Thêm nhiều nước cấm xuất khẩu gạo, hai bộ Công thương - Nông nghiệp nói gì?

Các nước cấm xuất khẩu gạo là cơ hội tốt cho Việt Nam, tuy nhiên, để đảm bảo an ninh lương thực cần duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu.

Phải thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu

Bộ Công thương vừa có văn bản gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam; thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo về việc thực hiện trách nhiệm quy định tại Nghị định số 107 về xuất khẩu gạo.

Theo bộ này, hiện tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường do tác động bởi nhiều yếu tố như lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số nước (Ấn Độ, UAE, Nga)...

Do đó, để góp phần tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa; bảo đảm cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; góp phần bình ổn giá thóc, gạo trong nước; đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực quốc gia, Bộ Công thương đề nghị Hiệp hội và Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện 3 giải pháp.

thêm nhiều nước cấm xuất khẩu gạo, hai bộ công thương - nông nghiệp nói gì?

Giá lúa gạo liên tục tăng cao.

Đó là, thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 107; đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, phải báo cáo tình hình lượng thóc, gạo tồn kho; tình hình ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo.

Ngoài ra, chủ động theo dõi sát tình hình thị trường thương mại gạo toàn cầu; kịp thời báo cáo Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tình hình. Liên Bộ này cho biết, dự kiến ngày 4/8, tại TP Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên sẽ chủ trì Hội nghị liên quan đến điều hành xuất khẩu gạo. Hội nghị sẽ bàn về các giải pháp xuất khẩu gạo trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Có thể xuất khẩu 7,5 triệu tấn

Tại cuộc họp báo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) chiều nay (1/8), bộ này khẳng định, các nước trên đang cấm xuất khẩu gạo chính là cơ hội cho Việt Nam.

Nhận định về tình hình xuất khẩu gạo năm 2023, Bộ NN&PTNT cho rằng, với những yếu tố thuận lợi về thị trường, dự kiến xuất khẩu gạo năm 2023 sẽ đạt khoảng 7-7,5 triệu tấn (năm 2022, khối lượng gạo xuất khẩu đạt 7,1 triệu tấn).

Lượng gạo xuất khẩu có thể tăng tốc trong thời điểm này, bộ này lý giải, nhờ việc hiện nay các loại cây trồng đều phát triển tốt do chúng ta ít chịu tác động của tình trạng El Nino hơn.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cũng cho biết, để nắm bắt thời cơ, Bộ NN&PTNT đã bố trí nâng diện tích trồng lúa tại đồng bằng sông Cửu Long từ đầu năm 2023 là 650.000ha lên con số 700.000ha.

“Đây là thời cơ cho chúng ta, nếu không chớp thời cơ, chúng ta sẽ bị lỡ. Ngày hôm qua, Bộ NN&PTNT đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị tăng cường xuất khẩu gạo nhằm tranh thủ cơ hội trong bối cảnh hiện nay của sản xuất lúa gạo thế giới”, ông Nguyễn Như Cường thông tin.

Tuy nhiên, ông lưu ý, dù cơ hội có tốt đến đâu, mục tiêu quan trọng nhất của chúng ta vẫn là đảm bảo an ninh lương thực.

Do vậy, tùy theo tình hình thị trường, thời điểm, Chính phủ và các Bộ ngành sẽ có sự điều tiết linh hoạt giữa tiêu thụ trong nước - dự trữ - xuất khẩu.

https://www.baogiaothong.vn/them-nhieu-nuoc-cam-xuat-khau-gao-hai-bo-cong-thuong-nong-nghiep-noi-gi-d599256.html

Hồng Hạnh / Giao thông