- Hà Nội kiến nghị đầu tư trước một số cầu qua sông Hồng thuộc dự án Vành đai 4
- Quyết liệt xử lý ô nhiễm môi trường
Theo quan niệm truyền thống, vào dịp cuối năm, nhiều gia đình sau khi thay đồ thờ cúng thường mang vứt xuống sông, hồ cho "mát mẻ". Tuy nhiên, số lượng đồ thờ cúng mỗi năm được mang bỏ đi trên địa bàn Hà Nội là khá lớn, khiến mỗi khi nước sông, hồ cạn đi là xuất hiện tình trạng bát hương, đồ thờ cúng nằm ngổn ngang dưới đáy.
Những ngày gần đây, Xí nghiệp thoát nước số 1 (Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội), Ban Quản lý hồ Tây đã tiến hành thu gom hàng nghìn bát hương, đồ thờ bị vứt xuống lòng hồ Tây trong các dịp lễ Tết. Khi hồ Tây cạn nước đã lộ ra những mảng gạch đá ở ven hồ, xen kẽ là rác thải như túi ni lông và đặc biệt là nhiều đồ thờ cúng, bát hương nằm chỏng chơ, tập trung ở khu vực gần chùa Trấn Quốc, đường Thanh Niên, phố Nhật Chiêu...
Không chỉ hồ Tây, sông Hồng cũng là nơi nhiều người lựa chọn thả đồ thờ cúng mỗi dịp lễ, Tết. Tại khu vực chân cầu Long Biên, chân cầu Chương Dương, khu vực bãi giữa sông Hồng đoạn qua quận Hoàn Kiếm, Ba Đình… có khá nhiều bát hương, đồ thờ cúng bị trôi dạt, lẫn với đó là rác thải từ khắp nơi đổ về, rất mất vệ sinh môi trường và mỹ quan. Nhiều bàn thờ, bát hương bị ném xuống sông, lâu ngày trôi dạt vào bờ đã vỡ vụn thành từng mảnh nhỏ, tạo thành những “bàn chông” nguy hiểm, dễ gây thương tích nếu ai đó vô tình va phải.
Theo quan sát của phóng viên Báo Hànộimới tại bãi bồi sông Hồng, đoạn dưới chân cầu Chương Dương, rác thải, đồ thờ cúng, bát hương, bàn thờ trôi dạt nhiều tới mức tạo thành những bè rác mỗi khi nước cạn. Đi trên cầu Chương Dương, nhìn xuống bãi bồi khu vực phường Phúc Tân, Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) mỗi khi sông Hồng cạn nước thì cũng dễ dàng nhìn thấy rất nhiều đồ thờ cúng bị bỏ đi ở đáy sông.
Giám đốc Xí nghiệp thoát nước số 1 (Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội) Hoàng Thế Hùng cho biết, tình trạng người dân vứt đồ thờ cúng xuống hồ Tây rất phổ biến. Đối với các ban thờ, đồ thờ cúng bằng gỗ thường nổi trên mặt nước nên công nhân của xí nghiệp phát hiện sớm và thu dọn ngay. Tuy nhiên, với các loại bát hương, đồ thờ cúng bằng sứ, đồng thì chìm ngay xuống lòng hồ nên đơn vị không phát hiện được. Chỉ khi nước hồ cạn thì mới nhìn thấy để dọn dẹp.
Theo ông Hoàng Thế Hùng, trong những ngày qua, khi hồ Tây cạn nước thì công nhân thu dọn hàng nghìn bát hương bằng sứ, đồng và nhiều đồ thờ cúng đã bị chôn sâu dưới lòng hồ. Mặc dù năm nào nước hồ cũng cạn và lộ ra các loại “rác” tâm linh nhưng sau khi thu dọn chỉ một thời gian, đồ thờ cúng lại bị ném xuống khiến việc xử lý dứt điểm không thực hiện được. Sau khi công nhân xí nghiệp vớt các loại đồ thờ cúng dưới hồ thì sẽ đưa về địa điểm tập kết rác và vận chuyển tới bãi rác Nam Sơn để xử lý.
“Theo quan niệm của nhiều người, việc thả đồ thờ cúng cũ xuống sông, hồ là sạch sẽ, thanh tịnh. Nhưng trên thực tế, cuối cùng những đồ này vẫn phải thu dọn và mang ra bãi rác. Vì vậy, người dân cần thay đổi suy nghĩ để làm sạch sẽ sông, hồ”, ông Hùng chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề này, Ban Quản lý hồ Tây cho biết, để hạn chế vấn nạn trên, đơn vị sẽ phối hợp với các phường xung quanh hồ Tây như phường Bưởi, Xuân La, Quảng An, Nhật Tân, Yên Phụ, Thụy Khuê tăng cường tuyên truyền đến người dân để không ném rác, đặc biệt là “rác” tâm linh xuống hồ, bảo vệ lòng hồ luôn sạch sẽ; nếu phát hiện vi phạm sẽ tiến hành xử phạt. Thực tế, hằng năm, UBND quận Tây Hồ đều yêu cầu UBND các phường nêu trên phân công lực lượng trực ở các điểm cầu nhằm nhắc nhở người dân không vứt bát hương, đồ thờ cúng xuống hồ. Song người dân vẫn chưa nhận thấy những bất cập đó và vẫn thực hiện việc này theo thói quen.
Tết Nguyên đán Ất Tỵ đang tới gần, nhiều gia đình sẽ bao sái bàn thờ, tỉa chân nhang hoặc thay bàn thờ, bát hương mới và tình trạng vứt bỏ những đồ thờ cúng xuống sông, hồ càng trở nên phổ biến. Nếu người dân tìm hiểu kỹ sẽ nắm bắt được quy trình thu gom rác ở trên các tuyến phố, lẫn rác dưới lòng sông, hồ đều được mang ra một điểm tập kết để xử lý chôn lấp thì chắc chắn sẽ có sự thay đổi về nhận thức và hành động.
Ngoài ra, việc vứt bỏ đồ tâm linh xuống sông, hồ sẽ ảnh hưởng đến sự trong sạch của nguồn nước, về lâu dài khiến sông, hồ tại Hà Nội thêm ô nhiễm. Vì vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền thì cần xử lý nghiêm vi phạm để người dân nâng cao ý thức, tránh xả "rác" tâm linh nhằm bảo vệ sông, hồ.
https://hanoimoi.vn/tha-do-tho-cung-xuong-song-ho-can-thay-doi-nhan-thuc-689786.html