Thách thức chờ đợi Ukraine trong năm chiến sự thứ ba

Ước tính 31.000 binh sĩ Ukraine thiệt mạng trong cuộc xung đột với Nga, số liệu được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra mới đây, cho thấy sự khốc liệt của cuộc chiến, tuy vậy, giới chuyên gia nhận định rằng Ukraine sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa trong năm thứ ba chiến sự.

Phát biểu trong một sự kiện tối 25/2 (giờ địa phương), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra con số 31.000 binh sĩ nước này đã thiệt mạng kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt vào nước này cách đây tròn hai năm. Đây là lần đầu tiên trong hơn một năm qua Ukraine công bố số liệu thương vong theo thống kê chính thức, tuy vậy, ông Zelensky từ chối tiết lộ số người bị thương vì cho rằng thông tin này sẽ có lợi cho việc lập kế hoạch quân sự của Nga.

Ukraine chưa công bố tổn thất quân sự kể từ cuối năm 2022, thời điểm Cố vấn Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak cho biết 13.000 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng kể từ khi xung đột bùng phát hôm 24/2/2022. Cũng trong cuộc họp báo này, Tổng thống Zelensky thông báo Ukraine đã lên kế hoạch cho một cuộc phản công mới chống lại Nga.

1.jpg -0
Chiến sự Nga – Ukraine vẫn diễn ra ác liệt. Ảnh minh họa: AP.

Bước vào năm thứ ba của cuộc xung đột, giới quan sát cảnh báo nếu không có thêm viện trợ quân sự lớn của Mỹ và phương Tây, các nỗ lực phản công của Ukraine có thể thất bại, thậm chí, ngay cả khi sự hỗ trợ này tiếp tục thì không có cơ hội thực tế nào để Ukraine giành chiến thắng hoàn toàn trong tương lai gần. Nhiều quan chức và nhà phân tích phương Tây nhận định rằng viễn cảnh khả quan nhất Ukraine có thể hi vọng vào năm 2024 chỉ đơn giản là giữ vững phòng tuyến. Cách đây một năm, Ukraine tràn đầy tự tin trong nỗ lực ngăn cản Nga kiểm soát các vùng lãnh thổ.

Các quốc gia phương Tây, kì vọng vào thành công của Kiev, đã cam kết sẽ viện trợ để giúp nước này xuyên thủng phòng tuyến của Nga. Tuy nhiên, dòng chảy vũ khí mà Ukraine cần từ phương Tây đang vào rất chậm và không thể dự đoán được. Điều cấp bách nhất hiện nay nằm ngoài tầm kiểm soát của Ukraine. Đó là liệu Quốc hội Mỹ có thông qua thêm hàng tỉ USD viện trợ quân sự và kinh tế cho Kiev hay không? Nếu không có khoản hỗ trợ này, các quan chức phương Tây và các nhà phân tích quân sự cho biết, nỗ lực chiến đấu của Ukraine sẽ gặp rủi ro nghiêm trọng.

Một nửa hỗ trợ quân sự phương Tây cho Ukraine đã không thể đến tay Kiev kịp thời, làm phức tạp nhiệm vụ của các nhà hoạch định quân sự và khiến nhiều binh lính thương vong trong cuộc xung đột với Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustan Umerov nhấn mạnh ngày 25/2. Mỗi đợt vận chuyển bị trì hoãn đồng nghĩa với tổn thất của quân đội Ukraine và làm nổi bật sức mạnh quân sự vượt trội của Nga.

