Tận dụng thời cơ để sản xuất, xuất khẩu gạo

Do ảnh hưởng của El Nino, một số nước đã cấm xuất khẩu gạo. Theo Bộ Công Thương, phải tranh thủ thời cơ này đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu nhiều nhất, mang lại giá trị cao nhất nhưng phải đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

1.jpg -0
Giá lúa tại ĐBSCL đang tăng mạnh.

Giá lúa gạo tăng từng ngày

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá lúa gạo tại ĐBSCL  hiện đang tăng từ 300 – 400 đồng/kg so với tuần trước. Theo đó, lúa hạt dài thu mua tại ruộng từ 7.200-7.450 đồng/kg, lúa thường từ 7.150-7.350 đồng/kg; gạo thành phẩm xuất khẩu (không bao tại mạn) loại 5% tấm từ 13.500-14.000 đồng/kg (tăng từ 1.325- 1.500 đồng/kg), gạo 25% tấm từ 12.500 – 13.600 đồng/kg (tăng từ 1.200-1.400 đồng/kg). Giá lúa tăng cao làm nông dân rất vui mừng.

Ông Nguyễn Văn Hải (ngụ xã Huyền Hội, huyện Càng Long, Trà Vinh), phấn khởi: “Cách đây 2 tuần, tôi vừa bán 18 công lúa hè thu giống OM 18 với giá 7.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, tôi thu lãi 1,5 triệu đồng/công. Hơn 10 năm qua tôi mới thấy giá lúa cao như vậy, vì bình thường mọi năm giá chỉ dao động từ 6.300-6.400 đồng/kg. Hiện nay giá lúa đang tăng nữa, thương lái đi thu mua phải từ 7.300-7.400 đồng/kg”.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cho biết theo kế hoạch được Bộ NN-PTNT xây dựng từ đầu năm 2023, diện tích gieo trồng lúa của nước ta năm nay đạt khoảng 1,7 triệu ha, cho sản lượng 43 triệu tấn, tương đương hơn 20 triệu tấn gạo. Ngoài đảm bảo an ninh lương thực (ANLT) trong nước, chế biến, làm giống, chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2023. Cục Trồng trọt đã điều chỉnh nâng diện tích vụ thu đông ở ĐBSCL từ 650.000ha lên 700.000ha. Theo tính toán, với việc tăng thêm 50.000ha, năng suất vụ thu đông đạt khoảng 5,7 tấn/ha thì sản lượng là 325.000 tấn lúa, tương đương 200.000 tấn gạo, có thể thu về thêm hơn 100 triệu USD.

Giá lúa tăng nhưng theo phản ánh của một số doanh nghiệp (DN) cung ứng, xuất khẩu gạo thì họ đang gặp không ít khó khăn. Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, hiện phần lớn các DN ở địa phương khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đặc biệt là nguồn vốn linh động trong khi giá lúa gạo trong những năm gần đây đầy biến động. Giá cả thị trường nội địa có thời điểm tăng đột biến nên ảnh hưởng đến giá cạnh tranh xuất khẩu. Một số DN ký hợp đồng xuất khẩu với giá thấp không thu mua đủ nguyên liệu dẫn đến kinh doanh kém hiệu quả.

Bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Chủ tịch HĐQT Công ty Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát (TP Cần Thơ) cho rằng giá gạo xuất khẩu tăng là điều đáng mừng nhưng lại khó khăn cho DN xuất khẩu là giá thu mua lúa trong nông dân tăng lên từng ngày. “Vừa rồi giá lúa là 6.500 đồng/kg nhưng mấy ngày nay tăng lên 7.400 đồng/kg. Giá lúa tăng không có điểm dừng nhưng chúng tôi ký hợp đồng với đối tác trước đó không thể nào xin tăng giá gạo lên, còn muốn mua được lúa bắt buộc phải mua giá cao. Nếu ngưng cấm xuất khẩu gạo trong thời điểm này thì mất đi cơ hội bán được giá cao, nên cần có giá sàn và giãn thời gian xuất khẩu ra để chúng tôi có thời gian thu gom đủ gạo để xuất”- bà Huyền đề xuất.

Đồng tình, ông Nguyễn Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông (tỉnh Đồng Tháp), phản ánh các DN đang đối mặt với chuỗi đứt gãy ngoài đồng rất lớn. Người nông dân bán lúa cao thì mừng nhưng bán sang tay qua nhiều lần, giá lúa tăng nhiều, DN không lấy được hàng để giao.

Tận dụng thời cơ để sản xuất, xuất khẩu gạo -0
Giá lúa tại ĐBSCL đang tăng mạnh.

Cần tạo dựng thương hiệu và có chiến lược

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết: “ĐBSCL có 180 DN xuất khẩu gạo nhưng qua khảo sát chỉ có 50 DN hợp tác với HTX, nông dân. Qua vụ việc này chúng ta phải tái cơ cấu lại cách phối hợp giữa DN và HTX xây dựng vùng nguyên liệu”.

Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới- đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu chủng loại gạo chiếm 80% tổng lượng xuất khẩu đã gây tác động mạnh đến thương mại gạo toàn cầu, ảnh hưởng đến 140 quốc gia. Đến ngày 28-7, UAE cũng thông báo cấm xuất khẩu, và ngày 29-7, cũng cấm. Một loạt nước khác cũng sẽ đưa ra lệnh cấm xuất khẩu gạo đặc biệt là các nước sản xuất lớn như Thái Lan, Pakistan, Trung Quốc, Hoa Kỳ... Tiếp theo là các nước sản xuất ngũ cốc khác: ngô, đậu tương. Khủng hoảng lương thực sẽ trầm trọng trên toàn cầu.

Tại hội nghị “Triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo” được tổ chức mới đây tại TP Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định hiện nay là thời cơ đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu gạo, xuất khẩu trong điều kiện cho phép nhằm mang lại hiệu quả và giá trị cao nhất cho người sản xuất, người kinh doanh nhưng phải đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, trước động thái của các nước xuất khẩu gạo, chúng ta phải rất thận trọng. Khi quá đà xuất khẩu về sản lượng và giá trị, lúc đó chất lượng hạt gạo chưa chắc được bảo đảm, đồng nghĩa thương hiệu gạo chưa được khẳng định. Nếu các nước cấm xuất khẩu gạo mà mở cửa trở lại với giá bán thấp, lúc này giá gạo của Việt Nam tăng cao thì DN sẽ mất đơn hàng, sau đó là mất các thị trường.

Văn Vĩnh / CAND