Tăng nhiệt cuộc chiến công nghệ cao Mỹ - Trung Quốc

Trong bối cảnh chưa thể “cài đặt lại” mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc vốn đã không mấy tốt đẹp, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này lại có nguy cơ bùng phát một cuộc chiến mới trong lĩnh vực công nghệ cao bởi một quyết định “cấm cửa” đầu tư vào Trung Quốc phát ra từ Nhà trắng.

Tăng nhiệt cuộc chiến công nghệ cao Mỹ - Trung Quốc  ảnh 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden ký sắc lệnh cấm đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao tại Trung Quốc

Mỹ “cấm cửa” đầu tư công nghệ cao vào Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 9-8 đã ký một sắc lệnh hành pháp cấm một số khoản đầu tư nhất định của Mỹ vào công nghệ nhạy cảm ở Trung Quốc, đồng thời yêu cầu chính phủ phải được báo cáo về hoạt động tài trợ trong các lĩnh vực công nghệ khác. Sắc lệnh được không ít giới tại Mỹ chờ đợi từ lâu này cho phép Bộ trưởng Tài chính Mỹ cấm hoặc hạn chế một số khoản đầu tư của cường quốc kinh tế số một thế giới vào các thực thể ở Trung Quốc hoạt động trong 3 lĩnh vực công nghệ cao quan trọng bậc nhất: chất bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và một số hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI).

Sắc lệnh của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm ngăn chặn nguồn vốn và chuyên môn của Mỹ giúp phát triển các công nghệ có thể hỗ trợ quá trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc, điều được cho làm suy yếu an ninh quốc gia của Mỹ. Phạm vi lệnh cấm trong sắc lệnh bắt đầu thực thi từ năm 2024, tập trung vào các lĩnh vực như vốn cổ phần tư nhân, vốn mạo hiểm, liên doanh và đầu tư vào lĩnh vực xanh.

Một trong những mục tiêu mà lệnh cấm của Mỹ muốn nhắm tới ngăn đầu tư vào các công ty Trung Quốc để giúp họ có thể phát triển phần mềm để thiết kế chip. Đây là lĩnh vực công nghệ cao mà một số cường quốc như Mỹ, Nhật Bản… đang thống trị trong khi Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng các giải pháp thay thế trong nước. Lệnh cấm không chỉ áp dụng với các công ty, thực thể của Mỹ mà còn với các công ty trên thế giới có làm ăn, hợp tác với Mỹ. Thế nên, lệnh cấm còn là sự hợp tác của Mỹ với các đồng minh và đối tác của cường quốc này để thực thi các biện pháp nhằm ngăn Trung Quốc tiếp cận công nghệ cao của phương Tây nói chung.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho biết, lệnh cấm của chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ chỉ gây ra tác động hạn chế đối với các doanh nghiệp Hàn quốc, do lệnh chỉ áp dụng với các cá nhân, thực thể của Mỹ và hạn chế các khoản đầu tư trong tương lai. Tuy nhiên, cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực công nghệ của Hàn Quốc cũng nêu rõ sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các tác động của lệnh cấm trên đối với nền kinh tế và gửi ý kiến tham vấn cho Washington trong trường hợp cần thiết.

Sắc lệnh của Tổng thống Joe Biden vì thế đã được chính giới Mỹ vốn từ lâu đã xem Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược toàn cầu tán thưởng. Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer cùng với việc ca ngợi sắc lệnh của Tổng thống Joe Biden đã cho rằng Quốc hội Mỹ phải ghi nhận và sửa đổi những quy định luật pháp để thể chế hóa việc “cấm cửa” đầu tư của Mỹ vào các lĩnh vực công nghệ cao tại Trung Quốc.

Trong những phản ứng đầu tiên, phía Trung Quốc tỏ ra kiềm chế, tránh lên án và chỉ trích trực diện sắc lệnh vừa được Tổng thống Mỹ ký ban hành, song người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington Lưu Bằng Vũ (Liu Pengyu) cho biết, Trung Quốc “rất thất vọng” trước quyết định mới của Mỹ cấm một số khoản đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao tại Trung Quốc. Quan chức Trung Quốc nhấn mạnh, các biện pháp kiềm chế của chính quyền Mỹ sẽ “làm suy yếu nghiêm trọng lợi ích của các công ty cũng như nhà đầu tư Trung Quốc và Mỹ”.

Bộ Thương mại Trung Quốc cũng thể hiện “quan ngại sâu sắc” trước lệnh cấm của chính quyền Mỹ, cho rằng chính sách mới của Washington làm “ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu”. Bộ này cũng cảnh báo, Bắc Kinh có quyền thực hiện các biện pháp phù hợp với hoàn cảnh, đồng thời bày tỏ hy vọng Washington sẽ tôn trọng luật kinh tế thị trường, đảm bảo quy tắc cạnh tranh công bằng và tránh kìm hãm các hoạt động hợp tác, trao đổi kinh tế - thương mại toàn cầu.

