Thanh toán điện tử: Thói quen đang dần được thay thế

Theo một nghiên cứu mới đây, thói quen sử dụng tiền mặt của người dân tại thị trường Việt Nam vẫn chiếm tới 65% tổng phương tiện thanh toán. Do đó, việc đẩy mạnh thanh toán điện tử sẽ còn là một bài toán cho các NHTM khi vừa phải cố gắng chuyển đổi các phương thức thanh toán truyền thống, đồng thời đưa ra những chính sách, chương trình hấp dẫn để kích thích người tiêu dùng thanh toán điện tử.

Lợi cả đôi đường

Các hình thức thanh toán điện tử (thanh toán không dùng tiền mặt) rõ ràng đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, nhưng có lẽ thói quen bao đời nay của quan điểm “đồng tiền đi liền khúc ruột” của dân ta vẫn ăn sâu bám rễ vào mọi hoạt động của đời sống xã hội.

thanh toan dien tu thoi quen dang dan duoc thay the
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, khi dịch vụ giá trị gia tăng trên kênh Internet và các thiết bị hay giao dịch trên các website thương mại điện tử được phổ cập rộng rãi thì việc thanh toán qua tài khoản ngân hàng/trực tiếp, còn có thể thanh toán qua các kênh: ngân hàng trực tuyến, điện thoại di động (mobile banking), ATM, website thanh toán, ví điện tử... một cách nhanh chóng, thuận tiện. Mặt khác, giao dịch điện tử và thanh toán qua ngân hàng tạo được sự minh bạch cho các khoản chi tiêu, giảm tải nhân lực và chi phí kiểm ngân tiền mặt, đồng thời ngăn chặn được tiền giả.

Có thể nói, các phương thức thanh toán trung gian này hứa hẹn sẽ thúc đẩy hoạt động thanh toán điện tử không dùng tiền mặt tại Việt Nam, đồng thời thay thế cho cách chi trả tiền mặt truyền thống vốn nhiều bất cập. Nếu mọi giải pháp đều đi liền với tiện ích cho doanh nghiệp, cá nhân thì hy vọng những mục tiêu cơ bản giai đoạn 2016 – 2020 đã được Chính phủ phê duyệt cũng sẽ nhanh chóng được hiện thực hóa.

Chẳng hạn, 100% thanh toán điện tử tại các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông, truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua hình thức không dùng tiền mặt; 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn (thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng...). Như vậy, về mặt chính sách, các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt luôn được Chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện phát triển.

Ví điện tử - công cụ thanh toán đa tiện ích

Sau 8 năm, thị trường ví điện tử đã cho ra mắt hơn 20 nhà cung cấp dịch vụ với nhiều tính năng đa dạng như chuyển tiền, mua sắm ở phạm vi toàn cầu... Theo ước tính, Việt Nam hiện có khoảng 10 triệu khách hàng sử dụng ví điện tử của các nhà cung cấp dịch vụ trên internet và thiết bị di động. nổi bật như Ngân Lượng, Payoo, MoMo...

Xác định đẩy mạnh các dịch vụ thanh toán điện tử là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển mảng sản phẩm ngân hàng bán lẻ, nhiều NHTM đã liên tục ra mắt các sản phẩm liên kết thanh toán với những ưu đãi đặc biệt để thu hút khách hàng sử dụng, kích thích nhu cầu mua sắm bằng sự tiện lợi, nhanh chóng, an toàn và giảm thiểu chi tiêu tiền mặt.

Là ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam đặt mục tiêu phát triển đạt Top 1 ngân hàng bán lẻ vào năm 2020, trong thời gian qua Vietcombank đã không ngừng nghiên cứu, phát triển để cung ứng cho thị trường và khách hàng những sản phẩm, dịch vụ tiện ích nhất, hỗ trợ tối đa cho khách hàng trong thanh toán, đặc biệt là mảng thanh toán điện tử, có thể kể đến như: ra mắt không gian giao dịch công nghệ số Digital Lab lần đầu tiên tại Việt Nam; ra mắt phiên bản mới ứng dụng ngân hàng trên điện thoại di động VCB-Mobile B@nking với nhiều tính năng hiện đại; ra mắt nhiều sản phẩm thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ và thẻ Đồng thương hiệu trên cơ sở liên kết với các trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm trên toàn quốc, mang lại sự tiện lợi trong thanh toán trực tuyến cho khách hàng.

Bên cạnh đó, Vietcombank đã liên kết rộng rãi với nhiều đơn vị doanh nghiệp uy tín để phát triển các tính năng trong thanh toán điện tử như: Thanh toán hóa đơn: tiền điện, nước; điện thoại cố định và trả sau; cước ADSL, truyền hình; vé máy bay, vé tàu, nộp phí bảo hiểm; thanh toán học phí, phí dịch vụ đặt phòng khách sạn.

Bên cạnh đó, việc thanh toán dịch vụ tài chính như trả lãi vay, gốc vay hợp đồng bảo hiểm, hay nộp tiền đầu tư chứng khoán, nhận tiền chuyển từ các công ty chứng khoán đã giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng không phải mất thời gian đi lại.

Hàng loạt Ví điện tử cũng được Vietcombank cùng các đối tác liên kết phát triển trong thời gian qua, trong đó Vietcombank cung cấp tính năng chuyển tiền vào ví điện tử như: Ngânlượng.vn, Vcash, Momo, Nạp ví VTC Pay, Nạp ví VTC Vcoin, Zing ID, Topup Vietjet Air, Topup Jetstar Pacific Airlines, TopPay, CyberPay, Nạp tiền đại lý OPPO… với nhiều tính năng, tiện ích đã trở thành công cụ thanh toán thuận tiện và hữu hiệu cho nhiều khách hàng.

/ Thời báo ngân hàng