Bệnh nhân đầu tiên tái nhiễm nCoV ở Hong Kong cho thấy dường như người từng mắc Covid-19 có khả năng miễn dịch lâu dài.
Ngày 24/8, Hong Kong ghi nhận ca tái nhiễm nCoV đầu tiên trên thế giới. Bệnh nhân 33 tuổi, không biết rằng mình đã mắc Covid-19 lần thứ hai. Anh trở về Hong Kong sau chuyến du lịch đến Tây Ban Nha, Anh và được phát hiện khi xét nghiệm sàng lọc tại cửa khẩu hôm 15/8. Người đàn ông được đưa đến bệnh viện và cách ly cho đến khi âm tính virus, dù không có bất cứ biểu hiện nào.
Lần mắc Covid-19 đầu tiên của anh là vào tháng 3. Triệu chứng sốt, ho, đau họng và đau đầu kéo dài ba ngày, nhưng anh hồi phục nhanh chóng. Các nhà khoa học khẳng định đây là trường hợp tái nhiễm chứ không phải phát hiện "tàn dư" virus còn sót lại trong cơ thể.
Phát hiện mới làm dấy lên tranh tranh luận về thời gian duy trì miễn dịch sau nhiễm nCoV. Nhiều người đặt câu hỏi liệu điều này có ảnh hưởng đến quá trình phát triển vaccine hay không, đặc biệt là khi Covid-19 có xu hướng trở lại ở nhiều nước, tiêm chủng được coi là phương pháp duy nhất giúp đẩy lùi hoàn toàn dịch bệnh.
Trường hợp bệnh nhân Hong Kong còn nhiều điểm chưa sáng tỏ. Các nhà nghiên cứu dự kiến công bố báo cáo chi tiết trên tạp chí Bệnh truyền nhiễm Lâm sàng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng tình trạng này không đáng lo ngại. Các dữ liệu (nếu trải qua bình duyệt) sẽ đồng nhất với những gì giới khoa học dự liệu từ trước, rằng người từng nhiễm nCoV có đáp ứng miễn dịch lâu dài. Họ lưu ý chi tiết quan trọng nhất: người đàn ông không có triệu chứng trong lần mắc bệnh thứ hai, chứng tỏ hệ thống miễn dịch đã thành công chống lại virus.
Trong lần đầu nhiễm bệnh, anh này có biểu hiện ho, đau họng, sốt, đau đầu và phải nhập viện. Lần thứ hai, dù dương tính, anh không trải qua bất cứ triệu chứng nào. Muge Cevik, chuyên gia virus Đại học St Andrews, cho rằng điều này "theo một cách nào đó lại khiến bạn yên tâm".
Hệ thống miễn dịch ở người vốn rất phức tạp. Bản thân khái niệm "miễn dịch" cũng được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau.
Nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng các kháng thể trung hòa ngăn chặn mầm bệnh lan sang tế bào khác có thể suy yếu vài tháng sau nhiễm nCoV, đặc biệt là khi triệu chứng ban đầu nhẹ. Kết luận này dập tắt hy vọng về "miễn dịch cộng đồng".
Tuy nhiên, mức độ bảo vệ của kháng thể thường bị hiểu lầm. Nhiều người đánh đồng sự tồn tại của kháng thể với khả năng duy trì miễn dịch ở người. Trên thực tế, bộ phận giúp ngăn ngừa Covid-19 lâu dài ở người lại là tế bào T - "sát thủ" đặc trị mầm bệnh. Chúng tìm kiếm, ghi nhớ và tiêu diệt virus nhiều lần sau đó.
Các chuyên gia tin rằng tình trạng nhiễm trùng trong lần đầu mắc Covid-19 càng nặng thì khả năng miễn dịch càng kéo dài. Tình trạng tái nhiễm vẫn có thể xảy ra, song không có nghĩa bệnh nhân sẽ chuyển nghiêm trọng. Nói chung, một khi đã tiếp xúc với nCoV, cơ thể sẽ ghi nhớ virus.
Akiko Iwasaki, chuyên gia miễn dịch học tại Đại học Yale, một trong những tác giả của nghiên cứu, cũng cho biết phát hiện mới không liên quan đến sự thành bại của vaccine.
Người dân Hong Kong trên một toa tàu điện ngầm, trạm gần các khu nghĩ dưỡng Disneyland, ngày 14/7. Ảnh: Reuters |
"Vaccine có thể kích thích mức độ miễn dịch ở một người, đủ khả năng ngăn chặn tái nhiễm hoặc ít nhất giữ nó không lây lan", bà nói.
Tiến sĩ Paul Offit, giám đốc Trung tâm Giáo dục Vaccine, khoa nhi Bệnh viện Nhi Philadelphia, cho biết việc bệnh nhân không có triệu chứng trong lần hai mắc bệnh thậm chí là "tin tốt". Ông nhận định đó là dấu hiệu khả quan, cho thấy vaccine có thể làm điều tương tự.
"Đây là những gì chúng tôi muốn thấy. Đối với các nhà phát triển vaccine, thật đáng mừng rằng lần mắc Covid-19 đầu tiên của anh ấy đã tạo ra phản ứng miễn dịch chống lại căn bệnh", tiến sĩ Offit nói.
Nhiều chuyên gia lo ngại những người như bệnh nhân Hong Kong vẫn truyền được virus cho cộng đồng. Không rõ triệu chứng, họ trở thành"nguồn lây thầm lặng". Hầu hết các nước đều đồng tình rằng các bệnh nhân không triệu chứng vẫn lây truyền được nCoV cho người khác.
Tuy nhiên, giới khoa học chưa thể khẳng định nghiên cứu mới có ý nghĩa gì đối với việc đại dịch sẽ kéo dài bao lâu. Nếu tình trạng tái nhiễm xảy ra thường xuyên, viễn cảnh miễn dịch cộng đồng sẽ mất thời gian hơn. Đây vốn được coi là kịch bản lỏng lẻo và không lý tưởng.
Đến nay, toàn thế giới ghi nhận khoảng 24 triệu người mắc Covid-19. Maria Van Kerkhove, chuyên gia dịch tễ của Tổ chức Y tế Thế giới hận định: "Quan trọng là phải lưu lại những trường hợp như người bệnh Hong Kong, nhưng đừng vội vàng kết luận bất cứ điều gì".
Sáng nay không thêm ca nhiễm nCoV |
Đà Nẵng xét nghiệm nCoV cho thí sinh thi tốt nghiệp THPT |
Sau 4 ngày xuất viện, nữ sinh viên tái dương tính nCoV |