Trong vài năm trở lại đây ghi nhận hiện tượng “gió đảo chiều” khi trái cây nhập khẩu từ Thái Lan về Việt Nam đã lấn át sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ Trung Quốc. Các chuyên gia dự báo, với đà này, con số nhập khẩu trái cây từ Thái Lan có thể lên đến 1 tỷ USD. Nhưng càng ngạc nhiên hơn khi 90% lượng trái cây nhập từ Thái Lan là hàng “tạm nhập tái xuất”.
Kim ngạch nhập khẩu tăng đột biến
Thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho thấy, kim ngạch nhập khẩu rau quả tháng 6/2018 đạt 152 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu 6 tháng đầu năm khoảng 754 triệu USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ 2017. Nguồn nhập khẩu chính vẫn là Thái Lan (chiếm tới 45,7% lượng nhập khẩu) và Trung Quốc (chiếm 9,1%).
Thực tế, đây không còn là hiện tượng hiếm gặp bởi trong năm 2017, kim ngạch nhập khẩu trái cây, đặc biệt là từ Thái Lan đã tăng một cách đột biến. Theo thống kê của Bộ NNPTNT, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã bỏ ra khoảng 1,15 tỷ USD để nhập khẩu trái cây các loại, tăng tới hơn 80% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó, lượng trái cây từ Thái Lan chiếm đến hơn 60,7%, Trung Quốc chiếm 15,7%, còn lại là các thị trường khác.
Phần lớn trái cây Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam sau đó lại được tái xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: I.T.
Vì sao có hiện tượng kỳ lạ này khi nhiều năm trước trái cây Trung Quốc vẫn chiếm vị trí “độc tôn” trong các loại trái cây nhập khẩu nhờ ưu thế giá rẻ và phong phú về chủng loại?. Trong một cuộc họp báo của Bộ NNPTNT, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cũng lý giải số lượng trái cây Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu là để tái xuất sang Trung Quốc.
“Sau khi kiểm tra đầu nhập khẩu và đầu xuất khẩu ở cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), có thể khẳng định, 90% trái cây Thái Lan nhập vào Việt Nam là tạm nhập tái xuất”, ông Trung khẳng định.
Theo đó, trong năm 2017, Việt Nam bỏ ra 0,8 tỷ USD nhập khẩu trái cây có xuất xứ từ Thái Lan sau đó tái xuất sang Trung Quốc, con số này chiếm gần 1/4 tổng trị giá xuất khẩu hoa quả. Các loại trái cây Thái Lan được nhập vào thị trường nội địa và xuất sang Trung Quốc với số lượng lớn gồm măng cụt, bòn bon, nhãn, mít, sầu riêng.
Chỉ tính riêng mặt hàng sầu riêng, năm 2017, lượng xuất khẩu sầu riêng từ Thái Lan sang Trung Quốc giảm 29%, trong khi con số này tại Việt Nam lại tăng gấp 3 lần, lên 256.000 tấn, gấp tới 26 lần so với 3 năm trước đó.
Đừng để chỉ là con số ảo
Cho đến thời điểm này, hình thức “tạm nhập tái xuất” vẫn được coi là bình thường, doanh nghiệp hoàn toàn có quyền làm điều đó khi họ có thể thu về lợi nhuận. Nhưng đằng sau con số tăng trưởng xuất khẩu trái cây vô cùng ấn tượng (trong đó có đến 1/4 là chúng ta xuất khẩu giúp Thái Lan) ấy là gì, liệu việc sản xuất của nông dân có bị ảnh hưởng khi những sản phẩm “tạm nhập tái xuất” từ Thái Lan cũng rất phổ biến ở Việt Nam.
Thực tế, nhu cầu nhập khẩu trái cây từ Thái Lan của Trung Quốc vốn rất lớn nhưng Thái Lan lại có chính sách thu hẹp sản xuất đại trà, hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc nên thị trường với sức tiêu thụ lớn này luôn trong tình trạng thiếu hàng. Trong khi đó, kể từ ngày 1.1.2018, Việt Nam xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu đối với 669 dòng thuế, trong đó có nhiều mặt hàng rau, quả nhập từ các nước ASEAN với mức thuế còn 0%. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt “xuất khẩu” giúp trái cây Thái sang Trung Quốc vì pháp luật không cấm.
Nông dân không được lợi gì từ việc tạm nhập tái xuất này, lợi nhuận chỉ rơi vào tay doanh nghiệp. Ảnh: I.T.