Nóng bỏng những đòn trả đũa

 Bất chấp việc giới chức Mỹ cho rằng, các lệnh cấm mới được đưa ra nhằm giải quyết các rủi ro an ninh quốc gia "nguy hiểm nhất" và không chia tách hai nền kinh tế vốn phụ thuộc lẫn nhau của hai nước, song giới quan sát cho rằng động thái này có thể thổi bùng thêm căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo họ, Trung Quốc chắn chắn sẽ không ngồi yên chịu trận, sẽ đưa ra những đòn trả đũa nhằm vào Mỹ trong thời gian tới.

Trung Quốc mới đây cũng đã gây ra cơn sóng gió tranh chấp với Mỹ về công nghệ cao khi quyết định “cấm cửa” các sản phẩm của “gã khổng lồ” sản xuất chip Micron. Theo đó, vào hạ tuần tháng 5-2023, Cơ quan giám sát an ninh mạng Trung Quốc (CAC) đã ban hành lệnh cấm các nhà điều hành những cơ sở hạ tầng quan trọng của Trung Quốc mua sản phẩm của công ty sản xuất chip Micron Technology của Mỹ. Lý do, theo CAC, các sản phẩm của công ty sản xuất chip Micron đã không vượt qua được cuộc điều tra về an ninh mạng theo tiêu chuẩn của Trung Quốc và các sản phẩm của công ty chip này “đặt ra các vấn đề tương đối nghiêm trọng đối với an ninh mạng, tác động đến an ninh quốc gia của Trung Quốc”.

Quyết định của Trung Quốc khi đó đã gây thêm căng thẳng trong quan hệ với Mỹ bởi Công ty Micron là nhà chế tạo linh kiện bán dẫn hàng đầu của Mỹ và lớn thứ tư thế giới, chiếm từ 20 đến 25% thị phần của ngành công nghiệp sản xuất bộ nhớ DRAM (Dynamic random-access memory) toàn cầu, còn gọi là “bộ nhớ động”. Thị trường Trung Quốc chiếm 11% trong tổng doanh thu 30,8 tỉ USD của Micron trong năm 2022. Các khách hàng Trung Quốc của Micron gồm nhiều tập đoàn công nghệ lớn như: Lenovo, Xiaomi, ZTE, Coolpad, China Electronics Corp hay Oppo…

Hơn thế, lệnh cấm của Trung Quốc không biết vô tình hay có chủ ý mà đưa ra đúng vào lúc “ông lớn” sản suất chip Micron của Mỹ đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Công ty này ngay trước đó đã báo lỗ ròng 2,3 tỷ USD trong quý tài chính đầu 2023, lớn nhất trong hai thập kỷ qua. Hãng phải lên kế hoạch sa thải 15% lực lượng lao động, tương đương 7.200 nhân viên trên toàn cầu.

Thế nên, chính giới Mỹ đã phản ứng rất mạnh, nhất là từ Đồi Capitol. Chủ tịch Ủy ban về Trung Quốc của Hạ viện Mỹ Mike Gallagher kêu gọi, Bộ Thương mại nước này áp đặt hạn chế đối với nhà sản xuất chip Changxin Memory Technologies (CXMT) của Trung Quốc. CXMT là nhà sản xuất chip bộ nhớ DRAM hàng đầu của Trung Quốc. Công ty này cũng là đối thủ cạnh tranh có nhiều khả năng được hưởng lợi nhất, nếu Micron bị cấm tham gia thị trường chip khổng lồ của Trung Quốc. Giới chức Quốc hội Mỹ thúc ép Chính phủ Mỹ phải có lập trường “cứng rắn hơn đối với Trung Quốc”.

Trung Quốc trừng phạt Micron và mới nhất là việc Chính phủ Mỹ “cấm cửa” đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao của Trung Quốc cho thấy, tranh chấp thương mại ngày càng mở rộng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này, cũng như giữa Mỹ và phương Tây với Trung Quốc nói chung. Trung Quốc với sự trỗi dậy mạnh mẽ về nhiều mặt của mình đã trở thành đối thủ cạnh tranh chiến lược, đe dọa lợi ích của Mỹ và phương Tây từ chính trị cho tới kinh tế - thương mại và khoa học kỹ thuật, trong đó công nghệ cao là một “mặt trận” nóng bỏng.

Tại Hội nghị thượng đỉnh của Nhóm 7 nước công nghiệp phương Tây phát triển nhất thế giới (G7) diễn ra tại Nhật Bản hồi trung tuần tháng 5-2023, Mỹ và các đồng minh đã đưa ra bàn thảo cách thức giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong chuỗi cung ứng, đồng thời tìm đến nhiều giải pháp chống lại “sức ép kinh tế” cường quốc này. Trong bối cảnh đó, động thái mới nhất của chính quyền Tổng thống Joe Biden chắc chắn sẽ làm cho cuộc chiến công nghệ cao vốn đã căng thẳng lâu nay giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ càng thêm nóng bỏng.

https://www.anninhthudo.vn/tang-nhiet-cuoc-chien-cong-nghe-cao-my-trung-quoc-post548465.antd

Hoàng Hà / ANTD