“Chuyện nhà giáo tham gia buôn bán trên mạng, dạo này rộ lên khá nhiều. Chúng tôi cũng có theo dõi, nắm bắt, nhưng không thể can thiệp được. Vì đó là hành vi pháp luật không cấm, và việc giáo viên buôn bán, cũng giúp họ năng động hơn, và có thêm thu nhập trong điều kiện mức lương có hạn mà nhu cầu chi tiêu lớn...” - một cán bộ Sở GDĐT Hà Tĩnh chia sẻ.
Thêm vào đồng lương ít ỏi
Ngọc Thanh - giáo viên THPT tại Hà Tĩnh “khoe”: Giáo viên bây giờ rất năng động, biết vận dụng “công nghệ 4.0” để kinh doanh buôn bán xôm tụ lắm; nhiều người đã trở thành “nhà giáo kiêm... doanh nhân”.
Theo chỉ dẫn của Ngọc Thanh, chúng tôi vào các địa chỉ FB của một số giáo viên (GV) nữ công tác tại Hà Tĩnh, thì thấy rao bán rất nhiều mặt hàng, từ mỹ phẩm, giò chả, quần áo, rượu cần, đồ gia dụng, thực phẩm chức năng, sản phẩm chăm sóc sức khỏe…
Các mặt hàng đăng kèm theo ảnh, quảng bá tính năng, một số kèm giá cả, số điện thoại, ai có nhu cầu gọi đặt hàng sẽ được ship (giao hàng) tận nơi. Thanh Mai - giáo viên môn địa lý THPT ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) - cho biết: “Cách đây mấy năm, thấy mấy chị em trong trường mở “gian hàng online” trên FB buôn bán lặt vặt, có thu nhập, em cũng tham gia. Vì mình không dạy thêm, chỉ đi trường 1 buổi, có thời gian rảnh rỗi, nên tìm việc kiếm thêm”.
Thanh Mai chủ yếu bán hàng quần áo, lấy từ đại lý ở các thành phố lớn, nếu tháng nào bán chạy cũng kiếm được 1 đến vài triệu đồng, hỗ trợ thêm vào đồng lương ít ỏi. Từ khi thêm việc bán hàng, cô bận rộn suốt ngày, lo tìm mối hàng, giao hàng cho khách.
Một số khách sau khi nhận hàng thấy không ưng ý, đòi đổi trả, “bà chủ” lại càng thêm tất bật. “Việc nhiều khi nó rối rắm, chả đâu vào đâu, em muốn bỏ quách. Nhưng muốn kiếm thêm ít thu nhập nên phải cố”- cô Thanh Mai nói.
Không chỉ các GV còn khó khăn, một số GV có chồng làm doanh nghiệp, thu nhập khá cũng tham gia bán hàng trên FB. Cô NTK - GV lịch sử THCS - có chồng làm nghề xây dựng, thu nhập cao nhưng cũng tìm việc làm thêm. Chồng làm ở Hà Nội, có bà con ở Tây Bắc, cô NTK lấy hàng đặc sản Tây Bắc như rượu cần, táo mèo, măng khô, mộc nhĩ, các thảo dược…về bán.
Nếu GV trong trường đặt hàng, cô NTK sẽ đưa đến trường giao; còn nếu người ngoài đặt hàng, sẽ được giao vào buổi chiều, hoặc buổi tối. Giờ ra chơi, tay cô NTK lúc nào cũng cầm điện thoại, theo dõi các comment đặt hàng để xử lý, chờ đợi từng cú like. Khi được hỏi “thu nhập thế nào”, cô NTK cười: “Không nhiều lắm, nhưng cũng đủ mua sữa cho con”.
Đã hơn 1 năm nay, cô LHP - giáo viên tiểu học tại Hà Tĩnh - bận rộn với nghề tay trái là làm giò chả. Ban đầu bán hàng online, lấy hàng giò chả về bán, lời ít mà không thật sự yên tâm về chất lượng, cô LHP quyết định tự tay làm giò để bán, lấy công làm lãi, mà chất lượng thì yên tâm.
