZ ở Triều Tiên. Ông lấy cảm hứng từ mô hình DMZ tại Triều Tiên, nơi việc tạo ra một vùng đệm giúp giảm nguy cơ leo thang xung đột. Tuy nhiên, việc áp dụng mô hình này tại Ukraine sẽ gặp phải không ít khó khăn. Một vấn đề lớn là Ukraine kiên quyết khẳng định chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, và bất kỳ sự nhượng bộ nào về vấn đề này có thể bị coi là một thất bại trong chiến tranh. Hơn nữa, để duy trì DMZ, cần có lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế, điều mà Nga sẽ luôn phản đối nếu có sự tham gia của các quốc gia NATO. Vậy, liệu có thể tạo ra một khu vực phi quân sự mà không làm mất đi quyền chủ quyền của Ukraine và sự đồng thuận của tất cả các bên liên quan?
Cuối cùng, Tổng thống đắc cử Donald Trump so sánh với Kế hoạch Marshall sau Thế chiến II. Theo ông, các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cần đóng vai trò trung tâm trong việc cung cấp hỗ trợ tài chính và tái thiết cơ sở hạ tầng của Ukraine. Tuy nhiên, vấn đề này đụng phải một thách thức lớn: Việc tái thiết không chỉ đòi hỏi nguồn lực tài chính khổng lồ mà còn yêu cầu tính minh bạch và trách nhiệm giải trình cao. Các tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ sẽ cần đảm bảo rằng các khoản viện trợ không bị tham nhũng hay lãng phí, đồng thời phải đảm bảo rằng sự ổn định kinh tế của Ukraine không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài như sự thay đổi trong chính sách của các quốc gia phương Tây.
Các thách thức không thể xem nhẹ
Kế hoạch của ông Trump dù tham vọng nhưng phải đối mặt với hàng loạt thách thức. Một trong những trở ngại lớn nhất chính là sự ngờ vực sâu sắc giữa hai bên, Nga và Ukraine. Cuộc xung đột kéo dài nhiều năm đã tạo ra những vết thương khó lành giữa hai quốc gia, đặc biệt là về vấn đề lãnh thổ. Crimea, được Nga sáp nhập từ năm 2014, là một vấn đề vô cùng nhạy cảm mà Ukraine không thể chấp nhận nhượng bộ. Việc bảo vệ chủ quyền đối với vùng đất này luôn là yêu cầu không thể thương lượng của chính phủ Kiev, trong khi Nga lại coi việc kiểm soát Crimea là vấn đề sinh tử, không thể từ bỏ.
Cùng với đó là khu vực Donbas, nơi cuộc chiến không có dấu hiệu kết thúc. Những vấn đề lãnh thổ này, vốn đã kéo dài nhiều năm, khiến mọi giải pháp hòa bình dường như rất xa vời, khi các bên đều không sẵn sàng thỏa hiệp. Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị toàn cầu càng khiến mọi nỗ lực hòa giải trở nên phức tạp hơn.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine không chỉ là một cuộc chiến giữa hai quốc gia, mà còn là cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây. Các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ và các thành viên NATO, không chỉ ủng hộ Ukraine về mặt tài chính và quân sự mà còn coi đây là cơ hội để kiềm chế ảnh hưởng của Nga ở khu vực Đông Âu. Trong khi đó, Nga lại xem sự hiện diện của phương Tây trong cuộc chiến là một mối đe dọa đối với sự tồn tại và ảnh hưởng của mình. Điều này tạo ra một thế bế tắc nghiêm trọng, khiến việc làm trung gian hòa giải trở nên vô cùng khó khăn. Những yêu cầu của Nga, như việc không cho phép NATO tham gia vào các thỏa thuận hòa bình, sẽ là một rào cản lớn đối với Mỹ và các quốc gia phương Tây, đồng thời tạo ra một khoảng cách ngày càng rộng giữa các bên tham gia cuộc xung đột.
Khủng hoảng nhân đạo là một vấn đề không thể bỏ qua trong mọi kế hoạch hòa bình. Hơn 8 triệu người Ukraine phải di dời khỏi nhà cửa, trong khi hàng triệu người khác đang sống trong điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn lương thực, nước sạch và các dịch vụ y tế. Các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự khiến cho tình hình càng thêm nghiêm trọng, tạo ra một áp lực cực kỳ lớn đối với các nỗ lực hòa giải và tái thiết trong tương lai.
Bất kỳ giải pháp hòa bình nào cũng phải giải quyết được vấn đề này, bằng các biện pháp xây dựng lòng tin như hành lang nhân đạo, trao đổi tù nhân hay các thỏa thuận ngừng bắn tạm thời. Tuy nhiên, việc thực hiện những thỏa thuận này sẽ rất khó khăn vì các bên liên quan không phải lúc nào cũng tuân thủ các cam kết, đặc biệt khi các lực lượng vũ trang cả của Ukraine lẫn Nga đều có những nhóm cứng rắn không tuân theo lệnh từ chính phủ. Điều này sẽ làm tăng thêm sự bất ổn và khiến quá trình đàm phán trở nên phức tạp hơn rất nhiều.
Thêm vào đó, việc tái thiết kinh tế Ukraine cũng là một vấn đề vô cùng nan giải. Dù ông Trump đã đưa ra ý tưởng về việc hỗ trợ tài chính từ các tổ chức quốc tế như WB và IMF, nhưng việc thực hiện sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Trước tiên, một trong những thách thức lớn nhất là việc đảm bảo tính minh bạch trong quá trình sử dụng nguồn lực tài chính. Ukraine đã từng đối mặt với vấn đề tham nhũng nghiêm trọng trong quá khứ, và các quốc gia tài trợ sẽ không thể không lo ngại về việc các khoản viện trợ có thể bị sử dụng sai mục đích.
Các yêu cầu khắt khe về minh bạch và trách nhiệm giải trình từ phía Ukraine sẽ là một yếu tố không thể thiếu trong quá trình tái thiết, và điều này sẽ đụng phải sự phản kháng mạnh mẽ từ các lực lượng chính trị trong nước. Hơn nữa, dù các khoản viện trợ quốc tế có thể giúp đỡ về tài chính, nhưng việc xây dựng lại cơ sở hạ tầng, đặc biệt là ở những khu vực bị tàn phá nặng nề, sẽ đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức.
Chấm dứt chiến tranh không chỉ là trách nhiệm chính trị mà còn là nhân đạo. Mong rằng, những bước đi cụ thể sẽ sớm đưa hòa bình trở lại, mang lại cơ hội phục hồi cho Ukraine.