- Diễn biến phiên điều trần ông Donald Trump tại Miami
- Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị ra trình diện trước toà
Ông Trump được phép chia sẻ một số bằng chứng không nhạy cảm trong phiên toà, song được cảnh báo phải cẩn trọng để thông tin này không được dùng đe doạ nhân chứng.
Thẩm phán liên bang hôm 11/8 đã cho phép cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump chia sẻ công khai một số bằng chứng không nhạy cảm sẽ được sử dụng trong phiên tòa xét xử ông về tội âm mưu lật ngược cuộc bầu cử năm 2020. Tuy nhiên, bà cảnh báo, ông nên cẩn thận trước khi đưa ra những tuyên bố công khai mang tính kích động về vụ việc.
“Những tuyên bố mơ hồ của các bên hoặc luật sư của họ có thể được sử dụng để đe dọa các nhân chứng hoặc làm tổn hại đến các bồi thẩm viên tiềm năng. Điều này có thể đe dọa quá trình xét xử.
Tôi cảnh báo các luật sư và thân chủ của họ phải đặc biệt cẩn thận trong các tuyên bố công khai của mình về vụ việc. Tôi sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ tính toàn vẹn của các thủ tục tố tụng này”, Thẩm phán quận Tanya Chutkan nói.
Cựu Tổng thống Donald Trump phát biểu trong cuộc vận động tranh cử ở Windham, New Hampshire, Mỹ. (Ảnh: Reuters)
Cảnh báo của thẩm phán Chutkan được đưa ra tại một phiên tòa liên bang hôm 11/8, nơi các công tố viên và luật sư của Trump nêu sự bất đồng về số lượng bằng chứng trong vụ án mà cựu tổng thống có thể chia sẻ công khai với công chúng.
Quyết định cho phép ông Trump chia sẻ một số tài liệu không nhạy cảm của bà Chutkan đã đi ngược quan điểm của các công tố viên - những người cho rằng ông có thể sử dụng các tình tiết của bằng chứng mật để đe dọa nhân chứng.
Thẩm phán đưa ra phán quyết rằng, chính phủ đã không chỉ ra được lý do tại sao tất cả các bằng chứng trong vụ kiện này phải tuân theo "lệnh bảo vệ" – lệnh để bảo vệ bằng chứng khỏi bị chia sẻ với công chúng nhằm ngăn chặn việc đe dọa nhân chứng hoặc tác động đến nhóm bồi thẩm đoàn.
Tuy nhiên, bà vẫn đồng ý bảo vệ một số hồ sơ khỏi bị tiết lộ công khai, chẳng hạn như các đoạn trích từ hàng trăm bản ghi cuộc phỏng vấn của nhân chứng. Bên cạnh đó, ông Trump cũng không được phép chia sẻ các loại tài liệu không có trong vi phạm công khai hoặc không thuộc sở hữu của ông, chẳng hạn như những tài liệu phát sinh từ đại bồi thẩm đoàn hoặc các tài liệu thu được thông qua lệnh khám xét niêm phong.
“Ông ấy là một bị cáo hình sự, bởi vậy sẽ bị áp đặt những hạn chế như mọi bị cáo khác. Vụ án này đang được tiến hành theo trình tự bình thường. Việc bị cáo đang tham gia một chiến dịch chính trị cũng không cho phép ông ấy có quyền hạn lớn hơn hay thấp hơn bất kỳ bị cáo nào trong một vụ án hình sự”, bà Chutkan cho biết, đề cập đến việc ông Trump sẽ tái tranh cử tổng thống trong cuộc tranh cử vào Nhà Trắng năm 2024.
Các cáo buộc được đề cập trong phiên điều trần hôm 11/8 là một trong ba vụ truy tố hiện đang nhắm vào ông Trump. Ông Trump đã không nhận tội với các cáo buộc hình sự liên quan đến âm mưu lật ngược kết quả của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Theo tiêu chuẩn, các công tố viên liên bang phải yêu cầu lệnh bảo vệ trước khi chia sẻ bằng chứng với luật sư bào chữa để bảo vệ hồ sơ bí mật và đảm bảo tính toàn vẹn của phiên tòa. Thông thường, luật sư bào chữa không phản đối quy trình này. Tuy nhiên, các luật sư của Trump cho biết phạm vi của lệnh bảo vệ quá rộng và vi phạm quyền tự do ngôn luận được bảo vệ theo hiến pháp của ông.
Các công tố viên liên bang hôm 11/8 tiết lộ rằng họ sẽ sớm công bố cho nhóm bào chữa của ông Trump 11,6 triệu trang và hồ sơ bằng chứng cùng với một ổ cứng chứa hình ảnh trích xuất từ các thiết bị điện tử.
https://vtc.vn/tham-phan-canh-bao-ong-trump-khong-de-doa-nhan-chung-ar808769.html