- Cuộc gặp giữa ông Biden và ông Zelensky ở Nhà Trắng
- Cảnh sát Mỹ siết an ninh trước chuyến thăm của ông Zelensky
Ngày 21/12, Tổng thống Zelensky đã có cuộc hội kiến Tổng thống Biden và phát biểu trước Quốc hội Mỹ. Chỉ vài ngày nữa là sẽ khép lại năm 2022 nhiều xáo động, cuộc chiến giữa Ukraine và Nga bắt đầu từ tháng 2 lại một lần nữa nổi sóng với chuyến thăm này và cả những tuyên bố từ phía Nga và Mỹ.
Chuyến đi bão táp
Kể từ khi cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra, đây là lần đầu tiên Tổng thống Volodymyr Zelensky xuất ngoại và ông đã dành chuyến công du đầu tiên đến Mỹ, điểm tựa quân sự chính của Ukraine. Mới hôm trước, Tổng thống Zelensky còn đi thị sát Bakhmut, miền Đông Ukraine, một trong những mặt trận “nóng” nhất hiện nay. Khó có thể tin rằng, chưa đầy 24 giờ sau, cũng ông Zelensky hội kiến ông Biden tại phòng Bầu Dục và họp báo chung với Tổng thống Mỹ. Tại Nhà Trắng, ông Zelensky tặng Tổng thống Mỹ lá cờ Ukraine mang về từ miền khói lửa Bakhmut. Theo giới quan sát, cử chỉ này nhằm chứng tỏ Kiev rất biết ơn nước Mỹ ngay từ đầu cuộc chiến đã giúp đỡ Ukraine về nhiều mặt từ tài chính đến ngoại giao và nhất là quân sự.
Câu hỏi đặt ra là tại sao Tổng thống Ukraine lại gấp rút đến Washington?
Không phải tình cờ mà các bên đã chọn thời điểm này. Tổng thống Ukraine tiếp xúc với các nghị sĩ vào lúc Quốc hội Mỹ thảo luận về chương trình tài trợ thêm 45 tỷ USD cho Ukraine. Trong khóa tới, các nghị sĩ Mỹ vừa được bầu lên đã báo trước không có chuyện “nhắm mắt” viện trợ cho Ukraine. Do vậy ông Zelensky đến đây là để trực tiếp thuyết phục số nghị sĩ này hãy tiếp tục giúp đỡ Kiev. Một lý do khác khiến ông Zelensky phải đến Mỹ vào lúc này là vì tại Moscow, Tổng thống Vladimir Putin họp qua cầu truyền hình với các tướng lĩnh Nga để bàn về “giai đoạn 2023 cho chiến tranh Ukraine”. Do đó, Kiev phải gấp rút tìm thêm nguồn lực chiến tranh.
Ngoại trưởng Antony Blinken thông báo Washington cấp thêm 1,85 tỷ đôla viện trợ quân sự cho Ukraine, trong đó bao gồm hệ thống tên lửa phòng khôngPatriot. Đối với Kiev, hệ thống tên lửa Patriot là “phương tiện duy nhất” để đối đầu với Nga. Phát biểu tại Washington, Tổng thống Zelensky cũng mong mỏi cộng đồng quốc tế tiếp tục gia tăng sức ép về mặt pháp lý và sử dụng các biện pháp trừng phạt Moscow.
Sau cuộc hội đàm với Tổng thống Biden tại Nhà Trắng, ông Zelensky đã phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội để thuyết phục cơ quan lập pháp Mỹ tiếp tục viện trợ cho Ukraine. Trước các nghị sĩ của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, nguyên thủ quốc gia Ukraine phát biểu bằng tiếng Anh vì ông muốn trực tiếp gửi đến tất cả người dân Mỹ bản thông điệp. Ông Zelensky cần được lưỡng viện Quốc hội bảo đảm là Mỹ sẽ tiếp tục yểm trợ Ukraine. Tổng thống Ukraine cần được trấn an vào lúc mà một số nghị sĩ bên đảng Cộng hòa bắt đầu tỏ ra dè dặt.
Đối trọng
Ngày 22-12, Điện Kremlin cho rằng chuyến thăm của Tổng thống Ukraine tới Mỹ không thể hiện bất kỳ “sự sẵn sàng lắng nghe nào” và rằng Washington đang tiến hành “một cuộc chiến tranh gián tiếp trên thực tế” ở Ukraine chống lại Moscow.
“Cho đến nay, chúng tôi lấy làm tiếc khi nhận thấy rằng cả Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Zelensky đều chưa nói bất cứ điều gì có thể được coi là sẵn sàng lắng nghe những lo ngại của Nga”, phát ngôn viên của Tổng thống Nga Dmitry Peskov nói với các phóng viên. Ông Peskov, đã nhắc lại luận điểm quen thuộc, với tuyên bố ngắn gọn: “Tất cả những việc này càng góp phần thổi bùng lên xung đột và không báo hiệu điều gì tốt lành cho Ukraine”.
