Tàu Trung Quốc đưa dầu vào Triều Tiên thế nào?

Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc cho phép các tàu chở dầu sử dụng cơ sở hạ tầng và lãnh hải của mình để cung cấp dầu cho Triều Tiên.

Vào một buổi sáng đầy nắng tháng Giêng, tàu chở dầu New Konk di chuyển tới một xưởng đóng tàu ở tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc để sửa chữa. Đó là một hoạt động thường lệ ngoại trừ hai điểm bất thường.

Đầu tiên, những người điều hành sử dụng tên giả cho con tàu. Thứ hai, New Konk bị Liên hợp quốc cáo buộc cung cấp dầu bất hợp pháp cho Triều Tiên năm 2020.

Con tàu không hề bị tịch thu và chính quyền Trung Quốc cũng không báo cáo sự xuất hiện của nó.

Các ảnh vệ tinh New York Times thu được cho thấy Trung Quốc cho phép New Konk và các tàu chở dầu tương tự sử dụng cơ sở hạ tầng và lãnh hải của mình để đưa dầu vào Triều Tiên, lách các lệnh trừng phạt của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.

Tàu Trung Quốc đưa dầu vào Triều Tiên thế nào? - 1
New Konk di chuyển tới một xưởng đóng tàu ở tỉnh Phúc Kiến. (Ảnh: Planet Labs)

Các sản phẩm dầu mỏ tinh chế không chỉ quan trọng đối với nền kinh tế Triều Tiên, mà còn là yếu tố không thể thiếu đối với chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng - vốn là mục tiêu của lệnh trừng phạt.

Trung Quốc ủng hộ nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc hạn chế nhập khẩu nhiên liệu của Triều Tiên. Nhưng ảnh vệ tinh cho thấy nước này sẵn sàng làm ngơ trước các hành vi vi phạm.

Căn cứ tụ hội

Loạt ảnh vệ tinh cho thấy New Konk xuất hiện trên một con sông ở thành phố Ninh Đức, phía đông Trung Quốc vào ngày 1/1/2021. Hai hình ảnh, chụp cách nhau hai giờ cho thấy con tàu di chuyển vào ụ tàu của một xưởng đóng tàu.

Để theo dõi các hoạt động của các tàu như New Konk, Ủy ban trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhận được sự hỗ trợ từ ban chuyên gia. Cơ quan này chuyên điều tra và báo cáo các hành vi vi phạm.

“Ủy ban của Liên hợp quốc đã báo cáo trường hợp của New Konk lên Hội đồng Bảo an. Trung Quốc đã chấp nhận báo cáo này, nhưng lại cho phép con tàu mà Liên hợp quốc đề xuất cấm mọi quốc gia cho cập cảng di chuyển vào bến tàu của họ để sửa chữa", Hugh Griffiths - cựu điều phối viên của nhóm chuyên gia Liên hợp quốc về Triều Tiên cho biết.

Việc Trung Quốc vờ như không thấy sự xuất hiện của các tàu chở dầu liên quan tới Triều Tiên cũng có thể được quan sát thấy ở khu vực cách nhà máy đóng tàu ở Ninh Đức gần 50 km.

Theo New York Times, khu vực này đã trở thành nơi "tụ hội" của các tàu chở dầu có quan hệ với Triều Tiên.

Một ảnh vệ tinh từ tháng 11/2020 được Viện Dịch vụ Hoàng gia Liên hiệp Anh (RUSI) phân tích cho thấy khoảng sáu tàu dầu bị đưa vào danh sách đen của Liên hợp quốc cung cấp dầu bất hợp pháp cho các cảng hoặc tàu chở dầu của Triều Tiên.

Cũng có thể quan sát thấy một tàu của hải quân Trung Quốc dường như đang tuần tra trong khu vực. Một trong những con tàu được nhìn thấy trong các bức ảnh vệ tinh là Diamond 8. Diamond 8 xuất hiện ít nhất ba lần trong báo cáo của Liên hợp quốc năm 2020 vì là tàu nước ngoài lớn nhất lén vận chuyển dầu vào Bình Nhưỡng.

Tàu Trung Quốc đưa dầu vào Triều Tiên thế nào? - 2
Diamond 8 xuất hiện gần một cảng của Trung Quốc. (Ảnh: Planet Labs)

"Khuyến nghị của ban chuyên gia của Liên hợp quốc, ảnh vệ tinh cung cấp cơ sở hợp lý để tin rằng các tàu này vi phạm các nghị quyết. Nhưng hiện tại, Trung Quốc vẫn cho các tàu này cập cảng an toàn", ông Griffiths cho hay.

Một con tàu khác được phát hiện gần Ninh Đức là Yuk Tung bị Hội đồng Bảo an đưa vào danh sách đen vào tháng 3/2018. Giới chức Trung Quốc từ chối trả lời khi được hỏi liệu con tàu có bị tạm giữ hoặc báo cáo lên Ủy ban trừng phạt của Liên hợp quốc hay không.

Thay vào đó, họ lập lại các tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong cuộc họp báo hồi đầu tháng 12/2020 , trong đó kêu gọi "thảo luận về việc lùi các lệnh trừng phạt” chống lại Triều Tiên.

Hưởng lợi

Năm 2020, Triều Tiên mở rộng cơ sở hạ tầng dầu mỏ, xây dựng một bến dầu mới ở cảng chính Nampo. Đây là khu vực tàu dầu của Trung Quốc thường xuyên giao nhận dầu.

Một báo cáo do Mỹ soạn thảo gửi lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tháng 6/2020 chỉ ra Triều Tiên đã vượt quá giới hạn nhập khẩu dầu cho phép là 500.000 thùng/năm.

Cả Trung Quốc và Nga - một thành viên thường trực khác của Hội đồng Bảo an đều phản đối báo cáo này.

Chính quyền Biden dự kiến sẽ công bố chi tiết về chính sách đối với Triều Tiên trong những tuần tới. Cách tiếp cận của Washington có thể sẽ phụ thuộc vào cách nước này xử lý quan hệ băng giá với Trung Quốc.

Mỹ nhiều năm qua vẫn hy vọng nước này và Trung Quốc có thể tìm thấy tiếng nói chung trong mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Nhưng theo ông Griffiths, hành động của Trung Quốc liên quan tới các tàu chở dầu cho Triều Tiên có thể cản bước nỗ lực này.

Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo không xác định Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo không xác định

Hôm 25/3, Triều Tiên được cho là đã phóng một quả tên lửa đạn đạo không xác định xuống ra ngoài khơi bờ biển phía ...

Triều Tiên kêu gọi hợp tác với Trung Quốc chống lại Triều Tiên kêu gọi hợp tác với Trung Quốc chống lại "các thế lực thù địch"

Trong thông điệp gửi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kêu gọi hai nước thắt chặt hợp tác ...

/ vtc.vn