“Hãy nhìn sang đối thủ, nền kinh tế của họ là gần 2.000 tỷ USD, họ sử dụng 15% trong số đó cho các khoản ngân sách chính thức và không chính thức của cuộc xung đột, hiện tiêu tốn khoảng hơn 100 tỉ USD hàng năm. Vì thế, về cơ bản, bất kì khi nào một cam kết không được thực hiện đúng hạn thì chúng tôi sẽ mất người và mất lãnh thổ”, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine nhấn mạnh. Các quan chức quân sự hàng đầu Kiev cho biết, hoạt động sản xuất vũ khí đang sa lầy vào tình trạng quan liêu và cơ cấu chỉ huy của quân đội không thay đổi đủ nhanh để quản lý một lực lượng đã mở rộng từ 200.000 quân lên gần một triệu quân chỉ trong một vài tháng.

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell mới đây cũng cảnh báo những quốc gia phương Tây rằng “cuộc xung đột Nga – Ukraine có thể được định đoạt trong những tháng tới”. Ông Borrell cho rằng, để Ukraine không thất bại trong cuộc xung đột, các nước thành viên EU phải tiếp tục viện trợ tài chính và quân sự cho Kiev. Trả lời câu hỏi báo chí ngày 25/2 rằng bên nào có khả năng giành chiến thắng trong cuộc xung đột, ông Borrell trả lời Nga “chưa thắng trong cuộc xung đột, nhưng họ cũng chưa lùi bước”. “Chúng ta phải làm nhiều điều hơn và nhanh chóng hơn cho Ukraine”, ông Borrell khẳng định.

EU đã cam kết viện trợ quân sự, kinh tế và nhân đạo gần 85 tỉ euro (92 tỉ USD) cho Ukraine kể từ tháng 2/2022. Trong đó, hỗ trợ quân sự bao gồm đạn dược, hệ thống phòng không, xe tăng cũng như các loại vũ khí và thiết bị khác. Đức là nước thành viên EU viện trợ lớn nhất cho Ukraine, với hơn 22 tỉ euro, bao gồm 17,7 tỉ euro viện trợ quân sự, theo số liệu do Viện Kinh tế thế giới Kiel tổng hợp. Đan Mạch đã cung cấp cho Ukraine số vũ khí và đạn dược trị giá 8,4 tỉ euro. Tuy nhiên, đối với ông Borrell, điều này vẫn chưa đủ. “Nếu chúng ta muốn Ukraine nhanh chóng phản công trước lực lượng Nga, chúng ta phải hỗ trợ họ nhiều và nhanh hơn”.

Vẫn chưa rõ khi nào EU có thể tiếp tục cung cấp loại vũ khí mà Ukraine mong muốn. EU cam kết cung cấp một triệu đạn pháo 155mm cho Ukraine trước tháng 3/2024 nhưng hiện tại các nước EU chỉ vận chuyển được 300.000 viên đạn từ kho dự trữ quốc gia tới Ukraine.

Những điểm yếu đó và một số sai lầm chiến lược trên chiến trường đã cản trở cuộc phản công được kỳ vọng cao của Ukraine dẫn đến nước này chỉ đạt được những thành quả nhỏ về lãnh thổ. Cùng thời điểm, Nga đang củng cố các tuyến phòng thủ, chuyển đổi nền kinh tế sang chế độ thời chiến, tuyển thêm hàng trăm nghìn binh lính và điều chỉnh chiến lược cho các cuộc tấn công mới vào mùa đông. Giờ đây, khi xung đột bước sang năm thứ ba, giới lãnh đạo ở Kiev đang cố gắng tìm kiếm một con đường mới trước các cuộc tấn công dữ dội của Nga, đồng thời đối mặt với một loạt những thách thức khó khăn.

Ông Oleksiy Danilov, thư kí Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia Ukraine cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn rằng: “Sự không chắc chắn luôn ảnh hưởng đến mọi quá trình. Chúng ta có thể nói rất lâu về việc xung đột đã thay đổi như thế nào, bởi vì nó hoàn toàn khác so với hồi tháng 2 và tháng 3/2022. Nhưng điều quan trọng là cần có sự chắc chắn”.

https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/thach-thuc-cho-doi-ukraine-trong-nam-chien-su-thu-ba-i723658/

 

Duy Tiến / cand.com.vn