“Nghề giò, cũng lắm công phu”- cô LHP kể chuyện. Để có giò ngon, từ 3h sáng mỗi ngày, cô đã phải đến tận lò mổ để lấy thịt tươi, còn nóng, đem về chế biến, giã, gói và luộc. Làm xong xuôi, kết hợp đưa hàng đến trường để bán; nhiều khi chẳng kịp ăn sáng. Đi dạy xong, thả cặp xuống lại tiếp tục làm giò. Giò làm ngon, nhiều người mua, việc càng thêm bận.
“Em thấy mệt quá, chắc phải giãn thời gian ra thôi, chứ làm liên tục thế này sẽ không trụ nổi” - cô LHP chia sẻ. Mới làm “doanh nhân” được một thời gian, mà trông LHP mệt mỏi, bơ phờ; bạn bè rủ đi chơi, ăn uống, cô đều từ chối.
Còn đâu tâm huyết với nghề?
Tham gia đội quân “doanh nhân online” này, chủ yếu là GV nữ, từ bậc Tiểu học đến THPT. GV mầm non tham gia ít hơn, vì thời gian dành cho công việc đã choán hết cả ngày. Tại 1 trường THPT ở huyện Đức Thọ, nhẩm sơ sơ cũng có vài chục GV tham gia buôn bán, đủ thứ hàng thượng vàng hạ cám. Tuy nhiên, do người bán nhiều, người mua ít, thu nhập từ công việc này cũng bấp bênh. “Ai giỏi lắm thì kiếm được khoảng 3 triệu/tháng”-thầy Ngọc Thanh cho hay.
Tại Nghệ An, cách đây vài năm, nhiều GV tham gia bán hàng đa cấp. Nhiều người lâm cảnh nợ nần đầm đìa, rồi mời chào cả đồng nghiệp, phụ huynh tham gia. Một phụ huynh tại huyện Quỳ Hợp, cho biết: “Thầy NĐA, giáo viên lịch sử, đi đâu cũng nói về bán hàng đa cấp, cho rằng ai tham gia sẽ có thu nhập vài chục triệu đồng/tháng. Có thể nói, thầy A. “ăn đa cấp, ngủ đa cấp”, rồi mở luôn 1 gian hàng bán tại nhà, dọc tuyến quốc lộ”. Tuy nhiên, sau do không rủ rê được nhiều người, buôn bán suy kém, thầy NĐA đã giải nghệ.
Có dịp gặp gỡ, trao đổi với một số cán bộ ở huyện Quỳ Hợp, chúng tôi được họ chia sẻ thẳng thắn: Hàng đa cấp giá bán cực kỳ đắt, và chất lượng cũng không ổn. Dân họ mua hàng vì quen biết, nể nang chứ không phải do nhu cầu thực tế. Nói trắng ra, đây là hình thức lừa đảo, trước đây làm ở thành phố, nay đưa về vùng sâu vùng xa để lừa người dân thiếu hiểu biết.
Một cán bộ quản lý giáo dục huyện Thanh Chương (Nghệ An) cũng xác nhận tình trạng GV bán hàng đa cấp, biết rằng có nhiều điều không hay nhưng không cấm đoán được, mà chỉ nhắc nhở trong một số cuộc họp. “Việc GV tham gia bán hàng đa cấp quả thật có nhiều điều tiếng không hay, vì loại hình kinh doanh này chứa đựng quá nhiều rủi ro, không loại trừ yếu tố không trung thực, không phù hợp với đạo đức của nhà giáo”- vị cán bộ nói trên, chia sẻ.
Về cảm nhận cá nhân trước hiện tượng nhà giáo tham gia buôn bán trên mạng, 1 cán bộ Sở GDĐT Hà Tĩnh chia sẻ: “Thú thật là tôi buồn nhiều hơn vui. Hiện tượng nói trên cho thấy, thu nhập của đa số GV chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống, nên mới phải bươn chải làm thêm.
