Đại uý Phạm Quốc Cường làm mọi cách để được vào Đội Hình sự đặc nhiệm Công an TP HCM, trở thành người bắt nhiều cướp nhất.
Quốc lộ 1 từ Long An về TP HCM chiều một ngày giữa năm 2018 dày đặc xe. Trời mưa lâm râm, gã thanh niên đậm người phóng xe máy vun vút. Bất ngờ từ phía sau, đại uý Phạm Quốc Cường (37 tuổi, Đội đặc nhiệm Phòng Cảnh sát Hình sự - PC02, Công an TP HCM) chở đồng đội vọt lên, ép gã thanh niên dạt vào ôtô 4 chỗ màu đen của một trinh sát khác chạy cùng chiều. Cường nhảy khỏi xe, khóa chặt hai cánh tay chằng chịt hình xăm của gã thanh niên. "Võ Ngọc Phi, mày bị bắt", anh quát.
Phi 27 tuổi, quê Long An, là thủ phạm giật dây chuyền của nhân viên ngoại giao thuộc Tổng lãnh sự quán Liên bang Nga tại TP HCM hai ngày trước đó. Hắn có nhiều tiền án, tiền sự và có khả năng chạy xe tốc độ cao. Các trinh sát đặc nhiệm từng bắt hụt Phi hai lần trong một ngày. Hôm đó, biết con của anh Cường ốm nên tổ công tác không thông báo kế hoạch đón lỏng Phi từ Long An về Sài Gòn. Biết tin, con cũng đỡ sốt, anh vội phóng theo đồng đội, nhận nhiệm vụ bắt bằng được kẻ cướp giật.
Đại uý Phạm Quốc Cường tại Đội Hình sự đặc nhiệm. Ảnh: Uyên Trinh. |
"Anh ấy là người bắt cướp nhiều nhất đơn vị", đồng đội nói về Cường – người có mặt trong hầu hết các chuyên án của Đội Hình sự đặc nhiệm, tiền thân là Đội SBC huyền thoại. "Phải trở thành trinh sát đặc nhiệm bằng mọi cách" là ước mơ từ nhỏ của Cường. Hết phổ thông, anh đăng ký thi vào trường cảnh sát nhưng vì không đủ một điều kiện nên đành chọn học ngành võ Taekwondo của Đại học Thể dục thể thao Trung ương 2 (TP HCM).
Cường có năng khiếu võ thuật từ nhỏ. Năm 1999, anh giành Huy chương vàng Giải vô địch trẻ Taekwondo toàn quốc. Khi là sinh viên, Cường tiếp tục giành hàng loạt giải thưởng lớn: huy chương bạc cúp các CLB mạnh năm 2002, vô địch giải Taekwondo sinh viên toàn quốc năm 2005...
Tốt nghiệp, anh từ chối lời mời ở lại trường làm giảng viên, chọn nghề tài xế xe tải trong hai năm. Năm 2007, một lần đọc báo biết Công an TP HCM tuyển người ngoài ngành, Cường mừng rỡ nộp hồ sơ, ghi rõ nguyện vọng "làm việc ở Đội đặc nhiệm". Trong năm thử thách đầu tiên, anh được phân công dạy võ cho các trinh sát, điều về phòng phong trào. Buồn, Cường trình bày rõ tâm tư, nguyện vọng với cấp trên "chỉ muốn làm trinh sát hình sự" và cuối cùng được chấp thuận.
"Tôi đi theo nhìn anh em làm, học tất cả từ công tác hồ sơ, nhiệm vụ tuần tra, cảm nhận đối tượng, xử lý tình huống mặt đường... Có những vụ bắt được đối tượng nhưng không xử lý được vì thiếu chứng cứ, tức lắm. Từ từ, nghề dạy nghề", anh kể.
Nhiệm vụ của Đội Hình sự đặc nhiệm là phòng chống cướp, cướp giật và các loại tội phạm đường phố khác, nên việc trinh sát ngã xe, bị thương vì bị chúng chống trả là chuyện thường ngày. Mới đây, truy đuổi hai nghi can cướp giật ở quận 10 anh Cường bị chúng xịt hơi cay vào mặt, thoát chết trong gang tấc khi chiếc xe tải suýt tông trực diện. "Tay áo tôi phất ngang đầu xe tải, rợn người. Ngoài nhiệm vụ bắt đối tượng với đầy đủ chứng cứ, chúng tôi phải giữ được an toàn cho người dân, hạn chế tối đa thiệt hại cho nghi can. Không ít lần khi khống chế được đối tượng, họ bị người dân đánh vì tức giận, anh em trong đội phải lấy thân mình che chắn", đại uý hình sự chia sẻ.
Cường cũng được đồng đội đánh giá cao về khả năng "đánh mùi đối tượng cực nhạy". Nhiều lần anh phát hiện nghi can cướp giật ở chiều ngược lại, quay đầu, truy bắt với toàn bộ chứng cứ phạm tội. "Tôi gọi đó là giác quan thứ sáu. Có những thứ là bản năng rồi, không giải thích được", anh nói.
Nghi can cướp ở Sài Gòn bị Đội đặc nhiệm Hình sự bắt giữ. Ảnh: Uyên Trinh. |
Ngoài việc say nghề, Cường thường được anh em trong đội gọi vui là "gã mê vợ". Quen nhau khi chưa làm trinh sát, chị hiểu rất rõ đam mê của anh. Suốt bao năm anh đối diện với những hiểm nguy, hay thường xuyên đi thâu đêm suốt sáng, chị chưa từng trách chồng. Năm 2012, con gái đầu lòng 26 tháng tuổi của anh chị bệnh. Bao nhiêu tiền bạc anh chị đổ hết vào việc chữa trị cho con. Hết nhiệm vụ, đồng đội về trụ sở, Cường vào viện. Vợ anh phải chuyển công việc nhẹ hơn để có thời gian chăm con. Nhưng, con anh chị không qua khỏi.
Hai vợ chồng suy sụp. Anh không dám để vợ ở nhà một mình, đi đâu cũng chở chị theo. Sau đó, để vợ vui, anh chuyển hẳn về nhà cha mẹ chị sống. "Đó là giai đoạn khó khăn nhất của chúng tôi, may mắn đều được anh em trong đơn vị chia sẻ. Có lần tôi bỏ ca trực, chỉ huy, đồng đội không trách móc mà còn hỗ trợ. Tôi rất biết ơn", đại uý Cường nói.
Uyên Trinh