Doanh nghiệp thấy lợi sẽ làm, điều này là đương nhiên, nhưng nếu tính cả con số trái cây Thái Lan chỉ là “tạm nhập” trước khi tìm đường sang Trung Quốc vào kim ngạch xuất khẩu rau quả nói chung có thể khiến việc dự báo không còn chính xác. Gần 1 tỷ USD trong tổng số kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2017 của Việt Nam không hề là con số nhỏ, đằng sau nó có thể là biết bao người nông dân khác.
Nhìn vào một con số, người ta có thể ảo tưởng về thành tích của mình mà không nghĩ rằng 1/4 trong số đó là đang đi xuất khẩu giùm người khác. Điều này có thể tác động đến công tác quy hoạch, phát triển sản xuất trong nước, nguy cơ phát triển sản xuất tràn lan bởi những con số xuất khẩu “trong mơ” mà một phần trong số đó không phải của mình.
Vì vậy, việc kiểm soát chặt chẽ lượng trái cây nhập khẩu, đồng thời thống kê chính xác con số xuất khẩu là việc cần làm để bảo vệ hơn 910.000ha cây ăn trái với sản lượng 9,5 triệu tấn quả trong nước và dư địa phát triển vẫn còn tương đối lớn.
Ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng phòng Thống kê hải quan, Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan):
Không được tính hàng tạm nhập tái xuất vào kim ngạch xuất khẩu
Cho đến thời điểm này, pháp luật cho phép các hoạt động tạm nhập và tái xuất hàng hóa theo chế độ tạm, doanh nghiệp có quyền làm nếu điều đó mang lại lợi nhuận cho họ. Việc trái cây Thái Lan nhập khẩu theo loại hình kinh doanh vào Việt Nam sau đó lại tái xuất theo loại hình kinh doanh sang Trung Quốc đã xuất hiện từ vài năm nay, xu hướng này càng trở nên mạnh mẽ từ năm 2017.
Tôi không khẳng định tất cả trái cây Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam đều được tái xuất khẩu vì nó vẫn được tiêu thụ tại Việt Nam nhưng số lượng được tái xuất khẩu cũng không hề nhỏ. Với hoạt động này, theo tôi, chỉ doanh nghiệp thu được lợi nhuận và hoạt động này cũng phổ biến ở các nước khác.
Về nguyên tắc, trong thống kê, chúng tôi không tính vào giá trị xuất khẩu chung các hàng hóa tạm nhập khẩu và tái xuất khẩu theo chế độ tạm.
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy:
Nông dân không được hưởng lợi
Hiện tượng nhập khẩu trái cây từ Thái Lan sau đó xuất khẩu sang Trung Quốc đã có từ rất lâu, bởi nó xuất phát từ nhu cầu thị trường và vì lợi nhuận của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu vấn đề kiểm dịch không được thực hiện tốt, việc này có thể mang theo vi khuẩn, các loại dịch bệnh ngoại lai, làm tăng nguy cơ bùng phát một số loại dịch bệnh nguy hiểm ở Việt Nam. Thậm chí việc xuất khẩu giúp Thái Lan ít nhiều còn làm ảnh hưởng đến hệ thống hạ tầng giao thông, kho bãi của ta.
Ngoài ra, nếu giá trị kim ngạch xuất khẩu trái cây của Thái Lan sang Trung Quốc được thống kê trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu trái cây nói chung của Việt Nam có thể tạo ra sự ngộ nhận về phát triển, quá trình cạnh tranh không phải bằng những tiến bộ kỹ thuật, bằng thúc đẩy sản xuất, tạo ra chuỗi giá trị mà lợi nhuận chỉ rơi vào tay một số doanh nghiệp làm dịch vụ.
Trong hiện tượng này, nông dân không được lợi lộc gì, doanh nghiệp lẽ ra phải làm vai trò dẫn dắt thị trường từ đó dẫn dắt nông dân phát triển sản xuất theo nhu cầu của thị trường chứ không chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt như vậy.
Bầu Đức tuyên bố sẽ trồng sầu riêng, bơ
Bầu Đức trấn an cổ đông làm nông nghiệp không nên vội, trồng cây phải có thời gian. Sau chuối, chanh dây, năm nay công ... |
Những trái cây lạ xuất hiện trên thị trường Việt
Dù e ngại về nguồn gốc nhưng nhiều người Việt vẫn muốn ăn thử những trái cây lạ trên thị trường như dâu tây bạch ... |
Mã code trên trái cây: Sự thật đáng sợ?
Rất ít người biết đến thông tin cần thiết đằng sau những số kí tự trên hoa quả nhập khẩu và những con số này ... |