Nếu GV dạy thêm thì còn có điều kiện trau dồi về chuyên môn; còn buôn bán như vậy, thời gian dành cho công việc giảng dạy và giáo dục, rồi tự học tất yếu bị ảnh hưởng, phân tán. Suốt ngày nghĩ đến chuyện làm ăn, buôn bán, còn đâu tâm huyết với nghề nghiệp, học sinh, dạy học rồi cũng rơi vào đối phó. Mặt khác, việc buôn bán tuân theo quy luật thị trường, nhiều khi không tránh khỏi những ì xèo này khác, không phù hợp với nghề giáo, với môi trường giáo dục”.
Ảnh hưởng đến công việc
Cô Thanh Mai - người bán hàng trên FB - cho hay: “Bọn em bán hàng thì phải sắp xếp thời gian sao cho vẫn bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, làm việc này cũng tốn thời gian, từ lấy hàng, rao bán, giao hàng, tính toán…Thành ra, thời gian dành cho việc đọc sách, nghiên cứu, cũng bị ảnh hưởng không ít”.
Còn thầy Ngọc Thanh cho hay: Hàng hóa bán trên FB, nhiều khi không rõ nguồn gốc, chất lượng. Nói về thực phẩm chức năng thì tôi không bao giờ tin tưởng; còn hàng mỹ phẩm, quần áo, chủ yếu cũng là hàng trôi nổi; vì lấy giá thấp, bán mới có lời”.
Một Hiệu trưởng THPT tại Hà Tĩnh, cho hay: Thời gian gần đây, rộ lên hiện tượng GV tham gia bán hàng trên mạng, hoặc trực tiếp tham gia chế biến, bán một số mặt hàng. Biết rằng đây là việc pháp luật không cấm và góp phần tăng thu nhập cho GV, nhưng không thể nói là không ảnh hưởng đến công việc chuyên môn.
Ví dụ, GV không làm thêm thì còn có thời gian đọc sách, nghiên cứu, hoặc đến nhà phụ huynh phối hợp giáo dục học sinh. Còn đã làm thêm việc gì thì sẽ sao nhãng về chuyên môn. Chỉ có GV dạy thêm mới có điều kiện trau dồi kiến thức, kỹ năng sư phạm. Cái này chúng tôi cũng chỉ mới dừng lại ở hình thức nhắc nhở, chấn chỉnh.
Thầy Hiệu trưởng nói trên cũng chia sẻ, việc giải bài toán thu nhập cho GV hiện nay đang rất nan giải; mức lương nhà giáo mới chỉ đáp ứng nhu cầu chi tiêu ở mức bình thường, tằn tiện, chưa có tích lũy hơn. Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi nội dung, chương trình và nhu cầu xã hội, yêu cầu đối với nhà giáo ngày càng cao, nếu GV không tự trau dồi, rèn luyện để đáp ứng yêu cầu của giáo dục hiện đại, sớm muộn cũng sẽ bị đào thải.
Ông Trần Đăng Ninh - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An - cho hay: “Việc người dân giao dịch, bán hàng trên mạng xã hội, hiện chúng tôi chưa kiểm soát được, vì không có địa chỉ. Vấn đề này ngành thuế cũng chưa quản lý được”. PV trao đổi có hiện tượng buôn bán hàng trôi nổi, hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng... trên mạng, ông Trần Đăng Ninh nói: “Do lực lượng quản lý thị trưởng quá mỏng. Cả tỉnh Nghệ An chỉ có 90 người, nên không xuể. Đây là vấn đề cần phải có thời gian”. |
Nhiều cú lừa trên mạng nhắm vào giới nghệ sĩ
NSND Hoàng Dũng - đình đám gần đây với vai diễn Phan Quân trong phim "Người phán xử", bị kẻ gian lừa 50 triệu đồng ... |
Đánh bài online - “Vòi bạch tuộc” siết cổ con bạc
Có lẽ chưa bao giờ việc chơi bạc qua mạng Internet lại dễ dàng và... phổ biến như hiện nay. Những con bạc khát nước ... |
Để Phạm Song Toàn phải chuyển trường, thầy cô đang dạy học sinh sự hèn nhát?
Đọc những tin tức liên quan đến việc em Phạm Song Toàn (TPHCM) phải chuyển trường sau khi dũng cảm lên tiếng “tố” cô giáo ... |