Báo Lao Động nhận được đơn thư kêu cứu của hàng chục hộ thuộc công nhân Lâm trường luồng Lang Chánh (nay là Cty lâm nghiệp Lang Chánh, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa) về việc bị UBND tỉnh Thanh Hóa thu hồi toàn bộ số đất lâm nghiệp đã được Nhà nước giao khoán trong suốt hơn 20 năm qua để làm trang trại mà không nhận được tiền hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất. Việc người dân mất kế sinh nhai là điều không tránh khỏi.
Dân trắng tay
Trao đổi với Báo Lao Động, ông Phạm Văn Bằng, xã Giao An, huyện Lang Chánh - là công nhân đội 1 về hưu - của Cty lâm nghiệp Lang Chánh, vô cùng bức xúc: “Chúng tôi gắn với lâm trường này từ năm 1977, lúc đó đang là Lâm trường luồng Lang Chánh. Năm 1995, cũng như nhiều công nhân khác, gia đình tôi đã nhận khoán 13,6ha đất lâm trường theo nghị định 01/CP của Chính phủ (sau đó thay thế bằng NĐ 135/2005/NĐ-CP) V/v giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trong các DN nhà nước. Hơn 20 năm qua, năm nào chúng tôi cũng nộp sản lượng theo quy định của Cty. Tháng 8.2016, tỉnh Thanh Hóa có chủ trương thu hồi đất để làm khu chăn nuôi lợn hàng hóa chất lượng cao, hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Lang Chánh đã thực hiện công tác đền bù tài sản trên đất cho tất cả các hộ, nhưng còn tiền hỗ trợ, ổn định đời sống sản xuất thì không được một đồng nào” - ông Bằng cho biết.
Theo những hộ dân bị mất đất ở đây, thì họ thuộc đối tượng được hỗ trợ theo Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15.5.2014 và Quyết định số 3162/2014/QĐ-UBND ngày 26.9.2014 về việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất. Thế nhưng, do Ban giải phóng mặt bằng huyện bảo thiếu hồ sơ nên không được hỗ trợ.
Cùng chung nỗi bất bình đó, ông Nguyễn Tuấn Cường, nói: “Khi làm hồ sơ giao khoán, Cty bảo gì làm nấy, chứ những người lao động như chúng tôi có biết đúng sai gì đâu? Bao nhiêu năm nay, nguồn sống của chúng tôi đều phụ thuộc vào số đất giao khoán này. Giờ Nhà nước thu hồi toàn bộ đất, người dân chúng tôi sẽ sống sao đây? Trách nhiệm sẽ thuộc về ai?” - ông Cường chia sẻ.
Không riêng gì ông Bằng, ông Cường mà đây là nỗi lòng chung của hàng chục hộ gia đình công nhân thuộc Cty Lâm nghiệp Lang Chánh đang gặp phải.
Vì đâu nên nỗi?
Trao đổi với Báo Lao Động, ông Đặng Xuân Toàn - đại diện cho 4 đơn vị đầu tư chăn nuôi - cho biết: Tại mục b, khoản 2, điều 19 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP “Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”, nêu rõ: “Đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận khoán đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản (không bao gồm đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ) của các nông trường, lâm trường quy định tại Điểm d, khoản 1 thì phải có hợp đồng giao khoán”. “Đằng này, bao nhiêu năm nay giữa Cty và các hộ này là làm theo hình thức ăn chia với nhau chứ không phải là giao khoán đất. Nếu theo luật, Cty lâm nghiệp Lang Chánh không đủ thẩm quyền ký hợp đồng với các hộ dân nếu không có sự ủy quyền của Cty mẹ” - ông Toàn nói.
Ngày 19.4.2017 UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 1224/QĐ-UBND về việc thu hồi 610.455,7m2 đất tại huyện Lang Chánh của Cty Lâm nghiệp Lang Chánh đã giao khoán cho các hộ để phục vụ cho dự án 4 trang trại chăn nuôi của các Cty: Cty APPE; Cty RID, Cty T.I.G.E.R, Cty APPE AC với quy mô 1.200 nái, 10.000 lợn thịt/lứa.
UBND huyện Lang Chánh đã chỉ đạo phòng tài nguyên và môi trường làm việc với Cty lâm nghiệp Lang Chánh rà soát các loại hợp đồng gồm: 24 bộ hợp đồng giao khoán đất rừng theo Nghị định 135/NĐ-CP của Chính phủ; 69 bộ hợp đồng giao khoán đất trồng rừng hàng năm và 39 hộ không có hợp đồng giao khoán. Sau khi xem xét các hợp đồng giao khoán theo Nghị định 01/CP và Nghị định 135 thì hợp đồng không đầy đủ, không tuân thủ theo điều 11 của NĐ 135/NĐ-CP.
Về vấn đề này, ông Lê Đức Tiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh - cho hay: “Sau khi tỉnh có chủ trương thu hồi đất, huyện đã thành lập Ban kiểm kê giải phóng mặt bằng và thống kê, lập danh sách những hộ thuộc diện hỗ trợ. Nhưng do các hộ không đủ hồ sơ nên chỉ được bồi thường tài sản trên đất, còn tiền hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất theo Nghị định số 47/2014/NĐ-CP thì không được. Chúng tôi cũng đã tổ chức đối thoại, cũng như có công văn trả lời để các hộ dân được rõ”.
Trước đó, ngày 4.10.2017, công văn số 767/UBND-BTCD Về việc trả lời đơn đề nghị của công dân của ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chánh Văn phòng huyện Lang Chánh - nêu rõ: “Nguyên nhân các hộ trên không có hồ sơ giao khoán đất hoặc có mà không đúng quy định là trách nhiệm của Cty Lâm nghiệp Lang Chánh và các hộ dân khi tiến hành ký hợp đồng giao khoán đất” - công văn nêu rõ.
Chúng tôi liên lạc với ông Trần Văn Hòa - Giám đốc Cty lâm nghiệp Lang Chánh - thì bị vị giám đốc này từ chối làm việc. “Nếu chúng tôi chỉ là nhận giao khoán bảo vệ rừng thì tại sao hằng năm chúng tôi lại phải nộp sản lượng cho Cty theo quy định của Nhà nước? Chúng tôi không phản đối việc Nhà nước thu hồi đất, nhưng phải có chính sách để cho người dân đỡ thiệt thòi” - ông Bằng chia sẻ.
Hiểm họa từ nghề nail cho kiều bào ở Mỹ
Những người Việt tại Mỹ lấy nghề nail làm kế sinh nhai đang đứng trước các nguy cơ về sức khỏe. |
Bất chấp lệnh của chính quyền, dân vẫn chặt bỏ cây cao su vì sợ đói
Mặc dù UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các huyện, xã giữ diện tích, nhưng việc chặt bỏ cây cao su vẫn diễn ra ồ ... |