Thiệt hại kinh tế trên thế giới ước tính sẽ lên đến 100.000 tỉ USD vào năm 2050 nếu không kiểm soát được tình trạng kháng thuốc
Việc lạm dụng, sử dụng sai mục đích trong sản xuất nông nghiệp đang phổ biến ở Đông Nam Á trong lúc con người và động vật đối mặt không ít nguy cơ từ tình trạng kháng thuốc của những do vi khuẩn gây ra.
Sử dụng tràn lan
Đó là cảnh báo được một quan chức Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) đưa ra hôm 31-1 bên lề hội nghị quốc tế về tình trạng (AMR) ở thủ đô Bangkok - Thái Lan.
Ông Juan Lubroth, Giám đốc cơ quan thú y thuộc FAO, nói với hãng tin Reuters rằng mối đe dọa từ AMR lan rộng ở nhiều khu vực, như các siêu đô thị của châu Á - nơi có tăng trưởng dân số cao, hoạt động sản xuất nông nghiệp và lương thực mạnh.
"Chúng tôi xem Đông Nam Á là điểm nóng bởi sự kết hợp của những yếu tố gia tăng dân số, đô thị hóa và sản xuất lương thực" - ông Lubroth nhấn mạnh.
Nông nghiệp đang góp phần gây ra vấn đề kháng kháng sinh... Ảnh: BLOOMBERG
Theo báo cáo được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố hôm 29-1, một hệ thống giám sát toàn cầu mới phát hiện tình trạng AMR phổ biến trong số 500.000 người bị nghi nhiễm khuẩn ở 22 quốc gia.
Ông Marc Sprenger, Giám đốc Ban Thư ký về AMR của WHO, cảnh báo: "Một số bệnh nhiễm trùng phổ biến và nguy hiểm nhất thế giới đang có biểu hiện kháng thuốc".
Trước đó, một báo cáo vào năm 2016 của nhà kinh tế học Jim O’Neill cảnh báo nếu không có biện pháp ngăn chặn, thiệt hại kinh tế sẽ lên đến 100.000 tỉ USD vào năm 2050 và AMR sẽ khiến 10 triệu người chết/năm trong 35 năm tới.
"90% số này sẽ xảy ra tại thế giới đang phát triển và điều đó thật đáng sợ" - ông Lubroth bày tỏ, đồng thời nói thêm FAO ủng hộ tuyên truyền cho nông dân về những nguy hiểm của việc sử dụng kháng sinh để thúc đẩy sự tăng trưởng ở động vật, trong lúc thực thi nghiêm ngặt hơn nữa các quy định về sản xuất lương thực.
Đe dọa an ninh lương thực
Theo FAO, AMR không còn là viễn cảnh xa xôi mà là một hiện tượng có thật đang ảnh hưởng đến con người, động vật và thậm chí là thực vật tại mọi nơi. Đó cũng là một mối đe dọa đối với an ninh lương thực. Vì thế, tổ chức này và các đối tác đang đẩy mạnh nỗ lực kiểm soát sự lan rộng của nạn kháng thuốc kháng sinh.
Tại Diễn đàn Toàn cầu về nông nghiệp và lương thực (GFFA) diễn ra ở thủ đô Berlin - Đức hôm 19-1 vừa qua, ông Raimund Jehle, người đứng đầu chương trình khu vực của FAO tại châu Âu và Trung Á, nhìn nhận thuốc kháng sinh có vai trò rất quan trọng trong nông nghiệp và giúp cải thiện sức khỏe cũng như lợi ích của động vật nhưng thứ tài nguyên có giá trị này đang bị lạm dụng.
Ông Jehle cho rằng nông nghiệp đang góp phần gây ra vấn đề kháng thuốc nhưng cũng là một phần giải pháp.
Hiện rất khó đánh giá mức độ sử dụng thuốc kháng sinh trong nông nghiệp trên toàn thế giới do thiếu quy định và số liệu cần thiết.
Dù vậy, người ta ước tính mỗi năm có khoảng 60.000 tấn thuốc kháng sinh được dùng. Theo thời gian, chúng bắt đầu kém hiệu quả hoặc thậm chí vô dụng dẫn đến giảm khả năng điều trị các bệnh nhiễm trùng ở người và động vật.
"Giảm nhu cầu về kháng sinh - bằng cách cải thiện vệ sinh, an ninh sinh học cũng như dinh dưỡng động vật - là chìa khóa để giảm nguy cơ nhiễm bệnh ngay từ đầu" - bà Sarah Cahill, chuyên gia về an toàn thực phẩm của FAO, khẳng định.
Điều này đòi hỏi sự đầu tư vào ngành nông nghiệp để nông dân có thể thực hiện những thay đổi cần thiết. Bên cạnh đó, cơ quan này cho rằng cần giảm thiểu việc sử dụng thuốc kháng sinh cho những mục đích ngoài điều trị, như kích thích tăng trưởng.
TƯỜNG CHÂU