Người phát ngôn Sergey Kupriyanov của Gazprom nói công ty này vẫn tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua các đường ống chạy trên lãnh thổ Ukraine.
Hôm 28/2, người phát ngôn Sergey Kupriyanov của Gazprom - tập khí đốt hàng đầu của Nga nói với các phóng viên rằng công ty này vẫn tiếp tục cung cấp khí đốt qua lãnh thổ Ukraine để vận chuyển đến châu Âu như bình thường.
Ông Kupriyanov nói: “Gazprom cung cấp khí đốt của Nga để vận chuyển qua lãnh thổ Ukraine đến châu Âu, theo yêu cầu của những người tiêu dùng châu Âu - 105,8 triệu mét khối tính đến ngày 28/2".
(Ảnh minh họa: Reuters) |
Theo Tass, lượng khí đốt này gần như tương đương với lượng giao hàng được yêu cầu theo thỏa thuận dài hạn đối với việc vận chuyển khí đốt qua Ukraine (khoảng 109,5 triệu mét khối mỗi ngày).
Theo Bloomberg, vài giờ sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, đã có những lời kêu gọi châu Âu trừng phạt Nga bằng cách chấm dứt hoạt động mua năng lượng. Tuy nhiên phản ứng tức thì của các công ty năng lượng châu Âu là mua thêm khí đốt tự nhiên (phần lớn được vận chuyển qua mạng lưới đường ống chạy qua lãnh thổ Ukraine).
Trong ngày thứ hai, các công ty tiếp tục đặt hàng nhiều nhiên liệu hơn. Có vẻ như lượng mua được thúc đẩy vì theo cách định giá các giao dịch trong hợp đồng dài hạn với Gazprom, khí đốt nhập khẩu từ Nga trở nên rẻ hơn so với khí đốt giao ngay tại các trung tâm châu Âu.
“Cũng có thể có một yếu tố chiến lược là người mua tìm cách mua ngay bây giờ để phòng trường hợp dòng chảy bị gián đoạn hoặc giá tăng hơn trong thời gian tới”, theo Stefan Ulrich, nhà phân tích về khí đốt của Bloomberg.
Lượng cung cấp khí đốt của Nga thông qua Ukraine đã tăng gần 38% vào ngày 24/2, theo dữ liệu từ nhà điều hành mạng lưới tại Ukraine. Các chuyến hàng vào Đức thông qua đường ống Yamal-Europe (không đi qua Ukraine) cũng có thể khởi động lại sau khi bị tạm dừng trong hơn hai tháng.
Châu Âu đang cố gắng đa dạng hóa nguồn cung cấp để giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng tại Ukraine.
Hôm 28/2, công ty năng lượng Shell của Hà Lan-Anh thông báo sẽ rút khỏi liên doanh với Gazprom của Nga và các đơn vị năng lượng liên quan. Một ngày trước, gã khổng lồ cùng ngành BP cũng thông báo sẽ bán bớt 14 tỷ USD cổ phần trong tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Rosneft của Nga.
PHƯƠNG ANH (Nguồn: Tass, Reuters, Bloomberg )
Nga tấn công Ukraine song vẫn bơm khí đốt kỷ lục cho châu Âu |