Tạm biệt JCPOA…

Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Iran đang tranh cãi về nguồn gốc của các hạt phóng xạ được phát hiện tại 3 địa điểm chưa được khai báo ở Iran. Đối với IAEA, vấn đề liên quan đến kỹ thuật, trong khi với Iran, vụ việc lại mang tính chính trị. Thông tin tình báo mà IAEA dựa vào để điều tra các cơ sở này đến từ Israel, quốc gia phản đối chương trình hạt nhân của Iran và bị Tehran cáo buộc ngụy tạo thông tin tình báo giả trong quá khứ.

Tranh cãi đã làm nảy sinh câu hỏi nhức nhối về khả năng tồn tại của Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), nhất là sau khi Iran quyết định tắt camera giám sát khiến việc xác minh trong tương lai trở nên bất khả thi. Hậu quả là JCPOA gần như đã chết.

Việc Iran quyết định ngắt kết nối hệ thống giám sát camera của IAEA đã chấm dứt những dấu hiệu cuối cùng còn lại của các biện pháp giám sát chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo theo các điều khoản của thỏa thuận JCPOA, hay còn gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran. Điều này đã làm tổn thương quá trình đàm phán nhằm đưa Mỹ trở lại tiến trình JCPOA và bằng cách đó sẽ khiến Iran quay lại tuân thủ các nghĩa vụ của họ. Quyết định tắt 27 camera giám sát vốn được thiết lập để giám sát các hoạt động hạt nhân được đề cập trong JCPOA đồng nghĩa với việc chấm dứt một thỏa thuận tạm thời giữa Iran và IAEA, đạt được hồi tháng 2-2021.

Một đạo luật được Quốc hội Iran thông qua vào tháng 12-2020 yêu cầu Chính phủ Iran ngừng hoạt động giám sát này nếu các lệnh trừng phạt của Mỹ không được dỡ bỏ trước ngày 23-2-2021. Với việc các camera hiện đã ngừng hoạt động, cơ hội để IAEA và Iran khôi phục mức độ tin cậy có thể chấp nhận được đối với một chế độ kiểm chứng sự tuân thủ của Iran trong tương lai giảm sút đáng kể, khiến việc hồi sinh JCPOA trở nên khó khăn, nếu không muốn nói là không thể.

Tạm biệt JCPOA… -0
Chuyên gia của IAEA lắp đặt camera giám sát tại Cơ sở làm giàu urani, ngoại ô thành phố Isfahan, Iran. Ảnh: AP

Thời khắc quyết định khi đàm phán bế tắc

Hôm 10-6, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi đã cảnh báo rằng các động thái mới nhất của Iran có thể giáng một “đòn chí mạng” vào nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Bất chấp những cam kết tranh cử hồi năm 2020, Tổng thống Joe Biden vẫn chưa tìm ra cách để Mỹ chính thức quay trở lại và các hành động của Iran trong những tháng gần đây khiến thỏa thuận ngày càng khó có thể khôi phục mục đích ban đầu - hạn chế các hoạt động hạt nhân của Iran và đổi lại nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với quốc gia Hồi giáo này. Các cuộc đàm phán tại Vienna giữa Iran, Mỹ (tham gia gián tiếp) và các quốc gia ký kết JCPOA ban đầu khác (Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Anh, cũng như EU) trong suốt nhiều tháng nhằm khôi phục thỏa thuận năm 2015 đã bị đình trệ do không đạt được những tiến bộ ngoại giao đáng kể nào. Theo giới quan sát, Tehran đang cố tình câu giờ với hy vọng củng cố vị thế thương lượng của họ.

Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang lo lắng về cuộc xung đột ở Ukraine và mối đe dọa về một cuộc đối đầu vũ trang giữa Nga và liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), thời điểm thực hiện cam kết và nghĩa vụ đang dần hiện ra khi Washington sẽ phải quyết định liệu các cuộc đàm phán với Iran có đi vào ngõ cụt hay không.

