Thất thu mùa cá linh

Theo dự báo của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, nước lũ năm nay lớn hơn năm trước, cư dân sống bằng nghề đánh bắt thủy sản dọc tuyến biên giới xã Thường Thới Hậu A, Thường Thới hậu B, Thường Phước (huyện Hồng Ngự) rất phấn khởi và kỳ vọng một mùa cá bội thu. 

that thu mua ca linh Đánh bắt cá linh ở huyện Hồng Ngự.

Tuy nhiên, trái hẳn với mong đợi của các chủ đáy cá linh, con nước năm nay mang lượng cá về quá ít nên hoạt động đánh bắt diễn ra khá trầm lắng.

Để đóng đáy trên sông, hộ làm nghề phải bỏ ra chi phí gần một trăm triệu đồng cho các khoản đầu tư như: đấu thầu chỗ đánh bắt, thuê nhân công và mua dụng cụ. Vì chấp nhận sống bằng nghề “bà cậu” nên chuyện lời lãi, chủ đáy phải phụ thuộc lớn vào lượng cá đầu nguồn đổ về.

Là người “đeo nghề” làm đáy cá linh, ông Sáu Lợi ngụ xã Thường Thới Hậu A nếm trải đủ vị “ngọt đắng” của nghề. Ông Sáu Lợi tâm sự: “Mùa cá linh về bắt đầu từ tháng 7 - 11 (âm lịch) mang theo cá linh non và cá già. Khoảng 2 năm trước, do cá linh về nhiều, đánh bắt thuận lợi nên người làm nghề này có lãi, năm nay cá không chịu về kể như lỗ nặng”.

Ông Sáu Lợi phân tích, năm nay, những người đánh bắt cá linh gặp nhiều khó khăn. Nếu như thời điểm năm 2014, mỗi giàn đáy kéo được khoảng vài trăm tấn cá linh/ngày thì nay số lượng cá giảm đi 5 - 6 lần nên không đủ bù vào chi phí. Nước lũ về sớm nhưng cá lại ít vì nước lên nhanh, cá tản đi sang nơi khác. Giờ mùa cá linh non thất thu chỉ còn đợi mùa cá linh kích cỡ lớn nhưng lượng cá ngày một ít nên nghề này năm nay coi như khó kiếm đồng lời.

Qua khảo sát, vì địa hình trên sông có dòng chảy mạnh nên miệng đáy được đặt sát mép nước và sâu khoảng 5 - 6m dưới lòng sông. Theo đó, túi đáy dài khoảng 40m có thể chứa từ 500 - 600kg cá. Những ngày cá chạy nhiều, cứ 30 phút đổ đáy 1 lần và làm liên tục trong 24 giờ, nhưng giờ vì ít cá nên giữa hai lần đổ đáy cách nhau vài tiếng đồng hồ. Ngoài ra, cá về ít nhưng nhân công vẫn phải trả khoảng 3 - 4 triệu đồng/người/tháng.

Theo kinh nghiệm của người dân đánh bắt, cá linh đầu mùa thường chạy theo luồng chứ không đợi thời tiết mưa hay nắng. Những năm trước đây, nếu trúng một luồng cá là đã đầy túi, nếu đổ không kịp có thể cả giàn đáy bị nước cuốn trôi.

Ông Lê Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Thường Thới Hậu B cho biết: “Cá linh đi theo con nước lớn từ Campuchia đổ xuống. Vài năm trước đây, mỗi mùa nước cá linh về nhiều, người làm nghề đánh bắt có nguồn thu nhập kha khá. Nhưng năm nay, lượng cá linh về ít nên bà con trong nghề mưu sinh cũng khó khăn”.

(http://www.baodongthap.vn/newsdetails/1D3FE18E6BD/That_thu_mua_ca_linh.aspx)

Báo Đồng Tháp Online