Suy ngẫm từ Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời

Tôi là người mê nhạc cổ điển, và thật may mắn là từ năm 2018 cho tới nay, tôi thường xuyên được đi nghe các buổi hòa nhạc của Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời (The Sun Symphonie Orchestra) do Tập đoàn Sun Group bảo trợ... 

Mặc dù những chương trình hòa nhạc này còn đang nằm trong giai đoạn “thử nghiệm”, nhưng thực sự, khán giả loại “trung bình” như tôi, hoàn toàn không thể phân biệt cái gì là “sự thử nghiệm” ở đây.

Các chương trình đều mang đến cho người nghe những gì gọi là đỉnh cao của âm nhạc hàn lâm. Đó là các tác phẩm của nhiều nhà soạn nhạc danh tiếng trên thế giới được biểu diễn bởi những nghệ sĩ tên tuổi trên thế giới, một dàn nhạc hơn 70 nhạc công mà trong đó có những người là Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú của Việt Nam, từng đoạt nhiều giải lớn trong các cuộc thi âm nhạc trên thế giới như Nghệ sĩ Cello Trần Thị Mơ, Đào Tuyết Trinh… Và trên hết là dàn nhạc được chỉ huy bởi một Nhạc trưởng người Pháp tài ba Olivier Ochanine…

suy ngam tu dan nhac giao huong mat troi
Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời

Khát vọng của lãnh đạo Tập đoàn Sun Group là mong muốn có một dàn nhạc giao hưởng Việt Nam mang tầm quốc tế, làm giàu thêm đời sống âm nhạc của công chúng thông qua âm nhạc hàn lâm, góp phần đào tạo bồi dưỡng các tài năng âm nhạc của Việt Nam. Chính vì vậy mà Tập đoàn Sun Group đã không tiếc tiền của đầu tư cho dàn nhạc này... Mà kinh phí để “nuôi” một dàn nhạc giao hưởng mang tầm vóc quốc tế là cực kỳ lớn... Nếu như không nói đầu tư nhạc giao hưởng là tốn tiền nhất so với các loại hình nghệ thuật khác, và hoàn toàn không có khả năng sinh lời - đặc biệt là ở một quốc gia mà trình độ thẩm mỹ âm nhạc của đại đa số người dân là còn rất hạn chế, hỗn tạp.

Về chất lượng chuyên môn của dàn nhạc thì thú thực là không có gì để “băn khoăn”, bởi lẽ nơi đây tập họp những nghệ sĩ hàng đầu của Việt Nam và của nước ngoài. Nhưng điều làm tôi cứ thấy “gợn gợn” thế nào ấy, khi mà thấy số lượng nghệ sĩ nước ngoài trong dàn nhạc quá đông… chiếm gần một nửa trong dàn nhạc. Ở bộ Hơi, gồm các loại kèn thì nghệ sĩ nước ngoài chiếm hầu hết các vị trí… Dễ dàng nhận với các loại kèn được coi như “hoàng tử”, là “tướng” trong dàn nhạc giao hưởng như Trumpet, Trompone, Tuba, Bassoon… thì toàn người nước ngoài. Thậm chí ở nhạc cụ Timpani, Contrabass, Harp… cũng hầu hết là người nước ngoài. Như vậy, có thể nhận thấy rằng, nhạc công người Việt Nam chỉ có “thế mạnh” ở các nhạc cụ bộ Dây như Vioin, Viola, Cello… Ngay ở nhạc cụ Cello, dàn nhạc có Nghệ sĩ Nhân dân Trần Thị Mơ, Nghệ sĩ Ưu tú Đào Tuyết Trinh, là những người từng đoạt giải lớn tại một số kỳ thi âm nhạc quốc tế, thì trong dàn nhạc này, cũng không ở vị trí chính.

