Tận dụng cơ hội tái định hình chuỗi giá trị toàn cầu

Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lịch sử để nâng tầm phát triển. Khi các chuỗi giá trị toàn cầu bị đứt gãy và tái cơ cấu mạnh mẽ, việc xác lập một vị trí cao hơn trong các mạng lưới sản xuất và thương mại toàn cầu không chỉ là mục tiêu, mà là điều kiện sống còn nếu Việt Nam muốn hiện thực hóa khát vọng tăng trưởng GDP hai con số trong thập kỷ tới.

Đón đầu làn sóng dịch chuyển chuỗi giá trị: Cơ hội bứt phá của kinh tế Việt Nam
Đón đầu làn sóng dịch chuyển chuỗi giá trị, cơ hội bứt phá của kinh tế Việt Nam

Ngoại giao cân bằng - nền tảng cho hội nhập sâu

Theo PGS.TS. Lê Đình Hải, Phó Trưởng khoa Kinh tế Phát triển, trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội: “Tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu không chỉ là thách thức đối với các nền kinh tế mới nổi, mà còn là cơ hội vàng. Ai chuẩn bị sớm, xây dựng nền tảng tốt, người đó sẽ trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị mới”.

Đối với Việt Nam, điều này đòi hỏi sự kết hợp khéo léo giữa chiến lược ngoại giao linh hoạt, chính sách kinh tế chủ động và cải cách thể chế sâu rộng.

Trong một thế giới phân cực, chiến lược bamboo diplomacy (ngoại giao mềm dẻo nhưng vững vàng) giúp Việt Nam giữ vững môi trường hòa bình, từ đó tạo nền tảng thu hút đầu tư và phát triển kinh tế.

Việt Nam là một trong số ít quốc gia có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với cả bảy cường quốc lớn gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và gần đây là Australia. Việc cân bằng lợi ích với các nước lớn, không nghiêng hẳn về bên nào, giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của dòng vốn quốc tế trong làn sóng chuyển dịch sản xuất.

Quan điểm đối ngoại “bốn không” - không tham gia liên minh quân sự, không cho đặt căn cứ, không đi với nước này chống nước kia, không sử dụng vũ lực - đã tạo niềm tin cho các nhà đầu tư quốc tế về một môi trường ổn định, trung lập và thuận lợi cho kinh doanh lâu dài. Chính sách này không mang tính trung lập bị động, mà thể hiện sự chủ động hội nhập, khi Việt Nam tích cực tham gia các diễn đàn như ASEAN, APEC, hay Liên Hợp Quốc để thúc đẩy đối thoại và trật tự dựa trên luật lệ quốc tế.

Từ năm 2018 đến nay, các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Apple, Samsung, Intel, Dell, Google... đã đầu tư mạnh vào Việt Nam, biến nước ta thành trung tâm sản xuất và cung ứng hàng đầu tại Đông Nam Á. Đặc biệt, Apple đã có 35 nhà cung ứng tại Việt Nam, đưa nước ta trở thành trung tâm sản xuất lớn thứ tư trong chuỗi cung ứng toàn cầu của hãng.

Tuy nhiên, việc chỉ thu hút đầu tư FDI chưa đủ để bứt phá. Việt Nam cần nhanh chóng nâng cấp vị trí trong chuỗi giá trị, thay vì chỉ là nơi lắp ráp với giá trị gia tăng thấp. Điều này đòi hỏi phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào mạng lưới cung ứng của các tập đoàn quốc tế. Chính phủ cần thiết lập các trung tâm đổi mới sáng tạo, tăng cường liên kết giữa FDI và doanh nghiệp nội địa, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Một điểm sáng nữa là việc Việt Nam đã ký kết và thực thi hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, như EVFTA, CPTPP, RCEP. Những FTA này mở ra cánh cửa vào các thị trường lớn, ưu đãi thuế quan và thúc đẩy cải cách thể chế trong nước. Đặc biệt, trong bối cảnh thương mại toàn cầu bị phân mảnh, việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu giúp Việt Nam giảm phụ thuộc vào Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường chiếm tới 50% tổng kim ngạch xuất khẩu hiện nay.

Chuyển đổi số và tăng trưởng xanh - hướng đi tất yếu

Một trụ cột khác để nâng tầm vị thế kinh tế là thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển kinh tế số. Đến năm 2024, tỷ lệ đóng góp của kinh tế số vào GDP Việt Nam đã đạt 18,3%. Nửa đầu năm 2025, con số này tiếp tục tăng lên 18,7 % GDP. Các lĩnh vực như thương mại điện tử, thanh toán số, giáo dục số đang bùng nổ, đưa Việt Nam vào nhóm nước có tốc độ số hóa nhanh nhất Đông Nam Á.

Đa dạng hóa thị trường và tận dụng FTA
Đa dạng hóa thị trường và tận dụng FTA

Tuy nhiên, để chuyển đổi số đi vào chiều sâu, cần đồng bộ nhiều giải pháp: đầu tư vào hạ tầng mạng 5G, phát triển chính phủ điện tử, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và người dân ở nông thôn tiếp cận công nghệ là nhiệm vụ quan trọng để thu hẹp khoảng cách số.

Một số kỳ lân công nghệ Việt như MoMo, VNG, FPT đang chứng minh năng lực cạnh tranh khu vực và góp phần nâng cao vị thế sản phẩm số nội địa. Việc xây dựng khu đô thị sáng tạo như Thủ Đức hay Khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ tạo ra những “cực tăng trưởng số” mới cho nền kinh tế.

Phát triển bền vững và tăng trưởng xanh là điều kiện không thể thiếu nếu Việt Nam muốn tăng trưởng nhanh nhưng không đánh đổi môi trường và an sinh xã hội. Biến đổi khí hậu đang tác động ngày càng nghiêm trọng đến Việt Nam, đe dọa an ninh lương thực, năng lượng và sinh kế hàng triệu người.

Cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại COP26 đã mở ra hướng đi mới cho Việt Nam, nơi kinh tế xanh sẽ trở thành động lực tăng trưởng. Việc chuyển dịch từ điện than sang năng lượng tái tạo, khuyến khích kinh tế tuần hoàn, xây dựng đô thị xanh, giao thông công cộng sạch... sẽ không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro mà còn thu hút vốn đầu tư xanh từ quốc tế.

Chiến lược tăng trưởng xanh và chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đặt ra mục tiêu giảm phát thải, tăng tỷ lệ năng lượng sạch và giữ ổn định độ che phủ rừng. Để đạt được điều đó, Việt Nam cần có các cơ chế tài chính xanh, ưu đãi cho doanh nghiệp xanh và khung pháp lý hỗ trợ thị trường carbon trong nước.

Để tăng trưởng kinh tế hai con số trong một thế giới bất định, Việt Nam phải tận dụng tốt cơ hội tái định hình chuỗi giá trị toàn cầu. Đó là một chiến lược tổng thể, kết hợp khéo léo giữa ngoại giao linh hoạt, cải cách thể chế, chuyển đổi số sâu rộng, xanh hóa phát triển và tận dụng triệt để các FTA. Với nền tảng đã được xây dựng trong hơn ba thập niên đổi mới, nếu tiếp tục kiên định con đường cải cách và hành động mạnh mẽ, Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên thành một trung tâm sản xuất, đổi mới và kết nối trong mạng lưới kinh tế toàn cầu thế kỷ 21.

https://thoibaonganhang.vn/tan-dung-co-hoi-tai-dinh-hinh-chuoi-gia-tri-toan-cau-167419.html

Bình Minh / Theo Thời báo Ngân hàng