"Không đẻ ra được con trai thì chị sống không yên trong cái nhà này thím ạ. Biết là mình khổ, con khổ nhưng đành phải cố thôi. Bây giờ mà bị đuổi thì mẹ con chị biết về đâu" Liên tâm sự.
Con bé Bống chưa đầy tuổi đòi mẹ ngồi khóc ngằn ngặt giữa nhà. Bà nội nó ngoài sân nói vọng vào cay nghiệt: "Đúng là cái loại vịt giời, chỉ tài ăn vạ chả được cái tích sự gì".
Mẹ Bống tay vẫn còn dính xà phòng giặt quần áo chạy vào cưng nựng dỗ dành, tâm tư chị buồn phiền, nặng trĩu. Chị thương các con, thương ba đứa con gái đẻ liền nhau không được nhận sự quan tâm, chăm sóc từ gia đình chồng.
Thực sự tôi không nghĩ là giữa thời buổi này vẫn còn tồn tại những gia đình như gia đình ông Đán bà Oanh, hàng xóm của tôi. Ông bà sinh 6 người con, 5 gái đầu, 1 trai út. Ông hả hê còn bà thì mãn nguyện lắm bởi nghe nói ở ngưỡng tuổi xấp xỉ 50 bà mới sinh được anh Dũng, người con trai duy nhất và hiện đang là bố của ba đứa con gái liền nhau Bột, Bống, Bông.
Anh Dũng không được khôn ngoan cho lắm lại nhất nhất nghe mẹ. Khi mẹ chồng nàng dâu có chuyện gì xích mích là y như rằng anh lôi vợ ra chửi bới đánh đập. Chỉ thương cho Liên vợ anh, một cô gái mồ côi hiền lành chịu khó chỉ là khuôn mặt không được ưa nhìn cho lắm, có lẽ cũng vì thế họ mới được mai mối thành một đôi.
Liên có thai đứa đầu, đi siêu âm bác sĩ bảo con gái là về hầu như chị chẳng được nhà chồng ưu tiên bồi bổ, thậm chí họ còn khó chịu ra mặt. Đẻ xong về nhà cũng chẳng thấy chị ở cữ, vài hôm đã đội cái nón lụp xụp đi chợ với giặt đồ, nấu cơm.
Dưới sức ép của mẹ chồng, Liên có bầu đứa thứ hai ngay sau khi cai sữa con bé Bột. Đi siêu âm lại con gái, lần này chị còn khổ hơn lần trước khi tối ngày tay bế con, bụng bê bầu mà việc nhà thì không cái gì không phải làm, bà Oanh cứ sểnh ra là đi chùa.
Con Bống sinh thiếu tháng nên nhẹ cân, khó nuôi và hay ốm vặt. Cũng phải thôi, người ta bầu bí được ăn cái này, uống cái nọ, được nghỉ ngơi thư giãn đằng này mẹ nó làm quần quật đến lúc đẻ thì con lấy đâu ra mà khỏe mạnh, bụ bẫm.
Ấy vậy mà tôi càng sốc hơn nữa khi con Bống chưa đầy hai tuổi lại thấy chị vác cái bụng lùm lùm. Ái ngại tôi hỏi chị:
"Chị sinh mấy đứa liền nhau thế không thấy vất vả ạ. Em thấy có ai giúp đỡ chị việc gì đâu? ".
"Không đẻ ra được con trai thì chị sống không yên trong cái nhà này thím ạ. Biết là mình khổ, con khổ nhưng đành phải cố thôi. Bây giờ mà bị đuổi thì mẹ con chị biết về đâu".
Tôi dúi cho chị mấy bộ váy bầu cũ rồi lặng lẽ đi về, cầu mong chị sẽ đẻ được thằng cu cho bớt khổ chứ nhìn mấy mẹ con họ tôi xót ruột quá.
Hôm sau tôi chạm mặt bà Oanh ở ngõ, nhìn cu Thóc nhà tôi bà rít lên quở quấy:
"Úi giời ôi thằng cu thích quá, cái mặt cứ phinh phính như cái mâm thế này chứ. Đẻ như cháu mới là đẻ chứ như cái ngữ con dâu nhà bác thì phát chán, lần này không ra giai nữa thì tống cổ".
Tôi bức xúc lắm nhưng cũng bình tĩnh đáp lời bà:
"Đẻ trai hay gái là do anh Dũng quyết định chứ đâu phải chị Liên hả bác. Bác xem TV rồi nghe hội Phụ nữ thôn họ tuyên truyền suốt rồi còn gì.
"Gớm, tôi chả tin họ nói lung tung. Muôn đời các cụ dạy cứ không đẻ được con giai là tại đàn bà không biết đẻ".
"Bác cũng đẻ đến lần thứ sáu mới được anh Dũng còn gì, sao bác không thương cho chị Liên một chút".
Bà Oanh ngấm nguẩy lườm nguýt tôi rồi cắp nón đi thẳng về phía chùa. Từ hôm sau bà gặp tôi cũng chẳng nhìn, chẳng hỏi ra vẻ phật ý lắm.
Mang bầu lần này chị Liên phần vì áp lực, phần vì sợ tốn tiền nên chẳng dám đi siêu âm. Anh Dũng thì cứ tối ngày theo người ta đi phụ sơn, phụ hồ rồi nhậu nhẹt chẳng bao giờ quan tâm, để ý đến vợ con.
Thậm chí hôm chị Liên đi đẻ, anh ta còn say xỉn ngủ không biết gì. Nghe tiếng bà Oanh gọi, tôi vội vã chạy sang. Liên đang chuyển dạ, chị đau bụng lắm rồi. Tôi nhanh chóng gọi taxi cùng bà Liên đưa chị vào bệnh viện.
Đứng ngoài phòng chờ sinh mà lòng tôi nóng như lửa đốt, bà Liên thì ngồi ghế rung đùi gặm cái bắp ngô chốc chốc lại cười phá lên với mấy bà đi chăm con đẻ bên cạnh.
Giá như Liên còn bố mẹ thì tốt quá, ở trong kia đau đớn một mình chắc chị tủi thân lắm. Ngày tôi sinh, cả hai bên nội ngoại đông đủ vây quanh mà tôi vẫn không quên được cơn đau đẻ kinh hoàng cơ mà.
Hai tiếng sau bác sĩ bế một em bé ra ngoài và gọi tên người nhà sản phu Liên. Bà Oanh hớt hải chạy đến đỡ lấy đứa trẻ, nhanh tay vạch luôn tã để kiểm tra, tôi cũng chạy lại kịp đứng cạnh bà nghe ngóng. Bà Oanh nhăn nhớn rít lên như người vừa mất của:
"Ối giời ôi, lại vịt giời, nhà tôi vô phúc quá. Dũng ơi là Dũng thế này không được rồi con ơi".
Bà Oanh dúi đứa trẻ vào tay tôi rồi ráo hoảnh ngay lập tức:
"Nhờ cô bế nó giúp, tôi gọi cho thằng bố nó ra mà trông nhau. Tôi tiền đình mãn tính không ở đây lâu được".
Liên vẫn nằm trong phòng hồi sức, có lẽ chị dù mệt vẫn đang phải nghĩ đến những gì mình sắp gánh chịu. Tôi thương chị, thương mấy đứa nhỏ mà lòng dạ cứ rưng rưng. Phụ nữ đúng là khổ quá.