Tăng phí qua hầm Hải Vân kịch khung: Chủ đầu tư nói gì?

Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả giải thích điều chỉnh tăng phí qua hầm Hải Vân ở mức kịch khung từ ngày 1/5 là thực hiện đúng hợp đồng, phương án tài chính ký kết.

Chủ đầu tư dự án Hầm đường bộ Hải Vân mong người dân chia sẻ với doanh nghiệp và gợi mở những lựa chọn khác nếu không lưu thông qua hầm.

"Mong người dân chia sẻ với nhà đầu tư"

Trả lời VTC News về mức điều chỉnh tăng giá vé qua hầm đường bộ Hải Vân ở mức kịch khung, ông Nguyễn Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả cho biết, lần điều chỉnh giá này được nhà đầu tư tính toán kỹ, phù hợp với hợp đồng và phương án tài chính được phê duyệt.

Theo ông Huy, Đèo Cả cũng là doanh nghiệp tư nhân, phải vay vốn của ngân hàng nên phải chịu áp lực rất lớn.

Áp lực từ các tổ chức tín dụng mà chúng tôi phải chịu rất lớn. Cạnh đó, một số vướng mắc kéo dài nhiều năm nay không được giải quyết nên nếu chúng tôi chậm thực hiện lộ trình điều chỉnh phí theo hợp đồng đã ký với Bộ Giao thông-Vận tải thì đó là điều sai phạm của chúng tôi đối với đơn vị tín dụng đã tài trợ vốn. Chúng tôi không có quyền và giải pháp nào khác là phải thực hiện điều chỉnh giá”, ông Huy cho biết.

Tăng phí qua hầm Hải Vân kịch khung: Chủ đầu tư nói gì? - 1
Trạm thu phí Bắc Hải Vân sẽ tăng giá vé từ 0h ngày 1/5.

So sánh với mức giá của các trạm thu phí khác, ông Huy cho rằng, mức đầu tư của dự án hầm đường bộ cao hơn rất nhiều so với đường bộ hoặc cao tốc. Nếu với cao tốc vào khoảng 129 tỷ/km thì chi phí làm hầm đường bộ là gần 1.000 tỷ đồng. Do vậy, mức phí sẽ phải cao hơn và được Bộ GT-VT thông qua Thông tư 60/TT-BGTVT năm 2018.

Về tỷ trọng tăng giá, trước khi thực hiện, nhà đầu tư đã tính toán chi phí vận hành. Với các chi phí về nhiên liệu, hao mòn phương tiện, sức khỏe và độ an toàn thì chi phí người dân, doanh nghiệp vận tải bỏ ra khi qua hầm vẫn rẻ hơn nhiều so với qua đèo.

Ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả cho biết, việc tăng giá để nhằm cho chủ đầu tư có kinh phí vận hành hầm Hải Vân 2 mới đưa vào hoạt động và mong người dân, doanh nghiệp chia sẻ.

Tôi cũng nói rằng, khi đưa vào vận hành hầm, chúng tôi không đủ kinh phí để vận hành sau khi đã trả lãi ngân hàng. Chúng tôi đã tạm gác những khó khăn đó để đưa hầm Hải Vân 2 này vào vận hành cũng là sự chia sẻ của chúng tôi. Trong bối cảnh vô vàn khó khăn mà Nhà nước chưa giải quyết như vậy, chúng tôi cũng mong người dân chia sẻ một phần với chúng tôi”, ông Thế nói.

Người dân có nhiều lựa chọn

Mức phí áp dụng từ 0h ngày 1/5, gồm: Xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải khách công cộng có mức thu 110 nghìn đồng/lượt. Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn là 160 nghìn đồng/lượt.

Xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn là 200 nghìn đồng/lượt. Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn, xe chở hàng bằng container 20 feet là 210 nghìn đồng/lượt. Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet mức thu 280 nghìn đồng/lượt.

Nói thêm về mức điều chỉnh này, ông Thế cho biết, nhiều tài khoản facebook, các trang mạng xã hội đưa thông tin rằng đó là tận thu, không chia sẻ khó khăn với người dân.

"Đó là những người chưa hiểu thấu đáo được Đèo Cả đang đối mặt với rất nhiều khó khăn mà bản thân Công ty đang cố gắng để vận hành hầm Hải Vân giúp người dân, doanh nghiệp tham gia giao thông được thuận lợi", ông Thế nêu.

Tăng phí qua hầm Hải Vân kịch khung: Chủ đầu tư nói gì? - 2
Hầm Hải Vân nối Đà Nẵng và Thừa Thiên-Huế.

Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả cho biết thêm, chủ đầu tư cũng thực hiện hỗ trợ cho người dân quanh khu vực trạm thu phí khoảng cách từ 5-10 km theo đúng quy định của Bộ GT-VT và nhận được sự đồng thuận của người dân phía Lăng Cô cũng như khu vực Đà Nẵng.

"Với các dự án của chúng tôi thì người dân có nhiều lựa chọn để đi. Riêng hầm Hải Vân số 2 này, người dân không những chỉ có một lựa chọn mà có nhiều lựa chọn. Một là đi trên đèo, hai nữa là sắp tới có thể lựa chọn đi theo tuyến La Sơn-Túy Loan”, ông Thế chia sẻ.

Đây là lần điều chỉnh tăng giá vé thứ 2 tại Trạm Bắc Hải Vân. Lần đầu là ngày 27/9/2019, trạm thu phí Bắc Hải Vân điều chỉnh giá vé tăng gần như gấp đôi do thu thực hiện phương án thu gộp với hầm Phước Tượng và hầm Phú Gia tại huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế.

Xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải khách công cộng tăng từ 35 nghìn đồng/lượt lên 70 nghìn đồng và cao nhất là 240 nghìn đồng /lượt với loại xe nhóm thuộc nhóm 5.

Vì sao hầm Hải Vân 2 vừa khánh thành lại sắp đóng cửa? Vì sao hầm Hải Vân 2 vừa khánh thành lại sắp đóng cửa?

Hầm Hải Vân 2 vận hành 20 ngày trong dịp Tết Nguyên đán và sẽ tạm đóng cửa sau đó, do chủ đầu tư gặp ...

/ vtc.vn