Tiếng động thu được gần nơi ARA San Juan mất tích có thể là kết quả của vụ nổ cực mạnh khiến chiếc tàu ngầm bị bóp nát.
Tàu ngầm ARA San Juan trong một chuyến ra khơi. Ảnh: Hải quân Argentina. |
Phân tích tín hiệu thủy âm thu được gần nơi tàu ngầm ARA San Juan của Argentina mất tích hôm 15/11/2017, Bruce Rule, cựu chuyên gia của Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ (ONI) nhận định con tàu đã bị áp lực nước nghiền nát ở trong lòng biển sau một tiếng nổ lớn khiến thủy thủ đoàn thiệt mạng ngay lập tức, theo Info Defensa.
Tín hiệu thủy âm này được tổ chức Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO) thu được từ tọa độ 46 độ nam, 59 độ tây chiều 15/11. Theo Rule, đây nhiều khả năng là tiếng động phát ra khi vỏ tàu ARA San Juan bị bóp nát ở độ sâu 468 m. Tại độ sâu này, mỗi m2 vỏ tàu phải chịu áp lực lên tới 481 tấn, vượt quá khả năng chịu đựng trong thiết kế.
Vào thời điểm vỏ tàu bị hư hỏng, áp suất trong lòng biển biến thành động năng, hình thành dưới dạng những tia nước xuyên qua vỏ tàu với tốc độ lên tới 2.900 km/h, giải phóng năng lượng tương đương 5 tấn thuốc nổ TNT.
Hứng chịu nguồn năng lượng khổng lồ này, thân tàu ARA San Juan bị ép nát chỉ trong 0,04 giây, nhanh gấp đôi tốc độ nhận thức của não người. "Thủy thủ đoàn không chết đuối hay phải chịu đau đớn. Cái chết đến nhanh hơn chớp mắt", ông Rule khẳng định.
Lộ trình và khu vực nghi mất tích (gạch chéo xanh) của ARA San Juan. Đồ họa: DW. |
Toàn bộ phần thân tàu chìm xuống đáy Đại Tây Dương với tốc độ 18-24 km/h. Vụ va chạm với đáy biển không gây tiếng động đủ lớn để xuất hiện trên cảm biến thủy âm ở khoảng cách xa.
Kịch bản này có nhiều nét tương đồng với vụ chìm tàu ngầm USS Scorpion của Mỹ hồi năm 1968. Chiếc Scorpion bị nổ pin điện, khiến toàn bộ thủy thủ đoàn thiệt mạng hoặc bị thương. Vỏ tàu không bị thủng, nhưng việc thiếu lực đẩy từ động cơ cộng với việc không thủy thủ nào còn sức điều khiển khiến USS Scorpion chìm dần, sau đó bị ép vụn ở độ sâu 466 m.
Trước khi mất tích, thủy thủ tàu ARA San Juan báo cáo về sở chỉ huy rằng ắc quy trên tàu bị chập điện do nước biển tràn vào. Tuy không gây ra vụ nổ tức thì, sự cố này có thể tạo ra khí độc làm thủy thủ đoàn bất tỉnh hoặc tử vong. Điều này giải thích lý do con tàu chìm mà không thả phao phát tín hiệu hoặc thực hiện các biện pháp khẩn cấp khác.
Hải quân Argentina và nhiều nước vẫn đang nỗ lực tìm kiếm chiếc tàu ngầm mất tích, nhưng đến nay chưa thu được kết quả khả quan nào. Nhà chức trách Argentina chưa đưa ra bình luận nào đối với bản phân tích của ông Rule.
Phát hiện vật thể đáng ngờ khi tìm kiếm tàu ngầm Argentina
Các nhân viên đã sử dụng thiết bị dò tìm bằng sóng âm để điều tra vật thể nằm sâu dưới biển 26 ngày sau ... |
44 thủ tàu ngầm Argentina nhiều khả năng chết vì một vụ nổ
Quân đội Argentina tin rằng một vụ nổ là nguyên nhân khiến tàu ngầm mất tích, 44 thuỷ thủ thiệt mạng ở Nam Đại Tây ... |