Syria quay cuồng giữa giai đoạn chuyển giao hỗn loạn

Sau hơn một thập niên nội chiến, Syria đang bước vào giai đoạn chuyển giao nhạy cảm khi chính quyền của ông Bashar al-Assad sụp đổ, tạo ra khoảng trống quyền lực và khởi đầu cho cuộc đua giành ảnh hưởng giữa các cường quốc quốc tế và các lực lượng địa phương.

Ngày 12/12 đánh dấu bước ngoặt trong cuộc khủng hoảng Syria khi các nhà lãnh đạo mới tại Damascus chính thức tiếp quản quyền lực. Bối cảnh đó không chỉ thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế mà còn khiến các cường quốc đồng loạt cử phái viên đến khu vực nhằm định hình các kế hoạch chính trị mới.

Syria quay cuồng giữa giai đoạn chuyển giao hỗn loạn -0
Người dân Syria trở về quê hương qua cửa khẩu biên giới Cilvegozu ở Reyhanli, tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 10/12.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, trong chuyến công du Trung Đông, đã gặp Quốc vương Abdullah II của Jordan để thảo luận về tình hình Syria, nhấn mạnh rằng đây là “thời điểm đầy hứa hẹn nhưng cũng đầy nguy hiểm” đối với không chỉ Syria mà cả các nước láng giềng. Jordan, với vị trí địa lý giáp biên giới phía Nam Syria, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm ổn định khu vực, đặc biệt trong việc quản lý dòng người tị nạn và các mối đe dọa xuyên biên giới. Sau Jordan, Ngoại trưởng Antony Blinken tiếp tục tới Thổ Nhĩ Kỳ để hội đàm với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Thổ Nhĩ Kỳ, vốn có lợi ích chiến lược tại miền Bắc Syria, là một trong những nhân tố chủ chốt trong việc định hình tương lai đất nước này.

Nội dung thảo luận xoay quanh các vấn đề quan trọng như vai trò của lực lượng người Kurd, vốn bị Ankara coi là mối đe dọa khủng bố, và các nguy cơ về khủng bố tái diễn tại khu vực. Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn chặn các cuộc xung đột mới giữa lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng dân quân người Kurd do Washington hậu thuẫn ở Đông Bắc Syria, đồng thời cảnh báo rằng “thêm bất kỳ xung đột nào nữa sẽ làm trầm trọng hơn tình hình vốn đã mong manh”.

Cùng với đó, Mỹ đồng thời gửi một thông điệp rõ ràng tới Israel, yêu cầu nước này tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn tại vùng đệm biên giới Syria-Israel được thiết lập từ năm 1974. Tuy nhiên, thực tế trên thực địa cho thấy Israel đã tận dụng khoảng trống quyền lực sau sự sụp đổ của chính quyền ông Bashar al-Assad để củng cố vị trí quân sự tại khu vực này. Hàng trăm cuộc không kích của không quân Israel đã được tiến hành nhằm vào các cơ sở quân sự, vũ khí hóa học và kho tên lửa của chính quyền cũ.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định rằng, quân đội nước này sẽ ở lại “tạm thời” tại các khu vực chiến lược của Syria, bao gồm một phần lãnh thổ nằm sâu bên trong vùng đệm biên giới. Ông Netanyahu lý giải rằng sự hiện diện này nhằm “ngăn chặn các nhóm thánh chiến lấp đầy khoảng trống quyền lực và đe dọa an ninh Israel”. Tuy nhiên, tuyên bố này gây ra không ít nghi vấn về ý đồ lâu dài của Israel, khi họ đã mở rộng kiểm soát tới khu vực vốn được giám sát bởi lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc từ sau cuộc chiến năm 1973.

Động thái quân sự của Israel không chỉ nhằm đảm bảo an ninh trước mắt mà còn được đánh giá là một phần trong chiến lược làm suy yếu lực lượng quân sự của Syria trong bối cảnh quốc gia này chưa thể ổn định sau sự sụp đổ của chính quyền cũ. Các cuộc tấn công liên tiếp đã gây tổn hại nghiêm trọng đến sức mạnh quân sự Syria, đặt quốc gia này vào thế yếu trong bất kỳ thỏa thuận nào về tương lai vùng đệm.