Tại sao lại có việc nhạc công nước ngoài chiếm quá đông trong dàn nhạc? Rất có thể vì Nhạc trưởng muốn có một dàn nhạc “đẳng cấp quốc tế” cho nên phải chọn những người thực sự tài giỏi... Nếu như vậy, thì sự có mặt quá nhiều nhạc công người nước ngoài sẽ phần nào làm giảm giá trị của dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời và mục tiêu “đào tạo nghệ sĩ tài năng của Việt Nam" sẽ khó mà thực hiện được.

Việc có đông nhạc công nước ngoài trong dàn nhạc và ở các vị trí chính thể hiện điều gì?

Thứ nhất là Nhạc trưởng Olivier có vẻ đã quá “khắt khe” đối với các nhạc công người Việt mà coi trọng người nước ngoài. Tất nhiên, ở bộ Hơi, chúng ta phải thừa nhận rằng trình độ của các nhạc công Việt Nam có phần thua kém nước ngoài, bởi lẽ bấy lâu nay, việc đào tạo người chơi kèn ở các nhạc Viện của ta có phần giảm sút. Căn nguyên cũng là nếu học kèn Trumpet, Flute, Clarinet… thì cơ hội đi biểu diễn “kiếm ngoài” có phần dễ hơn là nhạc công chơi Tuba, Basson, Trompon, Oboe…Ngay cả một vài loại nhạc cụ của bộ Dây như Contrabass, Cello cũng không phải nhiều sinh viên đã “máu”, đó là chưa kể những loại như đàn Harp, Timpani thì càng hiếm người học…

Thứ hai là là việc đào tạo của các Nhạc viện đã không còn chú trọng đến đến tạo nhạc công cho dòng nhạc giao hưởng, thính phòng, chính vì vậy, chúng ta không có đội ngũ kế cận. Nếu nói một cách công bằng thì thời bao cấp, chúng ta lại chú ý đến nhạc giao hưởng, thính phòng hơn bây giờ, và điều đó thể hiện trong việc đào tạo. Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam đã có một thời được coi là mạnh trong khu vực, đã từng được mời đi biểu diễn ở một số quốc gia có nền âm nhạc phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc… Nhưng gần đây, tên tuổi của dàn nhạc đã bị mai một nhiều. Nếu nói không quá thì từ khi có dàn nhạc Mặt Trời của Sun Group, người ta không còn biết đến Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam. Đây thực sự là điều đáng buồn.

Cho nên, muốn nâng cao trình độ thẩm mỹ âm nhạc cho người Việt, thì phải có những dàn nhạc giao hưởng mạnh, mà như vậy, công tác đào tạo phải thay đổi. Nhưng quan trọng nhất là phải có tiền, phải làm thế nào để nhạc công sống được bằng nghề… Và muốn thực hiện được khát vọng đó, thì Nhà nước phải có chế độ riêng và đầu tư thỏa đáng cho dàn nhạc.

Không có tiền thì đừng nói đến nhạc giao hưởng, đừng nói đến âm nhạc hàn lâm. Và nếu không có âm nhạc hàn lâm thì cũng đừng nói đến nâng cao thẩm mỹ âm nhạc cho công chúng.

Nhưng nếu có tiền mà không có những người làm nghệ thuật tâm huyết, có trình độ cao lãnh đạo, chỉ huy; và có những bước đi thích hợp để đưa nhạc hàn lâm đến với công chúng thì không khéo là mất tiền toi. Và đầu tư nhiều tỷ đồng cho một dàn nhạc giao hưởng chỉ phục vụ cho một số rất ít người am hiểu theo kiểu “giấy mời”, thì cũng là phi thực tế…

Với những gì mà dàn nhạc The Sun Symphonie Orchestra đã làm và sẽ làm, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng đời sống âm nhạc Việt Nam sẽ có những thay đổi tích cực, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, nghệ thuật cho người Việt.

N.N.P

suy ngam tu dan nhac giao huong mat troi TP.HCM trả lời câu hỏi \'xây nhà hát giao hưởng cho ai?\'

Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM vừa có báo cáo thêm về Nhà hát giao hưởng 1.500 tỉ đồng tại Thủ Thiêm và khẳng định ...