Tính toán của Mỹ và Iran

Nhiều người Mỹ đặt câu hỏi tại sao chính quyền ông Biden không có một chiến lược tốt hơn để đưa Mỹ trở lại JCPOA? Không giống như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, khi Tổng thống Biden chỉ đơn giản tuyên bố hủy bỏ chính sách của người tiền nhiệm Trump, nhóm hoạch định chính sách của ông Biden dường như cảm thấy buộc phải thúc đẩy một thỏa thuận tốt hơn thỏa thuận ban đầu và bối rối về cách thức nới lỏng các biện pháp trừng phạt. Áp lực từ cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, vốn lâu nay vẫn hoài nghi về thỏa thuận, cùng với việc tăng cường phối hợp với các đồng minh châu Âu để xử lý những lo ngại xung quanh vấn đề hạt nhân có thể sẽ làm phức tạp thêm nhiệm vụ ngoại giao cơ bản liên quan JCPOA. Suy đoán về việc Mỹ muốn giảm bớt các cam kết ở Trung Đông và cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine khiến vấn đề Iran bị sao nhãng là không đúng, nhưng đó dường như là một phần của câu chuyện bên ngoài nước Mỹ.

Trong phiên điều trần gần đây, Đặc phái viên Mỹ về Iran Rob Malley cũng thừa nhận rằng chính sách gây “áp lực tối đa” của cựu Tổng thống Trump đối với Iran đã phản tác dụng đến mức chính quyền ông Biden phải leo lên “một ngọn đồi rất dốc” và việc đưa Mỹ tham gia trở lại đầy đủ vào thỏa thuận hạt nhân Iran không phải là một lựa chọn. Việc xác định mục đích của phía Iran trong câu chuyện này thậm chí còn khó hơn. Ban lãnh đạo Iran liệu có muốn hủy bỏ thỏa thuận hay họ nghĩ rằng thách thức với họ chỉ đơn giản là họ phải nhượng bộ nhiều hơn trong các cuộc đàm phán? Với quyền lực tập trung của lãnh tụ tối cao Ali Khamenei và sự ngờ vực sâu sắc của ông đối với các thể chế quốc tế, Iran có thể hy vọng một sự nhượng bộ từ Mỹ liên quan các lệnh trừng phạt nhưng cũng sẵn sàng “sống chung” với sự sụp đổ của JCPOA. Iran có cho rằng môi trường khu vực đang có lợi cho lợi ích của họ hay không? Và, liệu một nhận định như vậy có phải là yếu tố then chốt trong hành vi của Tehran hay không?

Một yếu tố khác ảnh hưởng đến ván cờ hạt nhân Iran là môi trường địa chính trị ở khu vực. Một sự thay đổi quan trọng đang diễn ra ở Trung Đông là việc củng cố mối quan hệ giữa các quốc gia Arab Vùng Vịnh và “kẻ thù chung” Israel, mặc dù không có người Palestine. Việc bình thường hóa quan hệ giữa Israel với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain, Maroc và Sudan chắc chắn là một tổn thất lớn đối với Iran. Iran đã lên án cái mà họ gọi là “NATO Arab - nhà nước Do Thái” và cơ quan an ninh của họ sẽ khôn ngoan nếu coi trọng sự hợp tác an ninh mới giữa các đối thủ của mình.

Nhưng, những người Iran khôn ngoan cũng tìm thấy một cơ hội nhỏ: Khi giải thích Hiệp định Abraham, các chuyên gia Iran nhận thấy nỗi sợ hãi chung về việc Mỹ rút khỏi khu vực. Các hiệp định bình thường hóa quan hệ trên chứng tỏ các quốc gia trong khu vực đang gánh vác nhiều trách nhiệm hơn và như vậy ảnh hưởng của Mỹ đã giảm bớt, do đó Iran ít nhiều vẫn là người chiến thắng về mặt nào đó.

https://antg.cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-antg/tam-biet-jcpoa-i658169/

Trần Ánh / antg.cand.com.vn