Diễn đạt “tất cả những việc này” có thể hiểu là việc Mỹ quyết định cấp một đợt vũ khí mới cho Ukraine, theo đề nghị của Tổng thống Ukraine. Gói viện trợ vũ khí mới này không gây ngạc nhiên cho Moscow, vốn đã coi như đã đối đầu với toàn bộ phương Tây. Tuy nhiên, truyền thông Nga đặc biệt chú ý đến khoản trợ giúp quân sự 2 tỉ USD. Các nhà bình luận gần gũi với Điện Kremlin dường như lo ngại hơn cả về các hệ thống phòng không Patriot rất tối tân.
Theo AFP, tên lửa Patriot là một loại vũ khí “tối tân hàng đầu trong số các công nghệ của Mỹ” sử dụng trong lĩnh vực quân sự. Tên lửa Patriot có khả năng chặn và bắn hạ “những loại tên lửa tối tân nhất của Nga” nhắm vào các cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine. Kèm theo đó là nguy cơ Mỹ bị lôi kéo vào vòng xoáy chiến tranh. Một số nhà quan sát cho rằng, đó là lý do vì sao từ nhiều tháng qua, Washington đã rất thận trọng trước yêu cầu của phía Kiev. Một quan chức cao cấp Mỹ được Reuters trích dẫn nhấn mạnh: Dù Mỹ trao hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine thì đó phải là một công cụ chỉ để giúp Ukraine tự vệ, kháng cự trước các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga. Có một điều chắc chắn là, ngay cả khi Mỹ giao loại vũ khí tối tân này cho Ukraine thì cũng phải cần ít nhất 3 tháng để đào tạo cho các quân nhân Ukraine sửdụng. Công tác đào tạo đó có thể sẽ do một quốc gia thứ ba đảm nhiệm. Reuters nêu lên khả năng đó sẽ là Đức.
Như để đáp lại gói viện trợ này, Điện Kremlin đã thông báo trang bị thêm các tên lửa siêu thanh mới cho Hải quân Nga trong một cuộc họp với các giới chức quân sự cao cấp Nga. Và để đáp lại chuyến đi bất ngờ của Tổng thống Ukraine, cựu Tổng thống Nga Dmitri Medvedev đến Bắc Kinh gặp lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, một chuyến công du nhằm thể hiện sự đoàn kết mật thiết Nga - Trung.
Nước Nga “không còn lựa chọn nào khác”
Trong cuộc họp mở rộng của bộ Quốc Phòng Nga ngày 21/12, Tổng thống Putin hứa “không có bất kỳ giới hạn nào về tài chính. Đất nước và chính phủ cung cấp tất cả những gì quân đội yêu cầu”. Nguyên thủ Nga nhất trí với đề xuất của Bộ trưởng Quốc phòng Serguei Choigu nâng giới hạn tuổi đi nghĩa vụ quân sự và tăng quân số của quân đội Nga lên thành 1,5 triệu người ngay từ ngày 1/1/2023, thay vì 1,15 triệu người theo một sắc lệnh được tổng thống ký vào tháng 8/2022.
Theo AFP, từ tháng 1/2023, tên lửa hành trình siêu thanh Zircon, được Tổng thống Nga khẳng định là “không có đối thủ trên thế giới”, sẽ được đưa vào để tăng cường khả năng răn đe hạt nhân.
Ông Putin cũng nhấn mạnh đến vai trò của máy bay không người lái trong cuộc xung đột với Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Choigu thì cho biết nhiều căn cứ hải quân hỗ trợ cho hạm đội đã được triển khai ở hai thành phố Mariupol và Berdiansk chiếm từ Ukraine. Đây là một trong những ưu tiên để tiếp tục chiến dịch đặc biệt (ở Ukraine) cho đến khi mọi nhiệm vụ được hoàn tất. Tổng thống Putin cho biết không hối hận vì đã phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vì Nga không còn lựa chọn nào khác ngoài đương đầu với các thế lực phương Tây “kiêu ngạo”. Ông tuyên bố vẫn coi người Ukraine là dân tộc “anh em”. “Chuyện đang diễn ra là một thảm kịch, thảm kịch chung của chúng ta, nhưng đó không phải là kết quả của chính sách của chúng ta”. Ông đổ lỗi cho “các nước thứ ba, luôn muốn sự tan rã của nước Nga”.
