Đây là nhận định của ông Nguyễn Tiến Thỏa – Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam tại “Tọa đàm trực tuyến về giá điện”, do Báo Thanh Niên tổ chức vào sáng nay 16/5.
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa – Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, việc tăng giá điện trong thời điểm này là hợp lý. Kỳ điều chỉnh giá điện gần nhất là từ 2019, đến nay thị trường đã chịu những biến động, các chi phí để sản xuất điện đều biến động theo chiều hướng tăng lên.
Tính từ năm 2019-2022 lạm phát của nền kinh tế, tính lũy tiến tăng khoảng 10%. Tính cụ thể, các đầu vào chi phí sản xuất điện, về chi phí nguyên nhiên vật liệu để cung ứng cho sản xuất chung của nền kinh tế tăng 20,3%.
Về nguồn nhiện liệu than cho sản xuất điện năm 2022, giá than thế giới mà chúng ta phải nhập khẩu về để pha trộn với than trong nước để sản xuất nhiệt điện than, năm 2022 so với năm 2020 tăng gấp 6 lần, so với năm 2021, tăng 2,6 lần. Cho nên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải mua điện để cung ứng cho bán lẻ của nhiệt điện than tăng 25%.
Bên cạnh đó, nhiệt điện khí cũng lấy giá dầu làm cơ sở tính giá khí cho nhiệt điện khí nên cũng tăng rất cao. Vì vậy EVN cũng phải mua nhiệt điện khí với mức tăng khoảng 11,3%. Tất cả đầu vào đều tăng, chưa kể tỷ giá, tiền lương tổi thiểu,…
“Như vậy, trong hoàn cảnh mà yếu tố khách quan tác động vào giá điện như đã nêu thì chắc chắn chúng ta phải điều chỉnh giá điện. Nếu tiếp tục kéo dài tình trạng này thì dòng tiền của ngành điện sẽ bị âm và tác động đối với việc bảo đảm an ninh năng lượng, tác động tới việc thu hút đầu tư vào phát điện, truyền tải, phân phối điện. Điều này sẽ ảnh hưởng không thuận trong việc chúng ta đang tiếp tục phải bảo đảm nhu cầu tăng trưởng tiêu dùng điện tăng cao như hiện nay”, ông Thỏa phân tích
Đánh giá về tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện đến thị trường, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho biết, mức điều chỉnh tăng giá điện 3% tác động đến lạm phát trực tiếp khoảng 0,0099%, tác động lan tỏa đến các ngành nghề khác trong nền kinh tế quốc dân khoảng 0,18%. Tác động này thực tế không lớn.
Đối với các ngành sản xuất sử dụng nhiều điện như ngành thép và ngành xi măng làm tăng giá thành lần lượt khoảng 0,18% và 0,45%. Ngành dệt may làm tăng giá thành khoảng 0,4%,…
Đối với người tiêu dùng, trên tổng số 25 triệu hộ gia đình sử dụng điện hiện nay, bình quân khoảng 200KWh/1 hộ/tháng – với việc giá điện tăng thêm 3% người tiêu dùng sẽ phải trả thêm 56 đồng cho mỗi KWh điện sử dụng. Như vậy mỗi hộ gia đình hàng tháng sẽ phải trả thêm 11.186 đồng/tháng.
Với những hộ gia đình sử dụng ít hơn 50 KWh/tháng thì tác động không đáng kể. Riêng những hộ gia đình có mức tiêu thụ hơn 400 KWh/tháng mức giá phải trả thêm khoảng 35.500 đồng.
“Riêng vấn đề EVN quản lý có yếu kém hay không, vấn đề quản trị của EVN thì tự EVN phải đánh giá, phải cải cách, cải tiến sao cho hợp lý nhất để tiết kiệm chi phí, ..”, ông Thỏa đưa ra ý kiến thêm.