Cạnh tranh không chỉ diễn ra giữa các cường quốc quốc tế, mà còn rõ rệt giữa các lực lượng trong nước, tạo nên một cuộc giằng co phức tạp về quyền lực và tầm ảnh hưởng trong giai đoạn chuyển giao của Syria.

Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo, sau nhiều năm tự khẳng định mình là một thực thể độc lập trong cuộc nội chiến, đã quyết định nâng cao cờ độc lập của Syria tại khu vực họ kiểm soát ở miền Đông Bắc. Động thái này không chỉ là biểu tượng cho sự thống nhất quốc gia mà còn gửi tín hiệu mạnh mẽ về việc sẵn sàng hợp tác với chính quyền mới ở Damascus, trong bối cảnh các thế lực quốc tế và khu vực ngày càng gia tăng sức ép lên tình hình nội bộ Syria. Tuy nhiên, người Kurd vẫn phải đối mặt với thách thức không nhỏ từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Ankara đã nhanh chóng hành động khi cử ông Ibrahim Kalin, lãnh đạo cơ quan tình báo quốc gia MIT, đến Damascus để củng cố ảnh hưởng và đàm phán về các vấn đề liên quan đến lợi ích an ninh. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm, một quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện công khai tại thủ đô của Syria - dấu hiệu cho thấy Ankara đang muốn đóng vai trò chủ chốt trong việc định hình các thỏa thuận hậu chiến. Sự hiện diện của ông Ibrahim Kalin, đặc biệt là tại những địa điểm mang tính biểu tượng như Nhà thờ Hồi giáo Umayyad, không chỉ củng cố vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ mà còn là lời cảnh báo đến người Kurd về việc không được mở rộng quyền lực vượt ngoài sự kiểm soát của Ankara.

Tuy nhiên, người Kurd cũng đang tìm cách tận dụng tình thế mới để củng cố lợi ích lâu dài. Bằng cách nâng cao cờ Syria, họ muốn khẳng định tinh thần đoàn kết dân tộc trước các nhà lãnh đạo mới, đồng thời gửi đi thông điệp rằng khu vực tự trị này có thể đóng góp vào sự ổn định của đất nước, thay vì là một mối đe dọa. Nhưng động thái này cũng vấp phải sự hoài nghi từ một số lực lượng đối lập và các cộng đồng sắc tộc khác, những người lo ngại rằng người Kurd sẽ dùng thời cơ để gia tăng yêu sách tự trị, làm gia tăng chia rẽ trong nội bộ Syria.

Trong khi đó, tại Damascus, bầu không khí chính trị mang đậm dấu ấn của một cuộc chuyển giao quyền lực lớn. Nhà thờ Hồi giáo Umayyad, từng là nơi các thủ lĩnh phiến quân tập hợp để ăn mừng chiến thắng trong cuộc nổi dậy, nay trở thành trung tâm của các hoạt động chính trị mang tính biểu tượng. Nhiều nhà lãnh đạo mới đã xuất hiện tại đây như một cách để khẳng định vai trò lãnh đạo trong giai đoạn đầy biến động này. Tuy nhiên, bức tranh quyền lực tại thủ đô không chỉ được tô điểm bởi những hình ảnh đoàn kết mà còn phản ánh sự chia rẽ sâu sắc.

Tương lai Syria sẽ được quyết định bởi sự cân bằng mong manh giữa cạnh tranh quốc tế và nhu cầu ổn định nội bộ. Nếu không có sự đồng thuận giữa các bên, viễn cảnh về một Syria hòa bình vẫn rất xa vời. Mặc dù các nhà lãnh đạo mới cố gắng định hình đất nước trên nền tảng thống nhất, nhưng nguy cơ xung đột và phân rã sẽ vẫn hiện hữu nếu không có sự hỗ trợ toàn diện từ cộng đồng quốc tế. Trong bối cảnh ấy, một Syria độc lập, thống nhất và ổn định sẽ không chỉ là bài toán quyền lợi mà còn là thước đo trách nhiệm của thế giới đối với khu vực đầy bất ổn này.

https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/syria-quay-cuong-giua-giai-doan-chuyen-giao-hon-loan-i753368/

Khổng Hà / CAND