Tổng thống Putin cho rằng những đòi hỏi của ông, bao gồm cả việc triệt thoái quân của NATO ở Đông Âu và cấm Ukraine gia nhập NATO chưa bao giờ được đáp ứng. Về điểm này, Thierry de Montbrial, Chủ tịch và nhà sáng lập World Policy Conference, Chủ tịch Viện Quan hệ Quốc tế Pháp IFRI, lý giải: “Đối với Nga, vấn đề NATO là một lằn ranh đỏ, nhất là tại Ukraine. Vấn đề ở đây chính là cuộc họp thượng đỉnh nổi tiếng năm 2008 tại Bucarest. Tại cuộc họp này, Mỹ và các nước Bắc Âu đã ra sức hối thúc để khối này quyết định cho Ukraine gia nhập NATO tức thì. Chính Pháp và Đức, cụ thể là Tổng thống Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Angela Merkel thời đó, đã tìm cách ngăn cản điều này, bởi vì họ hiểu hậu quả có thể có, nhưng không mấy gì thành công. Tuyên bố chung cuối cùng đã công nhận tính chính đáng việc Ukraine gia nhập NATO năm 2008 và điều đó đã khiến Nga tức giận. Nhất là còn có vấn đề vũ khí hạt nhân nữa. Trở thành thành viên của NATO, điều đó có nghĩa là vũ khí hạt nhân một ngày nào đó có thể được bên bảo hộ sử dụng để bảo vệ Ukraine. Cần phải đặt sự việc trong viễn cảnh này”.
Nếu như vai trò của Mỹ và các nước đồng minh, cụ thể là NATO, trong cuộc chiến này được thể hiện rõ qua việc hậu thuẫn Kiev, thì theo quan sát của ông Jean-Pierre Cabestan, nhà Trung Quốc học thuộc Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS), hiện giảng dạy tại Trường Đại học Baptist Hong Kong, trong cuộc đối đầu này với NATO, mối quan hệ đối tác chiến lược chặt chẽ giữa Nga và Trung Quốc đã được hình thành và củng cố. “Tôi cho rằng Trung Quốc đang có một mối quan hệ cực kỳ chặt chẽ với Nga. Đó là một mối quan hệ đối tác chiến lược mà theo ý tôi gần như là một liên minh. Mối quan hệ này kéo dài được bao lâu thì tôi không rõ, nhưng chắc chắn đây chính là điều khiến Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn khi bỏ qua những bất đồng”.
Hòa bình xa vời
Khả năng một cuộc đàm phán hòa bình hay một lệnh ngừng bắn hầu như vô vọng khi Ukraine kiên quyết thực hiện những mục tiêu đi đến cùng mà giới quan sát đánh giá là quá tham vọng. Theo đó, Kiev muốn đẩy lui quân Nga ra khỏi đường biên giới có từ năm 1991, nghĩa là thu hồi toàn bộ các vùng bị chiếm đóng, kể cả bán đảo Crimea và toàn vùng Donbass. Trong khi phía Nga cũng không có ý định lui quân. Theo quan điểm của nhà nghiên cứu Thierry de Montbrial, chìa khóa cho hòa bình giờ trong tay Mỹ: “Trên thực tế, quốc gia duy nhất có thể tác động mạnh mẽ lên Ukraine chính là Mỹ. Tôi không nói là chỉ điều đó thôi là đủ, nhưng đúng là Ukraine đã tỏ cho thấy một sự phòng thủ tuyệt vời và ngoài mong đợi.
Điều chắc chắn là nếu Mỹ quyết định ngưng cung cấp một số loại vũ khí và nói với châu Âu là hãy ngưng cung cấp thứ này thứ kia, Ukraine sẽ rơi vào trong tình huống là họ buộc phải từ bỏ các ý định đầy tham vọng”.
Nếu như cuộc chiến này làm lộ rõ một mối quan hệ đối tác chiến lược chặt chẽ giữa Nga và Trung Quốc, thì theo ông Thierry de Montbrial, câu hỏi cần đặt ra ở đây là Mỹ cũng đang tính gì khi tiếp tục hỗ trợ khí tài cho Ukraine: “Trên thực tế, Mỹ dường như đã đổi ý, điều đó có nghĩa là hiện tại Mỹ tiếp tục hậu thuẫn Ukraine, rất có thể là để làm suy yếu hơn nữa nước Nga. Tôi nghĩ rằng còn có một ý muốn biến sự độc lập của châu Âu đối với năng lượng Nga là không thể đảo chiều và họ cũng muốn củng cố hơn nữa thế thống trị của Mỹ trong lòng khối NATO về châu Âu, với một mục tiêu sau cùng là NATO rồi sẽ trở thành một liên minh chống các nước, bắt đầu từ Trung Quốc. Tôi tin rằng có hẳn một tầm nhìn chiến lược đang được thiết lập từ phía Mỹ”.
https://antg.cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-antg/thay-gi-tu-chuyen-tham-my-cua-ong-zelensky--i678686/